(GLO)- Trong Báo cáo chính trị (dự thảo) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV công bố ngày 9-7-2015 (theo Công văn số 1493-CV/TU của Văn phòng Tỉnh ủy, sau đó đã được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông của tỉnh), phần đánh giá thành tựu đạt được, mục “Thương mại-dịch vụ tăng trưởng nhanh” không nói đến ngành du lịch; và phần “Nhiệm vụ và giải pháp...” (phần III, mục 3 về “Nâng cao chất lượng các ngành thương mại, dịch vụ...”), lại có đặt vấn đề là: “Phát huy lợi thế về địa lý, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, môi trường... để phát triển ngành du lịch...”. Chúng tôi muốn nói đến vấn đề này...
Điểm du lịch thác Phú Cường. |
Ngày nay, trên thế giới và nhiều địa phương coi ngành du lịch là ngành “công nghiệp không khói”, đầu tư, phát triển, kinh doanh có hiệu quả ngành này sẽ đem lại lợi ích cho cả vấn đề kinh tế-xã hội, môi trường, đặc biệt là góp phần xích lại gần nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn giữa các dân tộc, vùng, miền, quốc gia... Là một tỉnh như Gia Lai, nếu nói cho chính xác là quá nhiều điều kiện, lợi thế mà ít nơi có được để phát triển ngành dịch vụ-du lịch. Thế mà, nhìn lại công tác này của hàng nhiều chục năm qua, chúng ta suy nghĩ gì? Một ngành mà có thể nói (theo tác giả bài viết) là kém nhất trong tất cả những lĩnh vực được coi là kém. Có sự quan tâm chỉ đạo (nhiều chủ trương, có quy hoạch ngắn, trung, dài hạn...) cho ngành, song không triển khai đến nơi đến chốn, thiếu sự điều hành, kiểm tra, đặc biệt là việc đầu tư, liên doanh, liên kết, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho ngành. Tóm lại, là một ngành đã nhiều năm bị bỏ ngỏ?
Tuy nhiên, trong báo cáo (dự thảo) như đã nói trên, sau khi được Bộ Chính trị góp ý, công bố ngày 25-9 (tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 23-khóa XIV), cũng trong mục đã dẫn, thì có đánh giá: “Hoạt động du lịch có chuyển biến..., doanh thu tăng bình quân 14,05%/năm”, không chú thích bằng số liệu nên không thể phân tích. Tuy nhiên, đây là con số (làm được) không thể nói đã tương xứng với tiềm năng của ngành. Nhưng dù sao cũng có thêm vài câu nói về lĩnh vực này so với bản báo cáo (dự thảo) trước đó là không. Đáng mừng...
Du khách tham quan khu rừng nhiệt đới tại Gia Lai. |
Về phần nhiệm vụ (III), bản dự thảo công bố ngày 25-9, nêu khá đầy đủ: “Phát huy lợi thế về địa lý, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và khai thác có hiệu quả các tuyến đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, quốc lộ 19, đồng thời tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung để phát triển ngành du lịch”. Đây là bửu bối của ngành “công nghiệp không khói” của tỉn h nhà trong tương lai. Ít nhất, một lần nữa một văn kiện quan trọng của Đảng bộ đã chỉ rất rõ định hướng cho ngành du lịch. Việc còn lại là... làm! Đúng như ghi nhận (sau khi Bộ Chính trị góp ý) và định hướng tại Báo cáo chính trị lần này, cho chúng ta khẳng định về đa lợi thế của Gia Lai trong lĩnh vực du lịch.
Gia Lai hội đủ nhiều điều kiện về địa lý, về cảnh quan thiên nhiên; giao thông có đường bộ với các tuyến quốc lộ đã được đầu tư, nâng cấp rất thuận lợi cho lưu thông Bắc-Nam, Đông-Tây và giữa Gia Lai với các nước bạn Lào và Campuchia; có đường hàng không-sân bay Pleiku vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp với các đường bay đi và đến các trung tâm kinh tế-văn hóa của cả nước như thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...; có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, có nhiều công trình kinh tế rất cần quảng bá, lại gắn với vùng trung tâm phát triển của các nước Đông Dương, của các tỉnh trong khu vực... Vấn đề còn lại không chỉ có tiền mà là con người; cái tâm, cái tầm của người đứng đầu ngành, lĩnh vực quan trọng này trong cơ cấu của nền kinh tế nhiều thành phần của tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Đoàn Minh Phụng