Nuôi ong lấy mật cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 20 năm theo nghề nuôi ong lấy mật, ông Lê Văn Thành (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã thu được nhiều thành công. Hiện tại, với trên 400 đàn ong, gia đình ông thu lãi 300-400 triệu đồng/năm.
Chúng tôi đến nhà đúng lúc ông Thành cùng những người làm công đang quay ong lấy mật. Nhìn những giọt mật ong đặc sánh, màu vàng óng, ông Thành hồ hởi cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên mật ong đạt năng suất, màu rất đẹp. Mật ong thu được bao nhiêu, thương lái đến mua hết ngay.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi ong lấy mật, ông Thành cho hay: Hơn 20 năm trước, trong một lần đến thăm trang trại ong của người anh trai ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ông rất thích thú với nghề này. Qua tìm hiểu, biết Gia Lai là vùng đất trồng nhiều cà phê và cao su, những cây ong có thể lấy mật, năm 1992, ông quyết định vay vốn rồi rời quê nhà ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) lên thôn Tung Blai, xã Ia Dreng dựng trại nuôi ong. Mới đầu, ông chỉ nuôi 20 đàn ong, sau đó nhân dần lên. “Khi bắt đầu nuôi ong, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở. Vì vậy, số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, tôi quyết tâm học hỏi kỹ thuật trên sách báo, trực tiếp đi tham quan nhiều trang trại nuôi ong trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi ong”-ông Thành chia sẻ.
 Ông Lê Văn Thành nuôi ong dưới tán rừng cao su. Ảnh: L.T
Ông Lê Văn Thành nuôi ong dưới tán rừng cao su. Ảnh: Lê Trang
 Cũng theo ông Thành, nghề nuôi ong lấy mật không khó, vốn đầu tư ban đầu cũng không lớn, lại cần ít nhân lực. Nhưng muốn đàn ong khỏe mạnh, người nuôi phải chú ý vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa các loại hóa chất để tránh nhiễm độc vào nguồn nước gây hại cho ong. Đặc biệt, người nuôi phải nắm được đặc tính của ong như: bay đi bay lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn; am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong. “Nuôi ong lấy mật phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết nắng đều, mật ong sẽ đạt năng suất và chất lượng. Điều khó nhất trong nghề nuôi ong lấy mật là mùa mưa phải di chuyển ong đi nơi khác. Chính vì vậy, vào mùa nắng, tôi nuôi ong ở Gia Lai. Khi mùa mưa Tây Nguyên đến, tôi di chuyển đàn ong về Bình Định”-ông Thành cho biết.
Hiện tại, ông Thành có trên 400 đàn ong mật, nuôi tại 2 điểm ở huyện Chư Pưh và Chư Sê. Mỗi năm, ông thu được trên 10 tấn mật, gồm 6 tấn mật cao su và 4 tấn mật cà phê. Sản phẩm mật ong của ông được bán ở nhiều tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định… Ngoài việc khai thác mật, ông còn nhân đàn ong giống bán với giá trung bình từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/đàn, mỗi năm bán khoảng 100 đàn. Bên cạnh đó, ông Thành bán cả phấn hoa. Số tiền thu được từ hơn 400 đàn ong của gia đình ông vào khoảng 300-400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.  
Nói về trang trại nuôi ong của gia đình ông Thành, bà Nguyễn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dreng-cho hay: “Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trong đó, ông Lê Văn Thành là một trong những hội viên nông dân nuôi ong với số lượng lớn. Trại ong của ông mỗi năm đưa ra thị trường hàng ngàn lít mật đảm bảo chất lượng, đem lại nguồn thu nhập cao”.
 LÊ TRANG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.