Nữ "anh hùng khí hậu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được xem là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, nữ "Anh hùng khí hậu" Hoàng Thị Minh Hồng đã truyền cảm hứng tới nhiều bạn trẻ để bảo vệ môi trường từ những việc giản dị
Những ngày này, chị Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Hành động - Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE - tổ chức phi lợi nhuận về môi trường tại TP HCM), tất bật với việc học tập ở ĐH Columbia (New York - Mỹ). Chị là người Việt duy nhất trong 12 người được Chương trình Học giả Quỹ Obama lựa chọn để đào tạo kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp mà mình đang theo đuổi.
Đi... "cứu thế giới"!
"Học bổng đến rất bất ngờ khi tôi nhận được email từ CEO của 350.org - tổ chức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Chương trình này xuất phát từ ý tưởng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama" - chị Hồng cho biết.
Sau khi được CEO của 350.org và đại diện một tổ chức về khí hậu uy tín ở Mỹ đề cử, chị Hồng phải vượt qua vài chục người rồi may mắn được chọn cùng 11 người khác tham gia chương trình tại New York. Theo chị Hồng, có lẽ sau khi chị được tổ chức climateheroes.org công nhận là "Anh hùng khí hậu" vào năm 2015, các tổ chức uy tín có thêm niềm tin khi chọn chị cho Chương trình Học giả Quỹ Obama.
Trước khi nộp hồ sơ, chị Hồng đã trải qua những ngày căng thẳng bởi bỏ lại chồng và cậu con trai mới học lớp 4 để qua Mỹ học suốt 10 tháng là điều không dễ dàng với bất kỳ phụ nữ nào. Ngoài ra, chị còn lo trong thời gian đó, mái nhà thứ 2 của mình là Trung tâm CHANGE không biết sẽ hoạt động như thế nào.
Sát ngày lên đường, khi 2 người đề cử gửi email hối thúc, chị Hồng quyết định kể mọi chuyện với chồng. Trái với dự đoán, chị bất ngờ khi nghe anh thốt lên: "Ơ, chương trình oách thế mà sao không đi!".
Cậu con trai cũng hơi buồn khi nghe mẹ xa nhà lâu ngày. Thế nhưng, vào một buổi tối mẹ con trò chuyện với nhau, chị không khỏi xúc động khi nghe cậu bé ngây thơ bày tỏ: "Mẹ đi lâu quá nhưng con hiểu mẹ đi để "cứu thế giới" nên thôi, đành để mẹ đi đấy". "Các bạn trẻ ở CHANGE cũng ngồi lại họp bàn với nhau và khẳng định sẽ phối hợp tốt để đảm đương công việc nên tôi yên tâm nộp hồ sơ đi học" - chị Hồng nhớ lại.
Đến nay đã gần 2 tháng, chị Hồng học được nhiều điều từ các chương trình của ĐH Columbia và từ chính 11 thành viên còn lại của nhóm. Họ là những người đi đầu trong các phong trào sức khỏe cộng đồng, bảo vệ trẻ em, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới… tại đất nước mình - Pháp, Nam Phi, Nigeria, Paraguay, Colombia, Ấn Độ, Singapore... Mỗi người hoạt động ở một lĩnh vực khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê và cam kết mạnh mẽ trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề cấp bách, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.
Ngoài việc tham gia các khóa học mà mình quan tâm, chị Hồng còn đặt mục tiêu tìm kiếm cơ hội kết nối với các đối tác và nhà tài trợ liên quan đến 3 lĩnh vực hoạt động chính của CHANGE: Biến đổi khí hậu và năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ động vật hoang dã. Chị cũng ấp ủ một dự án mới đầy tham vọng liên quan tới những vấn đề môi trường mà CHANGE đang giải quyết.
"Tôi sẽ bàn với ĐH Columbia và Quỹ Obama để nhận được sự hỗ trợ cho ý tưởng dự án này, đồng thời sẽ kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ việc thực hiện tại Việt Nam. Tôi rất hy vọng sẽ nhận được ủng hộ của cộng đồng ở Việt Nam cho dự án này trong tương lai" - chị Hồng chia sẻ.
Hướng tới người trẻ
Năm 2009, chị Hồng chuyển từ Hà Nội vào TP HCM sinh sống dù rất tiếc nuối khi phải bỏ công việc tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) mà chị gắn bó gần 7 năm. Cùng năm đó, chị tham gia chuyến đi Nam Cực lần 2. Lần đầu là vào năm 1997, chị Hồng được xem là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực.
