Nông dân Kon Tum thiệt hại nặng vì trâu bò bị dịch bệnh, chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, dịch bệnh viêm da nổi cục và bệnh tụ huyết trùng làm chết nhiều trâu, bò khiến người nông dân bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhiều địa phương, đàn trâu bò của người dân chưa được tiêm phòng vaccine nên nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Dịch bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng làm người nông dân Kon Tum khốn đốn. Ành TT
Dịch bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng làm người nông dân Kon Tum khốn đốn. Ành TT
Ngày 1.6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại thôn Điék Tem, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gia súc nghi mắc bệnh gửi Chi cục Thú y vùng V làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính với bệnh này.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã khẩn trương tổ chức phun khử khuẩn để dập ổ dịch, hạn chế lây lan và làm phát sinh các ổ dịch mới.
Anh A Long - người dân xã Ngọc Tem cho biết: "Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện từ 4 con bò của một hộ dân. Các cục u nổi dày đặc trên cơ thể đàn bò, làm chúng kiệt sức dần. Người dân đưa đàn bò đi ăn, lùa xa khu vực của hộ đang có dịch. Ở huyện Kon Plông trâu bò chủ yếu dùng sức kéo trong mùa làm ruộng, thấy gia súc chết do dịch bệnh ai cũng buồn lo".
Ngoài ra, dịch bệnh tụ huyết trùng cũng lây lan, gây khó khăn cho người dân. Theo Sở NNPTNT, bệnh tụ huyết trùng bước đầu ghi nhận tại các huyện như: Ia H’Drai, Kon Plông, Đăk Glei.
Tại huyện Đăk Glei, chỉ trong tháng 5, tại ba thôn của xã Đăk Plô gồm: Đăk Book, Pêng Lang và Bung Tôn có 69 con trâu, bò bị chết. Xã Đăk Nhoong hơn 100 con trâu, bò bị chết, ban đầu xác định do bệnh tụ huyết trùng.
Ông A Mon - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô cho biết, chính quyền địa phương vận động người dân đưa đi tiêu hủy, chôn lấp, tuyệt đối không mua bán ra ngoài thị trường làm lây lan dịch bệnh.
Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum yêu cầu quản lý chặt chẽ ổ dịch, như đặt biển cảnh báo dịch, rải vôi bột khử trùng tại các điểm đầu giao thông dẫn vào ổ dịch. Thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc trên diện rộng tại các hộ chăn nuôi của thôn có dịch, nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan. Đồng thời chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ để tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu, bò.
Việc các thương lái nếu tìm cách mua bán trâu, bò chết do dịch bệnh để tuồn ra ngoài thị trường sẽ bị xử lý mạnh tay, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm