NÓI THẲNG: Họ hóa kiếp đất vàng để làm gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người dân quan ngại nhất là tình trạng quan tham chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời... nhờ hóa kiếp đất vàng!
 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có đến hơn 180.000 ha đất tại 30 tỉnh, thành phố xảy ra sai phạm, tồn tại cần xử lý.

Trong đó, chỉ riêng các "ông lớn": Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam đã để cả chục cơ sở nhà, đất vàng công sản tại các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng bị hóa kiếp rơi vào tay tư nhân.

Cơ quan này cũng đã chuyển 12 vụ việc có dấu hiệu sai phạm đất đai sang Bộ Công an điều tra.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên và cá biệt. Hàng loạt các vụ sai phạm đất đai, quản lý công sản khiến cán bộ từ cấp địa phương đến trung ương bị kỷ luật, khai trừ đảng và xộ khám thời gian qua ở Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội và nhiều nơi khác cho thấy, trước tiên là do cán bộ thiếu tu dưỡng đạo đức, hám lợi cá nhân, triệt để lợi dụng các lỗ hổng trách nhiệm, khoảng trống pháp luật và cơ chế thiếu kiểm tra, giám sát để lạm quyền, trục lợi.

Kết quả khảo sát do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới thực hiện "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức" cho thấy: Tham nhũng cùng với tai nạn giao thông, giá cả sinh hoạt là 3 vấn đề được quan tâm nhất. Trong đó, tham nhũng được xem là vấn đề nghiêm trọng và gần như có liên quan với tất cả 9 nhóm vấn đề khác được khảo sát như: thu nhập, tệ nạn xã hội, y tế, an toàn thực phẩm, giáo dục, việc làm, môi trường...

Tham nhũng có thể đi từ các dạng lũng đoạn chính trị cấp cao đến những khoản hối lộ cấp thấp. Tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau ở các ngành, lĩnh vực.

 Nhà đất, quản lý công sản luôn là lĩnh vực nhạy cảm, trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nhiều chủ trương đúng bị lợi dụng như sắp xếp lại nhà đất công, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, đền bù, giải tỏa, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, cấp phát, sử dụng vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp vốn liên doanh… đã trở thành miếng mồi ngon cho tham nhũng.

Việc Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm nhà, đất của các Tổng Công ty nhà nước qua việc cổ phần hóa, góp vốn liên doanh, thoái vốn "không còn hồ sơ tài liệu" mới chỉ là việc chuyển từ qui trình hành chính sang qui trình tư pháp để điều tra làm rõ. Kết quả tới đâu, xử lý thế nào còn là mong đợi của người dân.

Có dấu hiệu sai phạm thì điều tra, xử lý, kết tội, làm cương quyết "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật" mới mong lấy lại niềm tin nơi dân chúng. Nhưng quan trọng hơn việc chống là phải xây, phải đảm bảo một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để ngăn chặn lạm quyền, cần một hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật đất đai, quản lý công sản nghiêm minh để tham quan muốn vẫn không thể phù phép hóa kiếp đất vàng, đất bạc của dân thành của riêng.

Đó là cơ chế trách nhiệm tự động và chịu trách nhiệm hiển nhiên của người có thẩm quyền, chứ không phải việc gì cũng chờ Thủ tướng chỉ đạo mới làm.

Cùng với việc thanh tra, phát hiện, xử lý sai phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan tham nhũng nhà đất, công sản là cần thiết, nhưng cũng không thể phó thác cho lực lượng chuyên ngành xử lý phần ngọn, mà phải phòng ngay phần gốc là dọn dẹp các mảnh đất nảy sinh tham nhũng. Đó là cơ chế, chính sách, qui định pháp luật còn nhiều khe hở, kiểm soát quyền lực không nghiêm, việc kê khai, giám sát thu nhập, tài sản người có chức, có quyền còn nặng hình thức…

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng nhà đất công chỉ là bề nổi của vụ việc được bóc tách đã cho thấy mức độ nghiêm trọng. Nhưng chắn chắn còn nhiều vụ việc tương tự cần tiếp tục làm rõ.

Ngoài trừng phạt bằng tù tội thì việc thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng. Đừng để dây dưa tình trạng quan tham chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời... nhờ hóa kiếp đất vàng!

Bài: Trần Hiệp Thủy; Ảnh: Tấn Nguyên
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.