"Chứng kiến cảnh băng tan ở Nam Cực và niềm đam mê, phấn khích mới trong chuyến đi, tôi quyết định khi về Việt Nam sẽ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường để hiện thực hóa những ấp ủ của mình trong việc lôi kéo cộng đồng hành động vì môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta" - chị thổ lộ.
Đúng như tên gọi của trung tâm mà mình sáng lập - CHANGE, nghĩa là thay đổi - chị Hồng đặt mục tiêu thay đổi nhận thức của nhiều người, nhất là giới trẻ, cũng như của những doanh nghiệp về các vấn đề môi trường. Việc thành lập CHANGE cũng không hề dễ dàng vì ngoài nhân sự thì cần phải có giấy phép hoạt động.
Nữ "Anh hùng khí hậu" cho biết: "Năm 2010-2011, khi chờ cấp giấy phép hoạt động, tôi cùng một số bạn trẻ đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút hàng ngàn tình nguyện viên cả nước. Khi phong trào ngày càng lớn mạnh nhưng kinh phí hoạt động không có, tôi phải bỏ tiền túi ra vì không muốn các bạn trẻ mất đi sự hứng khởi và đam mê".
Khi CHANGE có giấy phép hoạt động rồi, chị Hồng mới nhận ra điều hành một tổ chức phi lợi nhuận là không hề dễ dàng bởi phải lo đủ thứ. May mắn là trung tâm được nhiều bạn trẻ nhiệt tình, giỏi giang tham gia. Trung tâm còn được WildAid - một tổ chức lớn về động vật hoang dã và biến đổi khí hậu - hỗ trợ kinh phí, kinh nghiệm, kỹ năng.
Theo chị Hồng, thử thách lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam chính là nhận thức. Nhiều người nghĩ rằng vấn đề môi trường không cấp bách, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa nên họ chú ý tới những chương trình từ thiện hơn. Thậm chí, có người còn bắt bẻ: "Sao không cứu người mà lại lo đi cứu tê giác?".
Nói về các bạn trẻ ở CHANGE, chị Hồng không khỏi tự hào bởi họ tham gia bằng niềm đam mê chứ không vì tiền bạc hay danh tiếng. "Họ đều tốt nghiệp các trường đại học "danh giá" như RMIT, Ngoại thương…, thậm chí đã học thạc sĩ ở Mỹ, Úc, Nhật… nhưng chấp nhận từ bỏ mức lương gấp 4-5 lần để ở lại CHANGE. Tôi đã xác định ngay từ đầu rằng CHANGE sẽ là một tổ chức do người trẻ điều hành và hướng tới người trẻ" - chị đúc kết.
Đầu tháng 8 vừa qua, "Trại Thủ lĩnh khí hậu" được tổ chức tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, tập hợp 35 thủ lĩnh trẻ ở các địa phương để tập huấn, truyền cảm hứng và đào tạo kỹ năng, giúp họ có thể tự xây dựng các dự án bảo vệ môi trường tại nơi mình sinh sống. "Thành quả sau chuyến tập huấn 1 tuần này là ngay trong tháng 9-2018, nhóm thủ lĩnh trẻ đã tổ chức tất cả các hoạt động hưởng ứng chiến dịch toàn cầu Rise for Climate - Đứng lên vì khí hậu - ở Việt Nam" - chị Hồng hào hứng. 
Kể chuyện để kết nối mọi người
Gặp gỡ cựu Tổng thống Barack Obama mới đây tại Mỹ, chị Hồng rất ấn tượng với sự thân thiện và cách nói chuyện truyền cảm nhưng hóm hỉnh của ông.
Nữ “anh hùng khí hậu” (hàng đứng, thứ hai từ phải) chụp ảnh lưu niệm với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.Ảnh: THE OBAMA FOUNDATION
Nữ “anh hùng khí hậu” (hàng đứng, thứ hai từ phải) chụp ảnh lưu niệm với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.Ảnh: THE OBAMA FOUNDATION
"Ông ấy nói một điều rất giống suy nghĩ của tôi, đó là: Muốn thay đổi thế giới thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động. Kể những câu chuyện cũng chính là việc CHANGE đang nỗ lực thực hiện trong các dự án môi trường tại Việt Nam" - chị Hồng tiết lộ.
Sỹ Đông (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.