Phạt thật nặng nếu còn nghe ai nói đến “ma lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cái đêm cuối năm 1993 đầu năm 1994, cả xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) kinh hoàng trước hung tin một gia đình 7 người bị thảm sát ngay tại rẫy nhà vì bị cho là ma lai. 17 năm đi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, nó vẫn gợi lại một ký ức đau buồn đối với thân nhân người bị hại và là bài học nhớ đời đối với những người từng tin vào cái gọi là “ma lai” và họ đã trả giá đắt cho sự cuồng tín của mình.
Buôn Chư Gur và Cliếc B, xã Pờ Tó, là hai buôn tận cùng của xã, giáp với núi, ngày đó rất hiu quạnh. Không mấy khi có người qua lại khu vực này, chủ yếu là người dân trong buôn sinh sống và các tiểu thương vào buôn bán. Người của buôn thì “kín cái miệng”, bởi thế mà một gia đình 7 người tại buôn Chư Gur bị bắn, đập chết, đốt nhà, phá tài sản, chôn tập thể ngay tại nhà rẫy của mình nhưng gần một tháng sau sự việc mới được phát giác.
Đinh Ênh và Già làng Đinh Dước. Ảnh: Hồng Sơn
Đinh Ênh và Già làng Đinh Dước. Ảnh: Hồng Sơn
Thảm họa từ hủ tục “ma lai”
Gia đình Đinh Klối giàu có. Nhà anh có rẫy, xe đạp, kho thóc, heo, gà hàng trăm con, rượu 40 ghè… Klối từng đi bộ đội. Trong thời gian tham gia quân ngũ, Klối là y tá, biết tiêm thuốc cứu người. Ra quân, do biết tích góp, buôn bán làm ăn nên Klối nhanh chóng trở thành giàu có. Các con Klối cũng khôn ngoan, cũng biết làm ăn giỏi như cha mình. Con đầu còn đi học võ ở xã Ia Ma Rơn để bảo vệ mình và để có sức khỏe. Trong làng nếu thanh niên đánh nhau, con trai Klối thường đứng ra can ngăn, hòa giải. Không ngờ, thảm họa cũng bắt nguồn từ sự “hơn hẳn” của nhà Klối.
Một hôm, Đinh Nhoét, ở buôn Chư Gur âm thầm triệu tập người hai buôn Chư Gur và Cliếc B đến uống rượu. Nhoét nói: “Nhà Klối là ma lai, nó có võ lại có thuốc ăn người, phải giết cả nhà, nếu không nó sẽ ăn thịt hết dân hai buôn”. Sau một ngày bí tỉ với tiệc rượu, Nhoét cùng già làng Đinh Dước, buôn Cliếc B huy động thêm 5 người trong đó có Đinh Van, Đinh Tếch, Đinh Thạch… và ngay trong đêm lên kế hoạch trừ khử cả gia đình Klối với 6 khẩu súng mang theo.
12 giờ đêm, giây phút định mệnh cả gia đình Đinh Klối. Đinh Ênh, người con thứ hai của gia đình Klối còn sống sót, hồi tưởng: “12 giờ đêm, Đinh Nhoét dẫn theo 6 người mang súng, vượt rừng lên núi tìm đến nhà rẫy của gia đình mình. Lúc này cha mẹ và 4 anh em của mình đang ngủ tại đây. Họ đã dùng súng bắn chết hết. Đứa em út lúc đó mới 3 tuổi bị bọn chúng dùng chày đập đến chết. Sau khi giết chết, bọn chúng đốt nhà, lấy hết tài sản rồi đào hố chôn. Phát hiện chưa giết được anh cả của mình, bọn chúng bán kho lúa nhà mình, mua thêm đạn, sáng hôm sau phục trong bụi le canh anh mình đi săn về tiếp tục giết. Phát hiện anh mình xuất hiện, bọn chúng bắn 3 phát súng nhưng không trúng. Anh mình bỏ chạy, chúng chạy theo bắn tiếp 35 phát nữa, nhưng chỉ một viên trúng vào bàn tay và anh mình tiếp tục bỏ chạy. Chúng lần theo dấu máu, phát hiện anh đang núp trong bụi, chúng bắn liền 3 phát. Sau khi giết chết anh mình, chúng đào hố chôn ngay tại chỗ. May mắn là mình và em Đinh Dâng thoát chết, vì mình cưới vợ ở xã Ia Ma Rơn nên không có nhà, còn em Đinh Dâng thì đang ở nhà người bà con”.
