(GLO)- Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, trong ngày 6-10 trên địa bàn các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh có mưa to, kéo dài, nước lũ trên các sông suối dâng cao. Nước lũ đã gây chia cắt, cô lập nhiều buôn làng, chính quyền buộc phải di dời khẩn cấp hơn 1.000 người dân đến nơi an toàn.
Tại địa bàn huyện Ia Pa do trời mưa to kết hợp việc đập thủy lợi Ayun Hạ cùng lúc xã 2 cửa lũ từ đêm qua đã gây ngập úng nhiều nhà dân và thiệt hại nhiều diện tích hoa màu tại 4 xã phía Đông sông Ba và xã Ia Trôk. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ này là 2 xã Ia Trôk và Ia Broái. Đến 9 giờ sáng ngày 7-10, đỉnh lũ đo được trên sông Ayun tại cầu Quý Đức ở mức dưới báo động 3 là 25cm.
Di dời khẩn cấp người dân 2 buôn Dứ Ma Uốt và Dứ Ma Hoét, xã Ia Broái đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Phương |
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Ia Pa cho biết: Nước sông Ba dâng cao tràn qua đập tràn buôn Tông Ố chia tách 2 buôn Dứ Ma Uốt và Dứ Ma Hoét xã Ia Broái, đồng thời gây ngập úng một số nhà dân thôn Quý Đức xã Ia Trôk và trên 100 ha hoa màu của nhân dân trong huyện. Ngay sau khi nhận được thông báo xả lũ, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ban, ngành và chính quyền các xã nhanh chóng triển khai kế hoạch đối phó với mưa lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đến 5 giờ sáng ngày 07-10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện phối hợp với các ban ngành và chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt tại những nơi xung yếu như cầu Quý Đức, cầu Bến Mộng và 2 buôn Dứ để di dời dân cư và tài sản đến khu vực an toàn.
Công tác di dời dân và tài sản ở 2 buôn Dứ được gấp rút thực hiện. Từ 7 giờ sáng, hơn 200 phụ nữ, người già, trẻ em ở buôn Dứ Ma Uốc và Dứ Ma Hoét đã được di dời đến điểm tạm trú tại Trường THCS Lê Lợi xã Ia Broái. Chính quyền tổ chức cấp phát mì tôm và nước uống phục vụ tại chỗ cho người dân. Hơn 300 con bò và các gia súc, gia cầm khác cũng được di dời lên các vùng cao và cắt cử lực lượng bảo vệ. Hơn 20 chiến sĩ Công an, bộ đội huyện đang tích cực giúp người dân 2 buôn Dứ di chuyển tài sản lên khu vực cao an toàn. Đồng thời, tiếp tục di dời toàn bộ hơn 1.000 người dân của 2 buôn Dứ ra khỏi làng đến tạm trú ở vùng cao hơn trước khi nước lũ gây ngập hoàn toàn hai buôn.
Ông Hồ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: huyện đã lập các chốt trực tại 2 đầu cầu Bến Mộng và Quý Đức để hướng dẫn người dân di dời, đồng thời bố trí lực lượng công an, quân đội và cán bộ y tế có mặt 24/24 giờ tại đây để theo dõi tình hình diễn biến của lũ sẵn sàng đối phó.
Chính quyền tổ chức cấp phát, phục vụ mì tôm và nước uống tại điểm di dời ở trường THCS Lê Lợi xã Ia Broái. Ảnh: Đức Phương |
Tại thị xã Ayun Pa, do cầu và đường buôn Hing lối đi duy nhất vào xóm lò gạch thuộc phường Sông Bờ thi công chưa xong nên nước lũ dâng cao, chia cắt gần chục hộ dân khu vực này. Từ chiều tối 6-10, chính quyền đã phải dung ca nô để di dời toàn bộ người dân xóm lò gạch vào khu vực cao trong nội thị an toàn.
Còn tại huyện Krông Pa, theo ông Đinh Xuân Duyên - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo PCBL - tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, nước lũ sông ba và các suối lên cao đã gây ngập tràn suối Ia Bang thuộc xã Chư Drăng, chia cắt, cô lập hoàn toàn xã này với bên ngoài. Các xã phía bên kia sông Ba gồm Ia Rmọk, Ia Hdreh, Krông Năng cũng bị chia cắt, cô lập với bên ngoài vì nước lũ lên cao, chính quyền buộc phải nghiêm cấm tất cả các bến đò không được hoạt động để chờ nước rút. Có 5 ha lúa đang trổ bông tại cánh đồng Phú Cần cũng bị nước lũ dâng ngập, gây thiệt hại hoàn toàn.
Đến trưa, 11 giờ ngày 7-10, trời đã ngừng mưa và có nắng ráo. Chưa có báo cáo thiệt hại về người, tuy nhiên tình hình nước lũ trên sông Ayun và Sông Ba vẫn đang tiếp tục dâng cao, công tác trực sẵn sàng ứng phó với lũ vẫn đang được chính quyền các huyện duy trì ở mức cao.
Đức Phương