Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk diễn ra ngày 28/4, nữ Giám đốc Công ty CP Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu cho biết, đợt dịch Covid, bà bị "kẹt" ở Đắk Lắk 3 tháng. Trong thời gian đó bà nhận thấy mảnh đất này có cơ hội tuyệt vời để đầu tư vào trái sầu riêng.
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu, tỉnh Đắk Lắk ngoài lợi thế về vị trí địa lý, đất đai màu mỡ và rộng lớn, thì khí hậu nơi đây giúp Đắk Lắk có mùa vụ thu hoạch trái cây hoàn toàn khác, đặc biệt là đối với các nước xuất khẩu sầu riêng có vị thế lớn như Thái Lan, Malaysia.
Điều này thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như thương lái tập trung đến thu mua, chế biến khi vào vụ sầu riêng.
|
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu phát biểu tham luận tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Đắk Lắk 2022 tổ chức ngày 28/4. Ảnh: Ánh Dương |
Công ty Chánh Thu đã đầu tư gần 500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến trái cây tại Đắk Lắk. Dự án nhà máy chế biến trái cây toạ lạc tại huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) với diện tích khoảng 10 ha.
Theo Công ty Chánh Thu, trong giai đoạn 1 của dự án, đơn vị sẽ tập trung vào chế biến trái cây đông lạnh, sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 200-300 tấn/ngày.
Trong giai đoạn 2 của dự án, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu như bánh, kem,… với diện tích khoảng 10 ha.
|
Theo Công ty Chánh Thu, việc trồng mẫu "sầu riêng công nghệ cao" sẽ là mô hình để người dân thay đổi tư duy sản xuất sầu riêng sạch, đúng tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Ánh Dương |
Cũng nằm trong dự án trên, Công ty Chánh Thu đang đề xuất tỉnh hỗ trợ tạo quỹ đất khoảng 100 ha để hình thành vùng trồng mẫu “sầu riêng công nghệ cao”.
Theo bà Ngô Tường Vi, vùng trồng mẫu này sẽ là mô hình để người dân thay đổi tư duy sản xuất sầu riêng sạch, đúng tiêu chuẩn quốc tế.
“Dự án này được công ty ấp ủ từ lâu, chúng tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để triển khai góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng”, bà Ngô Tường Vy nói.
Bên cạnh đó, trong bài tham luận của mình, bà Ngô Tường Vy cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng diện tích đất nhà máy từ 10 ha lên 20 ha để đảm bảo diện tích đầu tư cho giai đoạn 2.
|
Sầu riêng tại Đắk Lắk có mùa vụ rất khác nên thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và thương lái về mua. Ảnh: Ánh Dương |
Bà Vy cũng cho rằng, Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung nên xây dựng đề án thương hiệu thông qua các cơ sở chế tài đặc thù để người tiêu dùng tin tưởng đến sầu riêng Việt Nam.
Tổ chức sản xuất phải gắn liền với chuỗi liên kết, trồng theo nhu cầu thị trường về cả tiêu chuẩn và nguồn giống. Định hướng mô hình bền vững qua giá thành sản phẩm, lợi nhuận mỗi vùng trồng để người dân mạnh dạn đầu tư.
Đây cũng là những bước để hướng tới nền “Nông nghiệp tử tế, nghỉ dưỡng đẳng cấp”, vừa phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
Nữ giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng hàng đầu Việt Nam cũng chia sẻ: “Đối với Đắk Lắk, tôi mong muốn tỉnh sẽ kêu gọi thêm doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kết hợp đa giá trị thông qua mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng”.
Theo Ánh Dương (Dân Việt)