Nuôi hươu lấy nhung, thu nhập gần nửa tỉ đồng/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghỉ việc lương cao về quê để nuôi hươu lấy nhung, anh Nguyễn Hoàng Việt (31 tuổi, ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Mạnh dạn rẽ hướng

Anh Việt cho biết trước đây anh làm việc tại một công ty sữa với mức lương khá cao. Ý tưởng khởi nghiệp với mô hình nuôi hươu lấy nhung xuất phát từ những chuyến đi công tác các tỉnh miền Trung. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy mô hình này có tiềm năng, anh Việt quyết định xin nghỉ việc.

Năm 2019, anh cất công ra tận Hà Tĩnh, xin ở lại trang trại nuôi hươu hơn 1 tháng để tìm hiểu và học cách nuôi. Khi thành thạo các kỹ thuật nuôi, lấy nhung, anh mạnh dạn mua 20 con hươu con và hươu trưởng thành với giá từ 30 - 60 triệu đồng/con về nuôi.


 

 Thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, anh Việt thu nhập gần nửa tỉ đồng/năm. Ảnh: Duy Tân
Thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, anh Việt thu nhập gần nửa tỉ đồng/năm. Ảnh: Duy Tân



Để tiết kiệm chi phí, anh Việt cải tạo chuồng heo cũ diện tích 100 m2 thành trại nuôi hươu bằng cách sử dụng thanh gỗ và sắt để ngăn thành các ô có kích thước khoảng 4 m. Nhờ chịu khó và không ngừng học hỏi, đến nay anh Việt nhân đàn thành công lên số lượng 40 con.

Anh Việt cho biết hươu sao có sức đề kháng mạnh, ít bệnh, dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu. Đặc biệt, đối với vùng đất miền Tây, khí hậu ôn hòa, thức ăn tươi xanh quanh năm nên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi hươu sao.

 

Trung bình mỗi con hươu trưởng thành giúp người nuôi thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng từ việc bán nhung hươu tươi. Ngoài ra, nếu chế biến ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ nhung hươu, thu nhập sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đây là mô hình đầy tiềm năng để người trẻ phát triển kinh tế nông thôn.
 

Nguyễn Hoàng Việt ngụ ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo, Tiền Giang


Về chuồng trại, phải có mái che, thông thoáng. Hươu đực được nuôi riêng từng chuồng để tránh vào mùa động dục sẽ tấn công nhau, gây thương tích. Để giữ vệ sinh trại hươu, anh dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa để làm đệm lót cho các ô chuồng được sạch sẽ, cách 5 - 6 tháng thay mới 1 lần. “Để nuôi hươu đạt hiệu quả, nguồn thức ăn phải đầy đủ và đảm bảo độ tươi xanh. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung thì bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá”, anh Việt chia sẻ.

 

Trại nuôi hươu của anh Việt là nơi được chọn để đoàn viên, thanh niên đến tham quan học hỏi nhằm nhân rộng mô hình
Trại nuôi hươu của anh Việt là nơi được chọn để đoàn viên, thanh niên đến tham quan học hỏi nhằm nhân rộng mô hình

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo anh Việt, hươu nuôi khoảng 2 năm là cho nhung, nhưng do hươu còn tơ nên nhung nhỏ. Phải từ 5 - 7 tuổi, hươu đạt độ tuổi trưởng thành mới cho nhung to và chất lượng. Nhung hươu từ 45 - 50 ngày đạt chuẩn thu hoạch, nếu trễ từ 55 - 60 ngày nhung bị già, giảm giá trị. Cứ khoảng 8 tháng, hươu đực được lấy nhung một lần, trung bình từ 500 - 800 gr/con.

“Khí hậu miền Tây ôn hòa nên hươu nuôi nhanh cho nhung hơn so với miền Trung. Chỉ cần 8 tháng là có thể thu hoạch, thay vì phải mất thời gian 1 năm như ở miền Trung”, anh Việt cho biết thêm.


Hiện nhung hươu tươi bán với giá 15 - 18 triệu đồng/kg. Ngoài ra, từ nhung hươu, anh Việt còn chế biến ra 4 sản phẩm phục vụ đông y và tây y gồm các loại dược phẩm, thực phẩm bổ dưỡng sức khỏe như: nhung hươu ngâm mật ong, cau nhung hươu, bột nhung hươu… Nhờ đó, anh thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

 

 Nhung hươu được anh Việt bán tươi và chế biến sản phẩm phục vụ cho đông y, tây y.
Nhung hươu được anh Việt bán tươi và chế biến sản phẩm phục vụ cho đông y, tây y.


Ngoài việc bán nhung hươu tươi và sản phẩm chế biến từ nhung, anh Việt còn phối giống, cho hươu sinh sản để bán giống. Sau 3 - 4 tháng, hươu có thể xuất bán với giá từ 12 - 15 triệu đồng/con (hươu đực) và từ 8 - 10 triệu đồng/con (hươu cái). Mỗi năm, anh Việt xuất bán trên 10 hươu giống ra thị trường.

“Trung bình mỗi con hươu trưởng thành giúp người nuôi thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng từ việc bán nhung hươu tươi. Ngoài ra, nếu chế biến ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ nhung hươu, thu nhập sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đây là mô hình đầy tiềm năng để người trẻ phát triển kinh tế nông thôn”, anh Việt tự tin.

Tháng 4.2022 vừa qua, anh Việt thành lập HTX hươu sao Tây Nam bộ gồm 10 thành viên, Tổng đàn hươu của HTX trên 100 con. Các thành viên hầu hết là người trẻ, thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… và được anh Việt cung cấp con giống chất lượng, hỗ trợ đầu ra để mở rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sắp tới, anh Việt sẽ mở rộng quy mô, liên kết với các trại nuôi ở miền Tây, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tiếp tục hỗ trợ nguồn giống chất lượng cho bà con.

Anh Huỳnh Thái (30 tuổi, ngụ xã Hòa Tịnh, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết lúc trước anh nuôi bò. Thấy mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Việt hiệu quả nên quyết định chuyển đổi theo. Nhờ được anh Việt chia sẻ con giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên sau một thời gian, anh Thái đã nhân đàn thành công. Hiện anh sở hữu trên 10 con hươu, lợi nhuận gấp nhiều lần so với nuôi bò.

Anh Võ Tấn Hoàng, Bí thư Đoàn xã Phú Kiết, đánh giá: “Mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Việt rất phù hợp để đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương học hỏi phát triển kinh tế. Trại nuôi của anh Việt là nơi được chọn để đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình”.

 

Theo Duy Tân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.