Nông sản Việt rộng cửa sang Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi... được Trung Quốc mở cửa, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm hàng tỉ USD.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 13-12 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 2 bên nhất trí tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương.

Nhiều mặt hàng mới được xuất khẩu

Theo đó, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nhiều nông sản Việt Nam như: dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh (nổi bật là sầu riêng), hoa quả có múi (chanh, cam, bưởi), bơ, mãng cầu, roi (mận), dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật; thịt trâu, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Phía Việt Nam cũng tích cực nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc; tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.

Trung Quốc là thị trường tốp 3 của thủy sản Việt Nam

Trung Quốc là thị trường tốp 3 của thủy sản Việt Nam

Trong 36 thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Trung Quốc được ký kết nhân dịp này còn có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc với giá trị gần 27 triệu USD/năm.

"Khi có nghị định thư, việc thông quan sẽ được rút ngắn thời gian do tần suất kiểm tra tại cửa khẩu sẽ giảm vì hàng hóa đã được kiểm tra trước ở Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) cũng thuận lợi trong việc đưa dưa hấu vào sâu nội địa Trung Quốc thay vì chỉ bán tại các tỉnh ven biên giới như trước. Với nghị định thư này, năm 2024, xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc có thể tăng gấp đôi, lên 50-60 triệu USD" - ông Nguyên dự báo.

Theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 3,2 tỉ USD, tăng đến 164%, chiếm 66% thị phần toàn ngành. Kết quả ngoạn mục này chủ yếu đến từ việc mở cửa chính ngạch được mặt hàng sầu riêng vào Trung Quốc hồi tháng 9-2022. Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng khi sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi… được Trung Quốc mở cửa, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng thêm hàng tỉ USD.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, thông tin ngành dừa đã xuất khẩu đến khoảng 60 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 25%-30% thị phần. Nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn nhưng nguồn cung từ Việt Nam mới chiếm 3,5% nên dư địa tăng trưởng còn rất cao.

"Vừa qua, chúng tôi đã góp ý dự thảo nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo hướng khuyến khích xuất khẩu dừa tươi (nguyên trái và sơ chế gọt vỏ), hạn chế dừa khô (dừa nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp). Dừa tươi xuất khẩu cần có tiêu chuẩn rõ ràng, tránh việc thu mua trái non, không đúng chủng loại và chất lượng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu dừa Việt Nam. Đặc biệt, khuyến khích xuất khẩu dừa tươi có tiêu chuẩn cao như hữu cơ" - ông Khoa cho biết.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến

Ngoài rau quả, nhiều nông - lâm - thủy sản của Việt Nam cũng có thị trường lớn là Trung Quốc như: sắn (khoai mì), cao su, điều, gỗ...

Với ngành điều, tính đến tháng 10-2023, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 17,7% thị phần. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thông tin: "Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc phát triển, khả năng chi trả của người tiêu dùng tốt, phù hợp cho những sản phẩm có giá trị cao như hạt điều. Khi Trung Quốc mở cửa kinh tế sau dịch COVID-19, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh. Có một số thời điểm, lượng hạt điều Trung Quốc nhập khẩu tương đương thị trường số 1 là Mỹ".

Theo ông Nhựt, trước nhu cầu tiêu dùng hạt điều gia tăng, nhiều DN Trung Quốc đã đầu tư nhà máy chế biến để tăng nguồn cung nội địa, gây áp lực lên hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, với ưu thế phát triển về công nghệ, công nhân có tay nghề cao, ngành điều Việt Nam vẫn tự tin trong cạnh tranh. "Quan trọng nhất là giữ chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm thì dư địa thị trường của hạt điều Việt Nam tại Trung Quốc vẫn còn lớn" - Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas bày tỏ.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (chuyên xuất khẩu các loại nông sản như: gạo, cà phê, hồ tiêu...), cho biết vừa có chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc và nhận thấy sầu riêng Việt Nam vẫn rất hút hàng. Riêng về cà phê, phía đối tác Trung Quốc cho hay đã nhập từ Việt Nam khoảng 300.000 tấn cà phê nhân/năm (cao hơn số liệu phía Việt Nam).

"Giới trẻ Trung Quốc ngày càng chuộng cà phê hơn trà nên nhập khẩu cà phê hằng năm tăng đến 35%. Họ đã xây 4 nhà máy chế biến cà phê hòa tan lớn nhưng vẫn thiếu hàng nên tăng thu mua từ Việt Nam. Trung Quốc là thị trường cà phê tiềm năng. Các nhà máy chế biến cà phê cần chú ý để có thể xuất khẩu trực tiếp vì hiện nay, chủ yếu các nhà thương mại khai thác thị trường này" - ông Nam nhấn mạnh.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 9 tỉ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt hơn 1,4 tỉ USD, giảm 12%. Tuy vậy, đây là mức giảm ít nhất trong các thị trường chính và Trung Quốc vẫn nằm trong tốp 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Theo bà Hằng, để tận dụng được cơ hội từ thị trường Trung Quốc, vẫn cần các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn; duy trì sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, cần tiếp tục đàm phán mở rộng danh sách DN và các sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ giao thương nông sản, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc…

Nhiều hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp

Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản; triển khai hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo, hợp tác thả cá giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ; sớm ký kết Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ...

Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí triển khai tốt khu hợp tác kinh tế - thương mại, trọng điểm là tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh...

Có thể bạn quan tâm

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.