Nông dân Kông Chro đa dạng hóa sản xuất giúp nâng cao thu nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều nông dân ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Việc đa dạng hóa sản xuất đã đem lại thu nhập cao, góp phần giúp các hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Trước đây, gia đình bà Đinh Thị Hmei (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) có 5 ha mì và lúa rẫy. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình đều bỏ lại thân cây mì, rơm rạ tại ruộng. Năm 2010, bà Hmei vay 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, kết hợp tiền tích góp của gia đình để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Hàng ngày, bà Hmei cắt cỏ xung quanh bờ ruộng, rẫy về làm thức ăn cho đàn bò. Vào các đợt thu hoạch nông sản, bà tận dụng lá mía, lá mì cho bò ăn; còn rơm rạ thì cất trữ làm thức ăn cho gia súc phòng khi mưa gió, nắng hạn. Nhờ đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản đều.

 Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông Ngô Bá Thìn (thôn 5, xã Sró, huyện Kông Chro). Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông Ngô Bá Thìn (thôn 5, xã Sró, huyện Kông Chro). Ảnh: Ngọc Minh


Cũng từ khi nuôi bò, bà Hmei bắt đầu ủ phân để bón cho cây trồng. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí mua phân bón mà cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn, đất đai lại tơi xốp, hạn chế bạc màu. Bà Hmei chia sẻ: “Hàng năm, tiền bán bò, bán nông sản, ngoài tái đầu tư, tôi đều dành một phần để mua đất sản xuất. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi có 25 ha mía, mì. Đàn bò giờ cũng phát triển lên hơn 40 con. Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”.

Năm 2008, gia đình ông Ngô Bá Thìn (thôn 5, xã Sró) dùng hơn 10 triệu đồng tiết kiệm để mua 2 bò sinh sản về nuôi. Hàng ngày, vợ chồng ông tranh thu cắt cỏ, lấy ngọn mía, rơm khô cho bò ăn. Sau 1 năm, bò mẹ sinh được 2 bê con; nuôi khoảng 6 tháng, ông bán bớt 1 con bê lấy tiền mua 2 con heo nái. Tập trung vào chăn nuôi bò lai, heo đen, gia đình ông Thìn có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Có tiền tích lũy, ông Thìn mua đất trồng cây ăn quả, đào ao thả cá. Hiện gia đình ông có gần 2 ha mắc ca, nhãn, bưởi, mít Thái; hơn 1 sào ao nuôi cá, hơn 1 ha trồng rau màu và gần 18 ha trồng cỏ nuôi bò. Đàn bò phát triển lên gần 50 con; đàn heo hơn 20 con. Tổng thu nhập của gia đình ông đạt hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Thìn chia sẻ: “Thực hiện mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã giúp tăng hiệu quả sản xuất rất nhiều. Nhờ có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định nên tôi có điều kiện thuận lợi để chủ động đầu tư sản xuất, chi tiêu trong gia đình”.

Ông Đinh Tiol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sró-cho hay: “Toàn xã có 680 hội viên nông dân. Trước đây, hội viên chủ yếu trồng mì và lúa rẫy. Khoảng 5 năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp và thay đổi tư duy sản xuất nên nhiều hội viên nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp đầu tư chăn nuôi. Tùy theo điều kiện kinh tế mà hội viên trồng mía, mì, rau màu kết hợp nuôi bò, heo, gà. Đến nay, toàn xã có hơn 70% hội viên triển khai mô hình này. Bà con đã tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và dùng chất thải trong chăn nuôi ủ làm phân bón cho cây trồng”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kông Chro, nhiều hộ triển khai mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Đinh Rét (làng Broch, xã An Trung) nuôi bò và trồng cây ăn quả cho thu nhập 450 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí; gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (thôn 10, xã Yang Trung) nuôi gà sao, vịt thương phẩm và trồng rau màu mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; gia đình chị Đinh Thị Byer (làng Húp, xã Kông Yang) thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ trồng chuối, trồng rừng kết hợp nuôi bò; gia đình ông Đinh Rânh (làng Tpôn, xã Chơ Long) thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm từ trồng mía, nuôi bò... Theo ông Ngô Hữu Luật-Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Trong số 2.621 hội viên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp năm 2022 thì phần lớn triển khai mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Để phát huy hiệu quả mô hình này, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho hội viên nông dân. Ngoài ra, Hội tiếp tục ký kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư­, phân bón theo phương thức trả chậm để hội viên nông dân có thêm điều kiện đẩy mạnh đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.