Phát hiện một loài rắn má mới tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dựa trên các bằng chứng về mô tả hình thái và sinh học phân tử, các nhà khoa học trong và ngoài nước vừa phát hiện một loài rắn má mới cho khoa học Việt Nam tại tỉnh Lai Châu.
Loài rắn má mới được các nhà khoa học phát hiện tại Việt Nam - Ảnh Thomas Ziegler
Loài rắn má mới được các nhà khoa học phát hiện tại Việt Nam - Ảnh Thomas Ziegler
Theo thạc sĩ Ngô Ngọc Hải, Phòng Bảo tồn Thiên nhiên (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam), các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) và Vườn thú Cologne (Đức) vừa phát hiện và mô tả một loài rắn má mới cho khoa học.
Đây là loài rắn thuộc giống rắn Parafimbrios tại tỉnh Lai Châu.
Loài mới được định danh khoa học là Parafimbrios vietnamensis, phân bố ở độ cao trên 1.300 m với sinh cảnh là rừng núi đá vôi xen kẽ là các đồi nương.
Đặc điểm hình thái của loài rắn này là đầu không phân biệt với cổ, mặt lưng bao phủ bởi các vảy cong dài và lớn; mắt nhỏ có đồng tử hình elip dọc; vảy mõm 2 bên cong và nhô lên phân tách bởi cách vảy gian mũi; vảy môi trên 8; vảy môi dưới 7; vảy thái dương 4+4-5; vảy thân 35-33-29; vảy đuôi 164; vảy dưới đuôi đơn 49; chiều dài cơ thể tối thiểu 266 mm với con đực (dài đuôi 44 mm).
Theo các nhà khoa học, phân tích sinh học phân tử cho thấy, loài có khoảng cách di truyền từ 10,8 - 10,9% (đoạn gen ty thể - CO1) đối với loài có quan hệ gần gũi nhất được mô tả trước đó là loài Parafimbrios lao. Phát hiện mới này nâng số loài ghi nhận trong họ rắn Xenodermatidae tại Việt Nam là 7 loài.
Trước đó, năm 2012, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và các nhà khoa học của Pháp, Trung Quốc, Đức đã công bố một loài rắn khiếm mới có tên khoa học là Oligodon (một chi rắn bản địa của khu vực Đông và Nam Á).
Loài rắn khiếm này sống gắn liền với sinh cảnh núi đá vôi ở độ cao 170 - 470 m so với mực nước biển, được phân bố ở Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam), Quảng Tây (Trung Quốc) và Khăm Muộn (Lào).
Đến nay, Việt Nam được biết là nơi cư ngụ gần 200 loài rắn, thuộc 69 giống và 8 họ, trong đó có 53 loài rắn độc. Các loài rắn độc của Việt Nam không chỉ phổ biến trong việc sử dụng làm thuốc cổ truyền mà còn được coi là nhóm bò sát có tính đa dạng về thành phần loài.
Trong Sách đỏ Việt Nam (2007) có 6 loài rắn độc cần được bảo vệ gồm: 1 loài ở bậc cực kỳ nguy cấp là rắn hổ mang chúa Ophiophagus hannah; 4 loài ở bậc nguy cấp là rắn cạp nong Bungarus fasciatus và 3 loài rắn hổ mang Naja spp; 1 loài ở bậc sẽ nguy cấp là rắn lục đầu bạc Azemiops feae.
Theo Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.