(GLO)- Nhờ mì được mùa, được giá nên vụ thu hoạch này, nhiều nông dân xã Hà Tây (huyện Chư Pah) có nguồn thu nhập đáng kể. Bà con rất phấn khởi vì có điều kiện đầu tư sản xuất vụ mới và sắm sửa cho gia đình khi Tết đang tới gần.
Năm 2016, gia đình chị Nhaih (làng Kon Măh, xã Hà Tây) trồng hơn 2 ha mì cao sản. Tuy nhiên, do giá mì thu mua thấp nên gia đình chị quyết định giữ lại làm vụ mì 2 năm. May mắn là năm 2017 thời tiết thuận lợi nên diện tích mì này tiếp tục phát triển tốt. “Hơn 2 ha mì nhà tôi thu được trên 40 tấn củ tươi. Mì nhổ đến đâu bán đến đó nên giá không đồng đều, trung bình được khoảng 1.300 đồng/kg. So với các vụ trước, vụ mì này năng suất và giá bán đều cao hơn. Trừ chi phí, vợ chồng tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng”-chị Nhaih cho biết.
Trẻ em Hà Tây cũng phấn khởi lây khi gia đình được mùa mì. Ảnh: L.H |
Làng Kon Măh (xã Hà Tây) hiện có 76 hộ (đều là người Bahnar), trong đó có 31 hộ nghèo. Theo anh Im-Trưởng thôn Kon Măh, năm 2017, dân làng trồng khoảng 40 ha mì. Đây là cây trồng chủ lực của bà con trong làng. “Năm 2017, nhờ mưa nhiều nên cây mì phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 17-20 tấn tươi/ha. Cây mì ít phải đầu tư chi phí cũng như công chăm sóc nên bà con thu lãi đáng kể”-anh Im nói.
Tương tự, hộ chị Bloi (làng Kon Sơ Lăng, xã Hà Tây) cũng thu 28 triệu đồng từ 1,4 ha mì vụ này. “Mình không có công nhổ nên bán nguyên đám cho thương lái với giá 28 triệu đồng. Chi phí cho đám mì này chỉ là ít ngày dọn đất, trồng và làm cỏ thôi, không bỏ phân hay đầu tư khoản nào cả”-chị Bloi chia sẻ.
Theo thống kê của UBND xã Hà Tây, năm 2017, nhân dân trong xã trồng gần 140 ha mì. Ông Thaoh-Chủ tịch UBND xã, đánh giá: Mì là loại cây trồng tỉnh đã có chủ trương không mở rộng diện tích. Tuy nhiên, với những vùng đất khô cằn, luôn thiếu nước tưới vào mùa khô như Hà Tây, khi chưa tìm được cây trồng khác hiệu quả và ít hại đất hơn để thay thế thì mì là lựa chọn cần thiết. Bởi vậy, xã vận động nhân dân hạn chế mở rộng diện tích trồng mì, đặc biệt nghiêm cấm tuyệt đối người dân phát rừng làm rẫy trồng mì.
Thay vào đó, bà con áp dụng canh tác những giống mì cao sản cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đi liền với đó, chính quyền và ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn giúp người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mì sao cho hiệu quả. Vài năm gần đây, nhờ các cơ sở thu gom, chế biến mì tươi hoạt động trên địa bàn nên người dân không còn vất vả bóc vỏ, xắt thành mì lát phơi khô như trước đây mà có thể bán tươi ngay tại rẫy. “Nhìn chung được mùa mì, bà con phấn khởi do có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, đầu tư tái sản xuất, chăm lo con cái học hành và đón cái Tết sắp tới”-ông Thaoh nhấn mạnh.
Hải Lê