Đinh Ênh nghẹn ngào: “Hai anh em rất đau buồn trước cái chết của người thân, cuộc sống không nơi nương tựa, gia sản bị mất hết. Cả hai đi làm thêm kiếm sống, tủi hổ, cơ cực, lại bị mọi người xa lánh vì họ cho hai anh em mình là ma lai. Tối về, hai anh em ôm nhau mà khóc. Những lúc đi rẫy ngang qua mộ cha mẹ và anh em, cái bụng đau nhói, nước mắt cứ tuôn ra… Đến giờ mỗi khi nhắc lại, cái miệng mình nói nhưng cái bụng vẫn rất đau”.
Giờ thì hai anh em đã khôn lớn, đã có vợ con và thành đạt, làng đã hiểu và không tin vào ma lai nữa, luôn yêu thương và giúp đỡ hai anh em. Đinh Dâng đã là đảng viên, là giáo viên giảng dạy cái chữ cho trẻ con trong buôn…
Sự ăn năn của kẻ từng tin vào “ma lai”
Ông Lê Trọng Phương- Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó lúc bấy giờ đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp sau khi vụ thảm sát xảy ra. Ông Phương kể: “Các đối tượng tham gia vụ thảm sát có trưởng thôn và du kích thôn đều có súng. Vì thế, UBND xã ra thông báo nộp súng để kiểm tra và cấp súng mới, mục đích để tịch thu số súng các đối tượng đang sử dụng. Xã cử Công an xã, Xã đội chia làm nhiều mũi trong đêm tiến hành phục kích bắt giữ các đối tượng và đến sáng hôm sau đã bắt gọn cả 7 đối tượng giao cho Công an huyện và tỉnh xử lý”.
Cả 7 đối tượng sau đó đã lãnh án, kẻ ít nhất 7 năm tù, Đinh Nhoét và Đinh Dước nặng nhất với 14 năm tù. Đến nay, sau khi chấp hành án phạt, tất cả đã trở lại hòa nhập với cộng đồng. Giờ đây, trong tâm trạng ăn năn, già làng Đinh Dước thành khẩn: “Ngày trước, thằng Nhoét nó nói nhà Klối là ma lai, mình tin nó, giết hết. Sau khi được Nhà nước giáo dục, mình thấy đó là sai lầm lớn. Ở đời làm gì có cái gọi là “ma lai”, người chỉ ăn thịt heo, bò… chứ làm gì có chuyện người ăn thịt người. Tôi đã sai lầm rồi! Giờ đây hai anh em thằng Ênh, Dâng không còn người thân, trong khi mình vẫn còn vợ, con, nghĩ đến tôi thấy hối hận và buồn lắm! Bây giờ, trong các buổi họp thôn buôn, mình luôn căn dặn lũ nhỏ rằng không có ma lai. Mình lấy thân già này ra làm ví dụ để tụi nhỏ không làm cái điều sai như lúc trước mình đã làm. Nghe đứa nào nói người khác là ma lai, mình sẽ phạt thật nặng để không còn ai dám tin vào cái sai lầm “ma lai” nữa”.
Hồng Sơn


Có thể bạn quan tâm

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ cuối: "Chìa khóa" trong phát triển đảng viên là học sinh

Tăng 'sức trẻ' cho Đảng từ trường học - Kỳ cuối: "Chìa khóa" trong phát triển đảng viên là học sinh

Hiện nay, công tác phát triển đảng viên là học sinh ở một số cấp ủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, việc tìm lời giải cho bài toán phát triển thế hệ kế cận của Đảng rất cần được cấp ủy các cấp lưu tâm.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Mù u ra phố

Mù u ra phố

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.