Ông lang giàu lòng thương người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 25 năm sống ở xã Lơ Ku (huyện Kbang), ông Nguyễn Văn Đức (59 tuổi, dân tộc Sán Chay) đã dùng những bài thuốc Nam cứu giúp hàng trăm người qua cơn nguy kịch.

Năm 1993, ông Đức đưa vợ con từ tỉnh Thái Nguyên vào huyện Kbang lập nghiệp. Khi ấy, xã Lơ Ku còn hoang vu, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Những lúc đau ốm, người dân nơi đây chỉ biết tìm tới ông lang, bà mế trị bệnh. “Năm 1994, trong khi đang làm ruộng, tôi nghe tiếng khóc của cậu bé người làng Tơ Pơng. Nó cưỡi bò ngã xuống gãy cánh tay làm 2 khúc. Tôi vội đi lấy lá đắp bó, chừng 20 ngày thằng bé cử động trở lại bình thường, người trong làng ra cảm ơn. Từ đó, mọi người biết tôi có nghề bốc thuốc”-ông Đức nhớ lại.

 

Ông Nguyễn Văn Đức. Ảnh: N.M
Ông Nguyễn Văn Đức. Ảnh: N.M

Nhà ông Đức ở thôn 1, cách trung tâm xã Lơ Ku chừng 1 cây số. Không biển hiệu, chỉ dẫn, chỉ có tiếng lành đồn xa, bao nhiêu năm qua, các quyển sổ ghi danh sách bệnh nhân có tới gần ngàn trường hợp và có nhiều ca để lại dấu ấn khó phai. Nhấp ngụm trà, ông Đức nhớ lại cảnh đi cứu bà Nông Thị Nhậm bị rắn độc cắn. “Mùa mưa năm 1996, sấm chớp liên hồi, tiếng gọi dồn của người nhà bà Nhậm làm tôi nhớ mãi. Khi tôi đến nơi, cánh tay của bà Nhậm đã sưng to, cơ hàm có biểu hiện cứng, khó thở, mắt trợn. Tôi giã lá vắt lấy nước cho uống, còn vợ tôi giã lá đắp vào vết cắn. Liên tục 3 lần uống cộng với đắp, gần sáng thì bà tỉnh lại”-ông Đức hồi nhớ. Ông Đức kể thêm một trường hợp cũng bị rắn độc cắn suýt chết được ông cứu sống. “Anh ta người huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đi tìm trầm, không may bị rắn cắn vào mu bàn tay. Khi tìm tới tôi, bàn tay anh này đã tím đen, sưng to. Tôi sắc lá cho uống mấy lần cùng với đắp thuốc liên tục thì anh này mới qua khỏi”-ông Đức vui vẻ kể.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, ông Trần Văn Lợi-người cùng thôn-ghé vào chơi. Ông Lợi cho biết: “Cách đây 3 năm, cháu của tôi là Trần Văn Viên tự dưng mọc cục bướu to như quả trứng gà, đỏ au ở mang tai. Vì không có tiền nên sang nhờ ông Đức lấy thuốc đắp 15 ngày, mỗi ngày 2 lần, vậy mà cục bướu tiêu tan. Chúng tôi gọi ông Đức là ông lang của thôn”.

Ông Đức là thế hệ thứ 4 được truyền dạy các bài thuốc của gia tộc. Từ năm 16 tuổi, ông đã được ông nội hướng dẫn sử dụng kết hợp các loại lá, thảo dược thành bài thuốc trị bệnh rất hiệu nghiệm. Cùng với đó, mỗi lần vào rừng kiếm lá thuốc, cha ông thường cho đi theo và chỉ bảo cặn kẽ. Vì thế, ông nhận diện được hầu hết các loại lá, cây, củ có thể chữa bệnh.

Nhiều năm qua, ông Đức vẫn âm thầm cứu chữa cho nhiều người bằng tình làng nghĩa xóm. “Người nghèo không có tiền đi bệnh viện mới tìm đến tôi, mà ai nỡ lấy tiền của người nghèo. Người ta khỏi bệnh là tôi vui rồi, còn ai có lòng trả tôi bằng thứ gì thì nhận thứ nấy thôi”-ông Đức cho hay.

Nhận xét về việc làm của ông Đức, bà Hoàng Thị Huyền-Trưởng thôn 1, cho biết: “Những bài thuốc của ông Đức đã cứu giúp nhiều người trong vùng. Đặc biệt, với những bệnh nhân nghèo, ông chỉ chữa giúp mà không tính tiền”.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null