(GLO)- Từ một hộ kinh tế khó khăn, anh Đinh Công Sơn (thôn Chợ, xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa) vươn lên thành hộ khá giả, đồng thời anh tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Vừa qua, anh đã vinh dự được đại diện cho hơn 1.000 hộ nông dân của xã được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết 3 năm huyện triển khai phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”.
Đinh Công Sơn-một nông dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Ảnh: Hồng Sơn |
Năm 1991, khi tròn 25 tuổi, anh Sơn rời quê nhà tỉnh Quảng Ngãi định cư tại xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa. Tại đây, anh lập gia đình và khởi nghiệp bằng nghề nông. Thời gian này, do khó khăn về vốn vợ chồng anh đi làm thuê nhằm trang trải cuộc sống. Vợ chồng anh vừa tích cóp vừa vay mượn tiền để thuê đất làm rẫy. Trong mỗi mùa vụ gia đình anh chăm chỉ sản xuất, luân canh xen vụ, khai thác tối đa diện tích đất rẫy. Ngoài canh tác cây mì, anh Sơn canh tác dưa hấu, và các loại hoa màu.
Anh Sơn cho hay: “Sau vài năm thuê rẫy, gia đình tôi có chút vốn, tôi mua 1,2 ha đất rẫy để canh tác”. Nhờ vào diện tích rẫy của mình, hàng năm gia đình anh tích cóp được một ít vốn dành để làm ăn. Anh Sơn suy tính: “Tuy giờ kinh tế gia đình có ít vốn, nhưng nếu chỉ dựa vào 1,2 ha đất rẫy khó mà vươn lên khá giả được. Nhận thấy nhu cầu trao đổi nông sản bà con tại địa phương cao nên tôi quyết định dồn hết vốn có được vào việc thu mua nông sản”. Từ đó, mỗi ngày anh Sơn vào trong các làng mua nông sản, dần dần anh nhận thấy nhu cầu bán nông sản bà con địa phương là khá lớn bởi lẽ buôn làng khá xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, để bán được nông sản bà con phải đi lại khá xa, mặt khác khi các thương lái vào mua nông dân thường bị ép giá làm cho đời sống vốn đã nghèo lại càng khó khăn thêm. Vì thế, năm 2006 anh quyết định bán 1,2 ha rẫy, dồn vốn vào việc kinh doanh phân bón và mua hàng nông sản.
Anh Sơn tâm sự: “Khi tôi tổ chức thu mua nông sản, bà con địa phương tiết kiệm được khoản chi phí đi lại. Tuy vậy, giai đoạn đầu tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong việc thu mua, chưa có đầu ra nông sản, giao thông khó khăn… Tuy nhiên tôi không nản chí, tôi cố gắng tiết kiệm trong mọi khoảng chi tiêu, thường xuyên cập nhật giá cả thị trường, sau một thời gian việc kinh doanh dần đi vào ổn định. Đến nay thu nhập gia đình tôi bình quân mỗi năm hơn 200 triệu đồng”.
Không chỉ cần cù, biết làm kinh tế giỏi, anh Sơn còn là một nông dân rất tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện tại địa phương. Tất cả các phong trào mà thôn phát động anh đều tham gia. Không chỉ vậy, anh Sơn chủ động vận động các hộ nông dân khác thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh, hưởng ứng cùng địa phương xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, khi xã triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, anh Sơn đã động viên vợ con làm từ thiện để giúp đỡ bà con người địa phương có hoàn cảnh khó khăn cùng vui Tết. Do vậy, trong 4 năm qua, năm nào gia đình anh cũng bỏ ra 3 triệu đồng mua gạo ủng hộ các hộ nghèo trên địa bàn xã. Vì thế, gia đình anh nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa.
Bà Phạm Thị Nhâm-Trưởng ban Tuyên giáo huyện Krông Pa-cho biết: “Sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc học theo gương Bác đã được triển khai một cách sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Đã có nhiều hành động cả tập thể và cá nhân thể hiện sự tích cực trong việc học theo gương Bác. Nông dân Đinh Công Sơn là một tấm gương điển hình trong việc vượt khó làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội, là gia đình điển hình để các hộ nông dân khác trong thời gian tới học tập, noi theo trong việc học theo gương Bác”.
Hồng Sơn