(GLO)- Trong thời gian 3 ngày (từ ngày 27 đến 29-8), tại quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho hơn 200 đại biểu là cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các báo, đài Trung ương, địa phương và các tạp chí trên toàn quốc. Tại hội nghị này, phóng viên Gia Lai online đã có cuộc phỏng vấn thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương xung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí, đặc biệt là báo chí địa phương trong công tác tuyên truyền về an ninh-quốc phòng trong thời gian vừa qua?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai (bên phải) |
Ông Trần Đức Lai: Công tác bảo vệ quốc phòng-an ninh (QPAN) đất nước là nhiệm vụ chung của rất nhiều ngành, nhiều địa phương. Báo chí, trong đó có báo chí địa phương cũng là một trong những cơ quan rất quan trọng đối với công tác bảo vệ QPAN. Trong chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội thì ở lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào biết về lĩnh vực ngành, địa phương đó nhưng để toàn dân biết, hiểu được chủ trương đường lối chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước hoặc của đảng bộ, địa phương mình về công tác bảo vệ đất nước, bảo vệ địa phương, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa phải thông qua hệ thống thông tin đại chúng. Mà hệ thống thông tin đại chúng thì báo chí là một kênh rất quan trọng. Nhiều năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã làm tốt công việc này.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh trật tự xã hội có diễn biến hết sức phức tạp, những tác động từ bên ngoài vào đất nước đòi hỏi báo chí càng phải thể hiện vai trò hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của người dân nắm rõ chính sách pháp luật và cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện cho được chiến lược bảo vệ tổ quốc.
P.V: Được biết công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đội ngũ làm công tác báo chí là nhiệm vụ thường xuyên được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương (HĐGDQP-ANTW) tổ chức hàng năm, điều mong đợi của Bộ Thông tin và Truyền thông qua đợt tập huấn này là gì, thưa thứ trưởng?
Ông Trần Đức Lai: Đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân-Chủ tịch HĐGDQP-ANTW đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng triển khai các công việc liên quan đến giáo dục quốc phòng-an ninh, trong đó có một nội dung là giáo dục quốc phòng-an ninh toàn dân. Trong nhiệm vụ giáo dục quốc phòng toàn dân này thông qua thông tin đại chúng là rất quan trọng. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QPAN đến cho người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện tốt. Song, để chuyển tải tốt các nội dung theo đúng tiêu chí: Nhanh nhạy, trung thực, chính xác… đến độc giả, người dân thì nhiệm vụ của Bộ Thông tin Truyền thông được giao là phải phối hợp với HĐGDQP-ANTW bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các nhà báo, các lãnh đạo báo đài, phóng viên, biên tập viên trực tiếp làm công tác này. Đợt tập huấn này ngoài các chủ trương, chính sách mới nhất trong công tác bảo vệ quốc phòng-an ninh thì báo chí cần phải nắm tình hình hải đảo.
Thông qua các bải giảng của những người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhằm truyền tải các nội dung có tính thời sự để báo chí biết, rút kinh nghiệm, cách viết như thế nào cho phù hợp hợp và thực hiện cho bằng được chiến lược, mục tiêu đó là “độc lập chủ quyền, toàn ven lãnh thổ, lãnh hải”.
P.V: Thưa thứ trưởng, trước sự phát triển như vũ bão của thông tin truyền thông, nhiều tờ báo nặng tính “thương mại”, ít quan tâm tuyên truyền về QPAN, Bộ đã có kế hoạch gì để công tác tuyên truyền về lĩnh vực này được quan tâm hơn, đảm bảo đúng định hướng và gần gũi với đời sống người dân, yêu cầu của bạn đọc?
Ông Trần Đức Lai: Đúng là trong thời gian gần đây xu hướng “thương mại hóa” của báo chí là có xuất hiện. Chúng tôi với tư cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí đã biết và đã có chấn chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật, bằng các đợt giao ban hàng tuần, quản lý với các tổng biên tập làm rõ những nội dung này. Thông thường các báo là làm sao bán được nhiều báo, số lượng phát hành lớn… Về mặt kinh tế là tốt nhưng quá chạy theo lợi nhuận một số tờ báo đã xa rời tôn chỉ mục đích, không quan tâm đến chính trị, thời sự theo định hướng chỉ đạo.
Bởi vậy, một trong những biện pháp mà Bộ đang chỉ đạo, triển khai: Thứ nhất, hàng tuần giao ban yêu cầu các báo, đài quan tâm các lĩnh vực không có tính chất “hot” và có thời lượng nhất định. Thứ hai, thông qua tập huấn để phóng viên, biên tập viên các báo, đài hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết về tuyên truyền QPAN. Thứ ba, tuyên truyền về an ninh quốc phòng có khô khan nhưng người biết làm báo là phải biết lồng ghép tuyên truyền các hoạt động lễ hội truyền thống, văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội… với giáo dục QPAN để làm tờ báo sinh động hơn, gần gũi bạn đọc hơn.
P.V: Xin cảm ơn thứ trưởng!
Lê Văn Nhung (thực hiện)