Ông chủ thương hiệu cà phê xuất thân từ thợ hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một thợ hồ nghèo khó, bằng nghị lực mạnh mẽ và tinh thần ham học hỏi, ông Huỳnh Văn Lực (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã vươn lên thành ông chủ Công ty TNHH Cà phê An Túc chuyên cung cấp cà phê rang xay nguyên chất ra thị trường nhiều tỉnh thành. 

 

Vượt khó đi lên

Ông Lực sinh năm 1968 trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Học hết cấp III, ông Lực đi làm phụ hồ, công việc nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, ráo mồ hôi là hết tiền. Năm 2002, ông lập gia đình rồi chuyển đến quê vợ ở huyện Chư Pưh thuê nhà trọ sinh sống. Khi 2 đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống của gia đình ông càng thêm khốn khó. Để có tiền nuôi vợ con, ông Lực phải đi làm xa, lâu lâu mới về thăm nhà. “Có lẽ vì lý do này cộng với kinh tế eo hẹp, vợ tôi buồn chán, làm đơn ly hôn, để lại 2 con thơ cho tôi nuôi”-ông Lực bùi ngùi.

 Từ 2 bàn tay trắng, ông Huỳnh Văn Lực đã lỗ lực xây dựng và trở thành ông chủ thương hiệu cà phê An Túc. Ảnh: N.M
Từ 2 bàn tay trắng, ông Huỳnh Văn Lực đã lỗ lực xây dựng và trở thành ông chủ thương hiệu cà phê An Túc. Ảnh: N.M



Đưa 2 con về An Khê, ông Lực thuê một căn nhà nhỏ cạnh nhà mẹ để tiện nhờ chăm sóc sắp nhỏ. Gà trống nuôi con, ai kêu gì làm nấy, ông cần mẫn kiếm tiền nuôi các con ăn học. Năm 2015, một người quen nhờ ông lên TP. Đà Lạt phụ giúp việc xây dựng. Trong thời gian ở đây, ông Lực may mắn được người này trao truyền cho một công thức chế biến cà phê đặc trưng, thơm ngon mà ông ta đã dày công nghiên cứu. Người này nói với ông Lực: “Cứ làm đúng như vậy, ắt thành công”.

Có công thức chế biến trong tay, ông Lực gom góp và vay mượn được 75 triệu đồng mua một máy rang cà phê loại nhỏ. Sau đó, ông hùn với một người bạn mở cơ sở rang xay cà phê tại tỉnh Tiền Giang. Nhờ làm ăn uy tín, áp dụng đúng công thức, cà phê rang xay đến đâu bán hết đến đó.

Hoạt động tại Tiền Giang hơn 1 năm, cuối năm 2017, ông Lực quyết định quay về An Khê gầy dựng sự nghiệp. Việc đầu tiên ông Lực làm là thuê mặt bằng để mở quán cà phê, sau đó làm các thủ tục thành lập Công ty TNHH Cà phê An Túc (41 Trần Hưng Đạo, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) do ông làm Giám đốc. Theo ông Lực, mở quán cà phê nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời lấy kinh phí phục vụ các hoạt động của Công ty. “Hơn 2 năm hoạt động, đến nay, Công ty đã có hàng chục khách hàng lớn, mỗi tháng xuất bán gần 4 tạ cà phê với giá 130-250 ngàn đồng/kg. Doanh thu của Công ty đạt gần 80 triệu đồng/tháng”-ông Lực chia sẻ. 

Để phục vụ các hoạt động của Công ty, ông Lực phải thuê 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, ông Lực thường mua quà tặng cho các hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn. Ông Lực cho rằng, khi còn cơ hàn, cha con ông được chính quyền và bà con giúp đỡ rất nhiều. Mỗi dịp lễ, Tết, bản thân ông cũng từng cảm thấy ấm lòng khi nhận những suất quà sẻ chia của các Mạnh Thường Quân; các con ông háo hức cầm túi bánh kẹo, mặc những bộ quần áo ấm từ các nhà hảo tâm. Vì thế, khi cuộc sống no đủ, ông muốn sẻ chia với những người nghèo khó, kém may mắn.

Xây dựng thương hiệu cà phê An Túc        

Theo ông Lực, khi bắt tay chế biến cà phê rang xay, ông không vội đặt vấn đề lợi nhuận. Thay vào đó, để thương hiệu cà phê An Túc từng bước vươn xa, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, mọi thứ đều được ông tiến hành thận trọng. Ông đăng ký nhãn hiệu, thiết kế logo, bao bì mẫu mã sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới tung ra thị trường. Để sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, ông Lực luôn chú trọng lựa chọn nguồn nguyên liệu sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Sau đó, ông sử dụng công thức riêng phối trộn cà phê với bơ, muối và không thể thiếu nấm linh chi theo tỷ lệ nhất định. Cà phê An Túc vì vậy có hương vị thơm ngon rất đặc trưng.

Từ một thợ hồ bằng ý chí, nghị lực ông Huỳnh Văn Lực (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vươn lên trở thành ông chủ thương hiệu cà phê An Túc. Ảnh Ngọc Minh.
Từ một thợ hồ bằng ý chí, nghị lực ông Huỳnh Văn Lực (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vươn lên trở thành ông chủ thương hiệu cà phê An Túc. Ảnh: Ngọc Minh.

Ông Lê Văn Tâm-Chủ tịch UBND phường Tây Sơn: Vốn là hộ nghèo, ông Lực đã nỗ lực vươn lên làm giàu. Hễ địa phương kêu gọi đóng góp gì, ông Lực đều tham gia đầy đủ, nhiệt tình. Ngày Tết, ông tặng hàng chục suất quà cho hộ nghèo.

Nhanh nhẹn lấy từng bì cà phê đang trưng bày trên kệ, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê An Túc giới thiệu: Hiện nay, Công ty đang sản xuất 4 loại sản phẩm, trong đó có 3 loại cà phê pha phin và 1 loại hạt nguyên chất. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại thị trường Bình Định, Bình Dương, Trà Vinh, Tiền Giang, Đà Nẵng và TP. Pleiku. “Tôi rất muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa làm được vì hạn chế về vốn. Vì vậy, tôi mong có nhà hợp tác đầu tư để mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm cà phê ra nhiều thị trường mới”-ông Lực nói.

Ông Trần Thái Tôn-chủ quán cà phê Mimosa (tổ 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) chia sẻ: “Tôi bán cà phê đã hơn 10 năm. Hiện nay, gia đình tôi có 2 quán cà phê tại thị xã An Khê và TP. Quy Nhơn. Trước đây, tôi thường lấy cà phê ở Đak Lak. Từ khi được bạn bè giới thiệu, tôi đã chuyển sang mua cà phê An Túc của ông Lực, mỗi tháng hơn 1 tạ. Cà phê An Túc được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Nhiều người sau khi thưởng thức thấy ngon còn nhờ tôi mua giúp làm quà biếu người thân, bạn bè”.

 

 NGỌC MINH



 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.