Phá án từ… Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dựa vào những thông tin trên facebook để phá án hay tiếp nhận thông tin, giải quyết kịp thời những phản ánh của người dân-Đó là hiệu quả có thể nhìn thấy của mạng xã hội trong việc giúp cơ quan chức năng lần tìm tung tích tội phạm, điều hành quản lý công việc.

Phá án nhờ mạng xã hội

Một đường dây “sản xuất” bằng giả cực lớn vừa được Công an tỉnh Gia Lai triệt phá. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng khởi nguồn cho việc bóc gỡ vụ án được bắt đầu từ dòng status (trạng thái) trên facebook.

 

Cơ quan Điều tra tịch thu số lượng lớn văn bằng chứng chỉ giả.
Cơ quan Điều tra tịch thu số lượng lớn văn bằng chứng chỉ giả.

Thiếu tá Phan Thanh Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh (PA92) cho biết: Đầu năm 2016, một cán bộ Phòng PA83 Công an tỉnh Gia Lai trong lúc truy cập mạng đã phát hiện mẩu tin đáng chú ý trong một hội nhóm trên facebook tại Gia Lai. Nội dung mẩu rao này cho biết nhận làm bằng giả, chứng chỉ các loại như: Anh văn, tin học, bằng cử nhân, thạc sĩ tất cả các loại với giá chỉ từ 1-1,5 triệu đồng. Khi đọc được thông tin trên, một kế hoạch đánh án, bóc gỡ đường dây “sản xuất” bằng giả nhanh chóng được triển khai.

Trung tá Sơn cho biết, trên facebook cá nhân của người rao bán bằng không để lại bất cứ một hình ảnh, thông tin cá nhân nào. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh đã lần ra tung tích đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi, trú thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Mắt xích quan trọng của đường dây bị bắt giữ. Từ đây, nhiều đối tượng khác cũng lần lượt sa lưới pháp luật. Đường dây cung cấp các loại chứng chỉ, bằng cấp giả quy mô toàn quốc bị triệt phá. Cơ quan Công an tịch thu hơn 22.300 phôi chứng chỉ, bằng giả các loại, khởi tố bắt tạm giam 10 đối tượng liên quan.

Gần đây nhất, Công an huyện Krông Pa cũng vào cuộc điều tra việc một nhóm đối tượng vào rừng khai thác gỗ trái phép rồi tung ảnh, video clip lên facebook gây xôn xao dư luận tại Gia Lai. Đối tượng nhanh chóng được xác định là Vũ Đình Lộc (24 tuổi, trú xã Uar, huyện Krông Pa), người đã tham gia phá rừng và trực tiếp chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, vụ việc không đủ căn cứ để xử lý hình sự nên cơ quan Công an huyện Krông Pa chuyển giao toàn bộ tang vật, hồ sơ cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa xử lý theo thẩm quyền.

Kênh tiếp nhận thông tin phản ánh

Lợi thế từ việc sử dụng kênh thông tin facebook cũng được Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai Nguyễn Hữu Quế tận dụng. Khi người dân phản ánh thông tin về việc xe ô tô đưa đón học sinh quá hạn kiểm định, tài xế không có giấy phép lái xe; cây cầu tạm bợ gây nguy hiểm cho người đi đường lên mạng xã hội facebook..., chỉ khoảng 20 phút sau đã nhận được thông tin phản hồi và cách giải quyết tích cực của vị Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải.

Ngoài việc trực tiếp đến hiện trường kiểm tra thực tế, ông Quế còn chỉ đạo kiểm tra việc mua bán xe nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện; xử lý nghiêm hành vi vi phạm điều khiển xe không có giấy phép lái xe;  sửa chữa, khắc phục kịp thời cây cầu tạm bợ cho người dân đi lại bớt nguy hiểm.

Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Quế cho biết: Việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ mạng xã hội luôn được cập nhật nhanh chóng. Đây là một kênh thông tin đa chiều về các vấn đề mà người dân quan tâm, có sự tương tác và sức lan tỏa mạnh mẽ, nhờ đó giải quyết kịp thời phản ánh của người dân một cách hiệu quả hơn.

Ở một vụ việc khác, chiều 14-4-2016, từ một thông tin rao bán trên facebook, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai đã giải cứu thành công  1 cá thể mèo rừng-loài động vật đặc biệt quý hiếm nằm trong Sách đỏ. Lực lượng Kiểm lâm ngay sau đó đã tiếp cận với người rao bán để vận động giao nộp, thả cá thể mèo nói trên về rừng.

Ngày nay, khi mạng xã hội facebook đang thực sự trở nên phổ biến, nhiều sở, ngành đã sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để tiếp cận, khai thác thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có thể kể đến việc Công an tỉnh Khánh Hòa lập facebook xử lý thông tin tội phạm; cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản... nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng-chống tội phạm. Thú vị hơn, Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cũng lập facebook tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, nắm bắt thông tin chi tiết từ cơ sở. Nhờ facebook, những phản ánh của người dân được phản hồi tích cực, những tồn tại yếu kém nhanh chóng được chấn chỉnh, khắc phục.

Sức lan tỏa của mạng xã hội rất lớn, nếu biết tận dụng hiệu quả kênh thông tin này sẽ phát huy được những tiện ích trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, vận dụng như thế nào, tiếp nhận, chọn lọc thông tin ra sao là vấn đề không phải ai cũng làm được.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.