'Nỗi sợ' của doanh nghiệp tư nhân và giải pháp 'gỡ rối'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Để phát triển kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước cần có nhiều biện pháp, trong đó có bài toán cổ phần hóa DNNN, trao các phương thức sản xuất, lĩnh vực ngành nghề mà NN không nắm giữ vào tay tư nhân", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân (KTTN) đã được phục hồi và có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%. Để đạt được con số này, vai trò của KTTN rất quan trọng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vẫn than gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh và mong muốn được sự tạo điều kiện của Chính phủ. Chất lượng Việt Nam Online đã có trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính để bàn về những giải pháp “gỡ rối” cho khu vực kinh tế tư nhân.
Rào cản với kinh tế tư nhân
Lần đầu tiên được thừa nhận từ năm 1988, từ đó đến nay, môi trường kinh doanh của KTTN thay đổi như thế nào, thưa ông?
Trước đây, việc kinh doanh của người dân (dù mô hình lớn hay nhỏ) đều được ví như “con buôn”. Ngay sau khi cải cách (1985), những “con buôn” này được quan tâm nhiều hơn. Họ chính là khu vực KTTN mà chúng ta hay gọi suốt 30 năm qua. Nói như vậy để thấy, KTTN được tạo điều kiện phát triển nhiều hơn, môi trường kinh doanh thay đổi rõ nét.
Tuy nhiên, phải nói rằng, việc công bằng về mặt cơ chế, chính sách, cách thức cư xử đối với khu vực KTTN chưa nhiều. Vị thế, vai trò của KTTN đối với cơ quan quản lý, xã hội vẫn còn thua thiệt.
Cụ thể, việc ưu đãi KTTN phát triển chưa nhiều, quan hệ giữa cơ quan quản lý chưa khăng khít. Ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn cho rằng, DNTN dễ thành lập, dễ phá sản và trách nhiệm đối với xã hội, nền kinh tế chưa đầy đủ. Thậm chí, sự nhìn nhận thiên lệch này cũng khiến KTTN khó tiếp cận nguồn vốn trong xã hội.
Dù KTTN đang trên đà phát triển, nhưng những yếu tố về vốn, môi trường kinh doanh, chính sách… đang là rào cản. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Thứ nhất là yếu tố đất đai. Hiện nay, kinh tế đang trên đà phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho DN hoạt động và đi lên. Tuy nhiên, việc sở hữu đất đai vẫn là sở hữu toàn dân trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới thành lập rất nhiều, khó lòng mà thuê mướn được đất đai. Đặc biệt, DNTN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Những DNTN có vốn ít, không có khả năng “dồn điền đổi thửa”, thu mua diện tích đất rộng thì việc xây dựng khu công nghiệp, khu sản xuất, phục vụ hoạt động kinh doanh sẽ trở nên rất khó khăn.
Dù một vài năm trở lại, một số địa phương đã có sự quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp vừa và nhỏ nhưng số lượng này quá ít trong khi DNTN đang lớn dần. Thậm chí, địa điểm quy hoạch quá xa so với dân cư, giao thông không thuận tiện sẽ cản trở việc kinh doanh.
Thứ hai, vấn đề tiếp cận nguồn vốn của DNTN còn khó khăn. Việc không có quyền sở hữu đất đã một phần khiến DN tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn. KTTN thường có nguồn vốn eo hẹp, đặc biệt khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của hệ thống ngân hàng.
