(GLO)- Do am hiểu nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), một số lao động trực tiếp được doanh nghiệp giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định ATVSLĐ tại đơn vị (còn được gọi là an toàn vệ sinh viên). Nhiệm vụ nặng nề nhưng cơ chế hỗ trợ cho an toàn vệ sinh viên lại chưa thỏa đáng.
Trách nhiệm với công việc
“Ngoài đảm nhiệm chuyên môn, tôi được đơn vị giao phụ trách thêm công tác ATVSLĐ. Tôi phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”-anh Nguyễn Văn Dũng-cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp, kiêm phụ trách công tác ATVSLĐ Nhà máy Đường An Khê-cho biết. Để hoàn thành nhiệm vụ “kép” này, trước ca sản xuất, anh Dũng thường đôn đốc 20 an toàn vệ sinh viên ở 10 tổ sản xuất của Nhà máy kiểm tra nghiêm ngặt quy trình vận hành máy móc trước khi khởi động. Nếu phát hiện không an toàn ở khâu nào thì phải cho dừng ngay khâu đó, báo cáo sự việc với Ban Giám đốc Nhà máy để có hướng xử lý kịp thời.
Vì “gánh” trọng trách đối với cả đồng nghiệp và doanh nghiệp, trước mỗi ca sản xuất, an toàn vệ sinh viên phải quán xuyến tình trạng ATVSLĐ của máy, thiết bị, điện, mặt bằng sản xuất, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu sự cố… Là người phụ trách công tác an toàn tổ lò hơi của Công ty TNHH một thành viên MDF Vinafor Gia Lai-ông Đặng Khanh Vương-cho biết: Tổ có 6 người, hàng năm đều được Công ty cho đi tập huấn. Hệ thống lò hơi của Công ty cũng được một đơn vị kiểm định ở TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thường xuyên, đủ điều kiện mới vận hành. “Chúng tôi xác định, khi vận hành lò hơi, công tác đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu do áp suất lò hơi lớn, dễ gây ra cháy nổ. Tổ được chia làm 3 ca, mỗi ca làm việc 8 tiếng. Trước khi giao ca 1 tiếng, chúng tôi kiểm tra lại tất cả các bộ phận máy móc vận hành rồi mới giao lại cho ca sau. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất sự cố không đáng có xảy ra”-ông Vương nói.
An toàn tại hệ thống nồi hơi của Công ty TNHH một thành viên MDF Vinafor Gia Lai luôn được chú trọng. Ảnh: Đ.Y |
Theo quy định, mạng lưới an toàn vệ sinh viên được thành lập theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn, nội dung hoạt động phù hợp với luật pháp, bảo đảm quyền của người lao động và lợi ích của người sử dụng lao động. An toàn vệ sinh viên là những người lao động trực tiếp, am hiểu về nghiệp vụ, nhiệt tình và gương mẫu thực hiện công tác bảo hộ lao động, được tổ sản xuất bầu ra. Mỗi tổ sản xuất có một Tiểu ban an toàn lao động, gồm 3 an toàn viên. Tuy nhiên, dù kiêm thêm nhiệm vụ nhưng cơ chế cho an toàn vệ sinh viên lại chưa được đảm bảo. Ông Phạm Xuân Kỉnh-Đội trưởng Đội 5 (Công ty Cà phê 706) cho biết: Các đội sản xuất của đơn vị đều thành lập một Tiểu ban an toàn lao động. Tuy kiêm nhiệm phụ trách công tác an toàn lao động nhưng mỗi vụ sản xuất, Đội trưởng không được hỗ trợ thêm quyền lợi gì, Chủ tịch Công đoàn bộ phận được hỗ trợ 3 công lao động (70.000 đồng/công), nữ công và đoàn viên thanh niên được hỗ trợ 2 công lao động.
Chịu nhiều sức ép
Vừa phải trực tiếp sản xuất, vừa phải hướng dẫn, theo dõi, giám sát thực hiện quy định ATVSLĐ tại đơn vị nên nhiệm vụ của an toàn vệ sinh viên rất nặng nề. Nếu không làm ra sản phẩm, không hoàn thành định mức thì họ không có tiền lương, thu nhập. Còn khi không may để xảy ra tai nạn lao động thì họ không hoàn thành nhiệm vụ, bị cắt bình xét thi đua. Trong khi đó, quy định pháp luật về mạng lưới an toàn vệ sinh viên, nhất là quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của an toàn vệ sinh viên hiện vẫn chưa cụ thể.
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhấn mạnh: Mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các đơn vị sản xuất được trao rất nhiều quyền: quyền được hưởng phụ cấp trách nhiệm; quyền được yêu cầu người lao động ngừng công việc; quyền được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ... nhưng lại chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện. Do đó, hầu như những quyền này của an toàn vệ sinh viên không được thực hiện trong thực tế. Hiện mạng lưới an toàn vệ sinh viên chỉ có phụ cấp nếu doanh nghiệp có quy chế.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, theo ông Thành, Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn của lực lượng này. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên để hỗ trợ thêm quyền lợi cho họ. Làm được như vậy cũng là để người lao động hiểu và hợp tác tốt với mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đinh Yến