Nông dân Pleiku thi đua làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại TP. Pleiku tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ phong trào, nông dân trên địa bàn đã phát huy thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Nhiều nông dân giàu lên nhờ canh tác cà phê. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều nông dân giàu lên nhờ canh tác cà phê. Ảnh: Đức Thụy

Để thúc đẩy phong trào phát triển, 3 năm qua (2014-2016), Hội Nông dân TP. Pleiku đã chủ động liên kết với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 210 buổi hội thảo, tập huấn khoa học kỹ thuật cho 10.212 lượt hội viên, nông dân; đào tạo nghề cho 775 hội viên, nông dân; vận động hội viên khá, giàu tạo việc làm cho trên 1.850 lượt hội viên, nông dân; giúp hội viên, nông dân mua trả chậm trên 1.150 tấn phân bón các loại. Đặc biệt, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho 4.824 hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 82 tỷ đồng; vận động Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 957,9 triệu đồng và xây dựng quỹ chi hội với số tiền trên 2 tỷ đồng để giúp hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế…

Trên cơ sở đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn. Đặc biệt, những hộ trồng cà phê và hồ tiêu có diện tích từ 5 ha trở lên đã mạnh dạn áp dụng cơ giới vào sản xuất nhằm giảm sức lao động. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã áp dụng các kỹ thuật mới như phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo chương trình IPM, ICM; tưới tiết kiệm nước bằng hình thức tưới nhỏ giọt trên cà phê, hồ tiêu để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vân (thôn 5, xã Gào) cho biết: Gia đình tôi có 4 ha cà phê trồng từ năm 1994. Để cà phê cho năng suất cao, gia đình đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân các cấp tổ chức nhằm nắm bắt kịp thời các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cà phê. Đồng thời, gia đình tôi thường xuyên sử dụng phân chuồng bón cho cà phê để đạt hiệu quả cao hơn. Nhờ đó, cà phê phát triển tốt, trung bình mỗi ha cho thu trên 4 tấn nhân. Ngoài ra, 3.000 trụ hồ tiêu của gia đình cũng phát triển tốt nhờ áp dụng các kiến thức chăm sóc tiếp thu được từ các buổi tập huấn. Đến nay, tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng.
 

 Nhiều nông dân trên địa bàn đã biết áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng để đạt năng suất cao. Ảnh: H.T
Nhiều nông dân trên địa bàn đã biết áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng để đạt năng suất cao. Ảnh: H.T

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, từ vài trăm đến vài ngàn con heo; ứng dụng các mô hình mới vào chăn nuôi để tăng thu nhập như nuôi dê Bách Thảo, nhím, heo rừng, gà Sao, bồ câu Pháp. Đặc biệt, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi theo hướng tự động hóa các khâu từ chăm sóc đến vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Lan-chủ trang trại chăn nuôi hàng năm cung cấp ra thị trường trên 400 tấn heo thịt an toàn tại tổ 3, phường Yên Thế cho biết: Việc áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường và tránh được tổn thất do dịch bệnh gây ra mà còn đảm bảo nguồn thịt cung cấp ra thị trường an toàn. Vì vậy, trang trại luôn chú trọng áp dụng quy trình chăn nuôi này. Năm 2014, trang trại được chứng nhận trang trại “xanh-sạch-đẹp”.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Văn Đức-Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku cho biết: Đến nay, TP. Pleiku đã có 68 trang trại (trong đó có 44 trang trại trồng trọt, 24 trang trại chăn nuôi) và nhiều mô hình sản xuất kinh tế tổng hợp với thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, có hàng ngàn hộ thu nhập từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp. Qua rà soát, TP. Pleiku có 5.107/10.045 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

“Nhiều hộ trong số đó đã có những đóng góp tích cực cho việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Điển hình là 3 năm qua, các cấp hội và hội viên, nông dân đã giúp 62 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo từ 205 hộ (chiếm 0,41% năm 2014) xuống 143 hộ (chiếm 0,28% năm 2015). Ngoài ra, hội viên, nông dân trên địa bàn đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng, trên 1.000 ngày công và hàng trăm mét vuông đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP. Pleiku đã có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới”-ông Hoàng Văn Đức cho biết thêm.

Hồng Thương
 

Có thể bạn quan tâm