Hầu hết các DNTN mới thành lập ít kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch vay vốn và điều kiện theo đúng yêu cầu ngân hàng thương mại. Thêm nữa, họ không có tài sản như đất đai để cầm cố thế chấp. Vì vậy, việc vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
 
 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính chia sẻ cách gỡ rối khu vực kinh tế tư nhân
Thứ ba, vai trò của các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy đầy đủ khả năng của mình. Nếu DN trực thuộc những hiệp hội đủ mạnh, đứng ra bảo lãnh trong việc vay vốn hoạt động kinh doanh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng hiện tại, hiệp hội ngành nghề Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không phát huy hết khả năng của mình. Do đó, SME khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Cũng vì khó khăn khi tiếp cận vốn, thiếu kinh nghiệm trong việc phân tích nhu cầu thị trường, các SME hầu như tự bươn chải, tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm họ sản xuất. Họ quá vất vả để tổ chức sản xuất, kêu gọi vốn… nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, việc không có vốn, hiểu biết thị trường, công nghệ… càng trở thành rào cản cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý chưa thay đổi tư duy làm việc, chưa theo kịp thời đại vì thế coi DNTN là chỗ “vòi vĩnh, kiếm ăn”. Rõ ràng, điều này gây khó khăn cho DNTN khi họ luôn phải suy nghĩ làm sao để đối phó với cơ quan nhà nước; làm sao để “đi cửa sau”…
Mới đây, khảo sát VCCI cho biết, có 50% DNTN phải “đi đêm” với nhà quản lý. Đây là vấn đề không nhỏ, nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giải pháp gỡ “nút thắt”
Có ý kiến cho rằng, để KTTN phát triển “bứt phá” thì DNNN cần rút lui. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực tế, không có chuyện DNNN lùi về phía sau. Bởi nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường (KTTT). Chúng ta nhấn mạnh, KTTN là động lực, là trụ cột của nền KTTT. Nhưng chúng ta đang phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Nghĩa là vai trò quản lý của Nhà nước đang đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, chúng ta không thể áp dụng KTTT hoàn toàn.
Hơn nữa, nếu tự buông lỏng KTTN, DNNN giảm thiểu mức tối đa thì không phải bài toán đúng. Kinh tế Nhà nước (KTNN) vẫn nắm giữ vị thế điều chỉnh KTTT vì chúng ta đi từ bao cấp, sang KTTT và toàn bộ bộ tài sản cố định nằm trong tay nhà nước.
 
Khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, trong đó có cổ phần hóa DNNN. 
Trong nền kinh tế quốc dân, Nhà nước vẫn phải giữ vị thế vai trò; điều hướng phát triển những ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn hoặc tạo ra ưu thế, hoặc thể hiện vị thế vai trò của mình để can thiệp vào nền sản xuất cũng như KTTT. Để từ đó, KTTT đi đúng hướng, đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững của nền kinh tế.
Trước đó, đi đôi với nghị quyết phát triển KTTN và trước nghị quyết KTTN thì đã có nghị quyết đổi mới DNNN, trong đó NN dần buông các DN nhà nước mà chỉ còn giữ lại DNNN ở một số ngành mang tính chất cần thiết, tạo ra bước đột phá của nền kinh tế hoặc ảnh hưởng sâu sắc đối với nền kinh tế. Còn lại, chúng ta đã cổ phần hóa gần như toàn bộ DNNN nhưng phải theo kế hoạch, chỉ đạo, không thể “bán tống bán tháo”.
Theo ông, chúng ta cần làm gì để “gỡ rối” cho KTTN phát triển bứt phá trong thời gian tới?
Để kinh tế Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững thì chúng ta phải có sự hợp lực của nhiều thành phần kinh tế. Trước hết là vai trò của Nhà nước với vị thế nhất định trong nền kinh tế. Bởi DNNN có tài sản lớn, có máy móc thiết bị tốt nhất. Dù vị thế cao nhưng KTNN cần phải đổi mới về quản lý, cách thức làm việc, đặc biệt là cổ phần hóa những DN không cần thiết.
Về phía KTTN, chúng ta phải khuyến khích phát triển bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cổ phần hóa DNNN. Từ đó, trao các phương thức sản xuất, lĩnh vực ngành nghề mà NN không nắm giữ vào tay của khu vực KTTN, làm phát triển KTTN.
KTTN cần đầu tư, thành lập doanh nghiệp mới, sau khi lớn lên trở thành những doanh nghiệp và tập đoàn lớn để đảm đương hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn dắt một ngành nghề của nền kinh tế trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Thúy Ngân (VietQ.vn) 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.