Nông dân Đắk Nông biến hàng ngàn ha đồng đá thành "đất vàng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với nghị lực phi thường, nhiều nông dân ở xã Nam Dong, Ea Pô, Cư K'nia... của huyện Cư Jút đã khai hoang, cải tạo hàng ngàn ha đất, dưới tầng đá mồ côi. Qua đó, biến nơi đây thành những mảnh “đất vàng”, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những vườn cây hồ tiêu, cà phê xanh tốt trên những núi đá ở xã Nam Dong. Ảnh: Phan Tuấn
Những vườn cây hồ tiêu, cà phê xanh tốt trên những núi đá ở xã Nam Dong. Ảnh: Phan Tuấn
Sỏi đá cũng thành… cơm
Đi dọc hai bên các tuyến đường liên xã ở huyện Cư Jút, rất dễ nhìn thấy những dãy núi đá tổ ông cao ngút, kéo dài cả trăm mét nằm xen kẽ trong những vườn cây công nghiệp xanh ngát. Những dãy núi đá này là minh chứng cho ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của tự nhiên.
Năm 2009, chị Nguyễn Thị Ngát từ tỉnh Nam Định đặt chân đến xã Nam Dong. Lúc này, khung cảnh hiện ra trước mắt chị Ngát là bạt ngàn những lớp đá mồ côi.
Theo chị Ngát do đất đai toàn là đá mồ côi nên nhiều người dân phải cật lực lao động, sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế chẳng đáng là bao. Thế nên, vào năm 2009, mỗi ha đất ở đây bán rẻ như cho, chỉ với vài chục triệu đồng/ha. Sau khi mua 1ha đất, với ý chí có “sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tất cả các thành viên trong gia đình chị Ngát đã chung sức cải tạo đất đai.
"Người có tiền thì thuê máy móc thu gom, người ít tiền thì tự mình dùng búa tạ, xà beng đập các tảng đá ra để cải tạo vườn tược. Cứ thế, người dân nơi đây đã khai phá, thu gom, tập kết được hàng trăm núi đá với khối lượng rất lớn" - chị Ngát cho biết,.
Tương tự, năm 2005, gia đình anh Nguyễn Văn Bình mua 1,5ha đất với giá khoảng 70 triệu đồng ở xã Nam Dong. Thế nhưng, lúc này, một số người chê bai miếng đất này chẳng làm nên “cơm cháo gì”. "Với diện tích đất đai như vậy, những năm đầu, gia đình tôi chỉ trồng được các loại cây như bắp, đậu đỗ… nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn", anh Bình cho biết.

Những dãy núi đá cao là minh chứng cho sức lao động, cải tạo tự nhiên của người dân Nam Dong. Ảnh: Phan Tuấn
Những dãy núi đá cao là minh chứng cho sức lao động, cải tạo tự nhiên của người dân Nam Dong. Ảnh: Phan Tuấn
Theo anh Bình, không riêng gì gia đình anh, từ năm 2005 trở lại đây, hàng ngàn gia đình có đất sản xuất xấu, nằm dưới đá mồ côi đã  ra sức cải tạo tự nhiên.
Còn theo UBND xã Nam Dong, thời kỳ từ 2005 – 2007, toàn xã Nam Dong có cả ngàn ha đất nông nghiệp toàn sỏi đá nên giá trị lúc ấy rất thấp, khoảng 30 – 70 triệu đồng/ha tùy vào từng vị trí. 
Hiện nay, sau khi được người dân khai hoang, đất đai ở đây đã trồng được nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên giá trị đất đai đã tăng vọt, có nơi hàng tỉ đồng/ha.
Vượt khó để làm giàu chính đáng
Chỉ ít năm sau khi khai hoang thành công những cánh đồng đá cuội, đá mô côi, rất nhiều người dân ở các xã Nam Dong, Ea Pô, Cư K'nia... nhanh chóng biến nơi đây trở thành những vườn hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… xanh mướt, mang lại nguồn thu nhập lớn mỗi năm.
Gia đình ông Vũ Trung Thành - một hộ dân ở xã Nam Dong - từ chỗ còn lo "thiếu ăn thiếu mặc" thì nay đã được xếp vào hàng “đại gia”.
Ông Thành chia sẻ: "Trời thương mình, dưới những hòn đá cuội nặng cả tấn là những lớp đất thịt thuận lợi cho việc trồng cây cà phê, sầu riêng, hồ tiêu… Vườn cây thập cẩm các loại của gia đình năm nào cũng mang lại nguồn thu nhập khá hàng năm. Tích góp qua từng năm nên hiện nay, gia đình tôi đã “đổi đời”, có tiền tỉ trong tay".

Nhiều nông dân sau khi “đập đá“, cải tạo đất đai, đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều nông dân sau khi “đập đá“, cải tạo đất đai, đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều người dân ở xã Nam Dong, Ea Pô, Cư K'nia... cho biết, “có công mài sắt có ngày nên kim”. Mặc dù là xã thuần nông nhưng ở địa phương giờ có rất nhiều tỉ phú. Người dân ở nơi khác đến đây nếu như không biết được sự hi sinh, khổ cực cải tạo tự nhiên thì cứ nghĩ người dân nơi đây “trúng số” mới giàu có như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, khi người dân đã cải tạo được đồng đá thành những vựa sản xuất cây công nghiệp, cây ngắn ngày thì liên tục được hái "lộc trời", cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Đơn cử như xã Nam Dong, từ một vùng quê khó khăn nay đã về đích nông thôn mới vào năm 2018. Ở địa phương giờ có hàng trăm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mua được xe hơi, xây được nhà cửa khang trang, cao đẹp.
Theo ông Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, mặc dù ở vùng đất không được thiên nhiên ưu ái nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, người dân nơi đây vẫn vươn lên làm giàu trên những vùng đất cằn cỗi.
Hiện nay, đời sống của người dân ở xã Nam Dong đã thay đổi một cách tích cực, toàn diện với mức thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/năm.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.