Nước mắt của voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sản phẩm du lịch cưỡi voi dạo chơi trong những cánh rừng, lội sông hay vượt suối đang hấp dẫn du khách mọi nơi khi đến Đak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Từ nhu cầu ấy, đàn voi nhà ở đây phải oằn lưng gánh chịu và nước mắt của nó đã chảy để đáp ứng cho thú “ngạo nghễ” của người đời.

Những câu chuyện buồn về đời sống của loài vật thông minh và hiền lành kia đã khiến bao người phải ray rứt, ngậm ngùi. Và không ai thấu hiểu điều đó bằng chính các chủ voi ở vùng đất này. Ông Y Thiêm Byă (buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) nói rằng: Đời sống của đàn voi nhà đã hoàn toàn khác xưa, nó chỉ được sử dụng vào mục đích kiếm tiền thông qua hoạt động du lịch được mở ra tại nhiều địa phương.

 

Voi phải gồng mình hàng ngày để phục vụ du lịch.                              Ảnh: Đ.Đ
Voi phải gồng mình hàng ngày để phục vụ du lịch. Ảnh: Đ.Đ

Chẳng hạn như tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn và hồ Lak (Đak Lak) hiện nay, hoạt động cưỡi voi ngắm cảnh đang được du khách gần xa đua nhau trải nghiệm bất kể lúc nào. Vì thế mà gia đình nào có voi đều ra sức cung cúc phục vụ cho “Thượng đế” mỗi khi có nhu cầu. Già Byă thở dài nói rằng con Pạc Ngun gục xuống vào đầu năm 2009 cũng vì con cháu trong gia đình ông sử dụng nó như sử dụng xe máy bây giờ. Có nghĩa là bất kỳ công việc gì cũng dùng đến voi, ban đêm thì đi kéo gỗ (tất nhiên là gỗ lậu), còn ban ngày phải chở khách du lịch. Đó là con voi đầu tiên của xứ sở voi Buôn Đôn phải trả giá trước thái độ, hành xử quá mức của cộng đồng sở hữu đàn voi nhà ở đây.

Già Y Thiêm Byă rớt nước mắt theo voi và bảo, những tưởng sau lễ khóc voi Pạc Ngun thì cả cộng đồng người M’Nông, Ê Đê, Lào sẽ tỉnh ra, thương và đối xử với voi như một thành viên trong cộng đồng như luật tục bao đời đã định. Phải cho voi nghỉ ngơi trong rừng, từ lúc ông mặt trời xuống núi ở phía Tây và thức dậy ở phía Đông. Khi voi có biểu hiện bệnh tật thì phải đưa vào rừng cả tháng, thậm chí cả năm để nó tự tìm lá cây rừng chữa bệnh. Vậy mà không ai nghe mình cả, voi cứ được đánh đi kiếm tiền cả ngày lẫn đêm, bất cần luật tục của ông bà để lại. Kết cục, đã có 11 con voi nhà phải cùng chung số phận như voi Pạc Ngun, tính từ năm 2001 đến nay-già Y Thiêm Byă trắc ẩn.  

Đây quả là con số đáng báo động, vì theo điều tra, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh chỉ còn 44 con. Theo ông Huỳnh Trung Luân-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đak Lak thì con số này trong giai đoạn 1975-1978 là trên 250 con, sau đó từ năm 1979 đến 1985 sụt giảm xuống dưới 200 con và cứ thế trong nhưng năm tiếp theo, số lượng cá thể voi nhà ở đây liên tục suy giảm nghiêm trọng.

 

Voi Pak Cú bị hành hạ, xâm hại tàn bạo nên đã chết vào cuối năm 2013. Ảnh: Đ.Đ
Voi Pak Cú bị hành hạ, xâm hại tàn bạo nên đã chết vào cuối năm 2013. Ảnh: Đ.Đ

Nguyên nhân là vì không được bổ sung từ đàn voi rừng hàng năm do Nhà nước nghiêm cấm săn bắt loài động vật này; thêm vào đó là công tác quản lý, giám sát không tốt, thậm chí còn buông lỏng nên nạn mua bán voi bất hợp pháp tồn tại trong suốt một thời gian khá dài. “Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu vẫn là tình trạng khai thác voi một cách bất chấp, vô tội vạ của chủ voi lẫn người sử dụng voi đã từng xảy ra trong nhiều năm qua”-ông Luân nhận xét. Còn Th.S Nguyễn Thị Lý-Trường Đại học Tây Nguyên, thành viên Ban Nghiên cứu Dự án Bảo tồn đàn voi nhà Đak Lak, đánh giá: Voi được sử dụng, khai thác trong hoạt động du lịch từ lâu đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm cũng như tình cảm, nhận thức của chính chủ nhân nó. Với phương thức “ăn chia” 5-5, có nơi 4-6 cho một lượt voi chở khách, chủ voi và đơn vị sử dụng voi cứ thế bỏ tiền vào túi mà chẳng ai mảy may quan tâm đến đời sống với những nhu cầu tối thiểu của voi là gì.

Không chỉ bị bóc lột quá sức và tàn tệ trong hoạt động du lịch cũng như trong các công việc khác, voi ở đây còn bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng vì nhiều động cơ, mục đích khác của con người. Voi bị vặt lông đuôi, thậm chí chặt luôn cả phần đuôi… để bán cho du khách đang là vấn nạn nhức nhối xảy ra từ nhiều năm nay. Theo quan sát của các thành viên Trung tâm Bảo tồn Voi Đak Lak, trong số 44 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi hầu hết đều không còn nguyên vẹn, nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể.

Vì vậy, việc thay đổi nhận thức và thái độ hành xử đối với đàn voi nhà còn lại là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Tháng 3-2015, trong “Tuần lễ văn hóa voi” được tỉnh Đak Lak tổ chức tại Buôn Đôn, vùng đất nổi danh về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, Ban tổ chức đã kêu gọi cộng đồng sở hữu đàn voi, các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn nên đi theo hướng khai thác, giới thiệu và quảng bá “Văn hóa voi” trong đời sống các cộng đồng dân tộc bản địa thông qua các nghi lễ, nghi thức (cúng sức khỏe cho voi, tái hiện lễ voi nhập buôn, kể công voi, khóc voi…) như một sản phẩm văn hóa du lịch đúng nghĩa thay vì chỉ chăm chăm bóc lột sức voi như trước đây.

Tiếc thay, thông điệp ấy không được đón nhận, vì cơ chế cũng như phương án bảo tồn đàn voi nhà Đak Lak chưa thật sự được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư đúng mức. Từ đó, việc xây dựng, triển khai dự án bảo tồn đàn voi nhà (đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011) gặp phải không ít khó khăn và lúng túng.

Đình Đối

Có thể bạn quan tâm