Nông dân Chư Pưh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” được các cấp Hội Nông dân huyện Chư Pưh đẩy mạnh thực hiện và đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu.

 Các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Ảnh: N.H
Các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Ảnh: N.H
Ông Lê Đình Tuân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh: Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã có tác động tích cực đến kết quả sản xuất của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, từ phong trào, hội viên không những có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ nhau về vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất mà còn thay đổi tích cực về suy nghĩ, cách thức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục củng cố tổ chức, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào; đồng thời, khai thác các nguồn vốn, các chương trình dự án, góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Ở Plei Thơ Ga A (xã Chư Don), người dân đều dành cho ông Lương Khắc Sinh một sự cảm phục. Bởi lẽ, từ chỗ nghèo khó, gia đình ông Sinh đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. “Ngày mới từ Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp, gia đình tôi phải kiếm sống bằng việc làm thuê cuốc mướn nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi tham gia vào Hội Nông dân xã Chư Don, được vay vốn ngân hàng, gia đình tôi đã có điều kiện để mua đất đầu tư trồng hồ tiêu, sau đó, chăn nuôi thêm heo và dê. Nhờ được Hội tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hồ tiêu và vật nuôi của gia đình phát triển tốt. Đến nay, gia đình đã có 1.000 trụ hồ tiêu, 20 con heo nái, 15 con dê cái, mỗi năm lãi 300-350 triệu đồng”-ông Sinh cho biết.

Tương tự, từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Nguyễn Hữu Khanh (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng) cũng đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhờ chăm chỉ lao động, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất và mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu. Anh Khanh cho biết, cũng như nhiều gia đình khác, trước đây, vì chưa có vốn, gia đình anh phải đi làm thuê cho người khác để có thu nhập . Sau khi dành dụm được một khoản tiền, gia đình anh đã mua đất để sản xuất. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã về vốn vay, những năm gần đây, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư vào trồng hồ tiêu, cà phê và bơ. Đến nay, gia đình anh đã có 600 trụ hồ tiêu kinh doanh, 1 ha cà phê và trên 200 cây bơ, trừ chi phí, mỗi năm, thu trên 200 triệu đồng.

Ông Sinh và anh Khanh là 2 trong số 3.607 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp của huyện Chư Pưh (toàn Hội hiện có 9.207 hội viên). Kết quả này có được là nhờ các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tạo điều kiện về vốn, giống, khoa học kỹ thuật để hội viên, nông dân đầu tư vào sản xuất có hiệu quả. Theo đó, các cấp Hội Nông dân huyện Chư Pưh đã phối hợp với các công ty phân bón, Trạm Khuyến nông huyện mở 7 lớp hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển hồ tiêu bền vững; phòng và trị bệnh vật nuôi cho 850 lượt cán bộ, hội viên. Đồng thời, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 76,7 tỷ đồng và vận động hội viên xây dựng “Quỹ Hỗ trợ nông dân” được trên 106,9 triệu đồng giúp cho hàng trăm hộ vay đầu tư sản xuất.

 Nhật Hào-Lê Trang

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.