NGĂN CHẶN NẠN TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG:

Phát huy năng lực tuyên truyền phòng ngừa tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, không ít lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác vận động, tuyên truyền về vấn đề này.
Một hội nghị tập huấn về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Đak Đoa. Ảnh ĐVCC

Một hội nghị tập huấn về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Đak Đoa. Ảnh ĐVCC

Huyện Đak Đoa có 18 DTTS, chiếm 58,44% dân số toàn huyện, chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 66 trường hợp tảo hôn. Riêng 9 tháng năm 2023 xảy ra 8 trường hợp, giảm 27 trường hợp so với năm 2020. Trưởng phòng Dân tộc huyện Lê Thị Hương cho hay: Để có được kết quả đó, Phòng Dân tộc phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể huyện tăng cường công tác tuyên truyền. Trong năm nay, huyện đã tổ chức được 22 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp; già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; trưởng và phó các chi hội thôn, làng; đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; thành viên, đoàn viên, hội viên làm công tác tuyên truyền của cơ quan MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể ở các xã, thị trấn; người dân vùng đồng bào DTTS… với hơn 1.600 lượt người tham gia. Đồng thời, huyện cũng tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cho các xã với 350 người tham dự; hỗ trợ duy trì sinh hoạt 15 câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân theo quy chế của xã, thị trấn vùng DTTS.

“Qua những hoạt động này, cán bộ, công chức và người dân vùng DTTS đã từng bước nâng cao nhận thức và trở thành những tuyên truyền viên cốt cán, góp phần giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS”-bà Hương cho hay.

Là công chức Tư pháp-Hộ tịch, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), những năm qua, chị Vũ Thị Hương được tham dự nhiều lớp tập huấn về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Song song với đó, chị còn chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở địa phương. “Ngoài tuyên truyền thông qua các buổi họp làng, sinh hoạt câu lạc bộ, tôi còn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để chia sẻ về tác hại của việc kết hôn sớm, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tôi cũng phổ biến cụ thể những quy định của pháp luật về mức xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực hôn nhân và gia đình để bà con nắm bắt, chấp hành”-chị Hương chia sẻ.

Xã Hà Bầu có 8 thôn, làng nhưng có đến 7 làng dân tộc Jrai với hơn 7.800 khẩu (chiếm gần 90% dân số của xã). Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thị Kim Quy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên từ lâu đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Từ đầu năm đến nay, xã chỉ xảy ra 3 vụ tảo hôn, giảm đáng kể so với những năm trước.

Chị Vũ Thị Hương (thứ 2 từ phải sang)-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) xuống nhà người dân để tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: M.T

Chị Vũ Thị Hương (thứ 2 từ phải sang)-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) xuống nhà người dân để tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: M.T

Có con trong độ tuổi dậy thì, chị Nay H'Niu-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Bir (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) rất quan tâm vấn đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe vị thành niên. Qua những buổi nghe tuyên truyền về những hậu quả khôn lường của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chị HNiu tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích để giáo dục con cái và đây cũng là hành trang giúp chị trở thành một tuyên truyền viên nòng cốt của buôn, xã. “Trước đây, tôi chưa hiểu sâu về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Sau khi được nghe cán bộ các cấp phổ biến, tập huấn về nội dung này, tôi đã nắm bắt rõ hơn và quyết tâm vận động dân làng không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”-chị HNiu nói.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch hàng năm và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trường Trung Tuyến: Những năm qua, Ban đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức 14 hội nghị cung cấp thông tin, 3 hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS với 1.700 lượt người tham dự; tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc; 4 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; đồng thời, cấp phát 22.000 tờ gấp, lắp đặt 8 cụm pa nô tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Các địa phương cũng đã triển khai 110 hội nghị tập huấn cho già làng, người có uy tín, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội của thôn, làng với 9.180 lượt người tham dự; cấp phát 36.375 tờ gấp, lắp đặt 40 cụm pa nô, 60 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; triển khai hơn 30 mô hình nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

“Qua các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, cán bộ và người dân tham gia đã nhận thức được vai trò của mỗi cá nhân trong công tác tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, toàn tỉnh không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, số vụ tảo hôn cũng dần được kéo giảm”-ông Tuyến cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.