Nỗi nhớ tháng 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai đó đã từng nói: Tháng 5 có trăm nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong cái oi nồng của trời đất, hòa cùng những cơn mưa rào bất chợt hay trên những con đường rì rào đổ bóng nghiêng nghiêng hàng cây, thả lá theo bóng nắng hanh hao.
Nỗi nhớ tháng 5 với người dân Phố núi là những ngày kỷ niệm thiêng liêng, trái tim ai ai cũng dâng đầy cảm xúc. Tháng ngày đáng ghi nhớ ấy như một sắp xếp trình tự các dấu mốc của lịch sử. Và, riêng với tháng 5 này đặc biệt hơn, bởi sau một hành trình dài với bao khó khăn, nhịp sống quay trở lại bình thường như trước đây đã từng thế.
Một buổi sáng, dưới vòm trời trong xanh nhìn dòng người tấp nập ngang qua Quảng trường Đại Đoàn Kết, lòng tôi bồi hồi, xao xuyến. Tiếng ve trên cành cao hòa quyện trong gió từ phía tượng đài Bác bình dị và uy nghiêm. Không gian thanh bình và tươi tắn gợi những sắc thanh một thời cha ông dựng xây trên mảnh đất này.
Tháng 5 có quá nhiều lời hồi đáp từ xa xưa. Như cách mà ai đó vẫn mặc định mình phải được sinh ra và sống thật nhiều trong quỹ thời gian lớn lao mới yêu và cảm trọn vẹn miền đất ấy. Tôi không trả lời hết mọi thắc mắc của cô con gái nhỏ, rằng chúng tôi đã đến đây bằng cách nào và đã trải qua những tháng 5 ra sao? Chỉ còn đọng lại trong tôi đèo và dốc, sương và bụi hồng, mây và gió, cứ nôn nao từng mảng màu ký ức.
Có những hình ảnh trong tâm trí, một khi đã nhuốm màu kỷ niệm bỗng được đánh thức bởi tháng 5 về. Cha mẹ tôi chọn thị trấn êm đềm, bình yên, trải dài một màu biếc xanh này để lập nghiệp. Nơi đã bao bọc biết bao phận người tha phương. Nơi nuôi lớn tâm hồn tôi bằng những khuôn mặt bạn bè, đạp xe đi học trong mưa, gò mình ngược chiều gió, ngược chiều dốc. Nơi của những bát ngát nhà vườn, ngút ngàn nương rẫy, róc rách suối xa, vọng vang núi đồi, mê mải mùa hoa. Những ngày chính hạ, tôi đã ngồi rất lâu dưới cầu thang nhà sàn và tự hỏi: Bao lâu trong cuộc đời thì nỗi nhớ sẽ rời khỏi mình hay là mình chưa bao giờ muốn buông tay khỏi nỗi nhớ đã hằn lại năm tháng như ai đó cùng tôi xây nên ước hẹn mãi mãi trên mảnh đất này?
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Là tháng 5 dưới gốc thông già, con gái tôi cùng lũ bạn xóm nhỏ dốc Gà Cồ háo hức nghe ông ngoại kể về ước mơ thời hoa đỏ. Tôi thích nhìn cha mỗi khi ông kể lại chuyện chiến đấu cho đám nhỏ. Những mái tóc xanh chụm sát mái đầu phơ bạc. Nghe chuyện cha kể, tôi thấy thương yêu và tự hào xen lẫn, thầm nhớ câu thơ của Vua Trần Nhân Tông: “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Những câu chuyện diễn ra trong quá khứ được kể từ chứng nhân hay hơn bất cứ bài học lịch sử nào tôi được học. Hay như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu, tôi đã thuộc lòng từ tấm bé khi mỗi tháng 5 cờ đỏ sao vàng rực rỡ được treo lên ở mỗi con đường, ở các cơ quan, xóm làng như một sự tri ân của những thế hệ hôm nay đối với Người “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa”.
Cũng trong tháng 5 này, trong nhóm Zalo của hội bạn cấp III rộn ràng, tíu tít. Nào là tất bật cho ngày trở về thăm trường xưa; nào là Gia Lai mình đang hân hoan chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh. Bạn về cùng mình chứ? Đã đặt vé xe chưa? Khi nào thì mình đón bạn được?... Bao nhiêu câu hỏi cứ thế làm dòng tin trở nên gần gũi, nối liền khoảng cách và hơn bao giờ hết, nhắc nhở chúng tôi mau bước trở về.
Niềm hy vọng lại được thắp sáng lên trong tôi như một sự bắt đầu mới đầy tươi đẹp. Tôi đã hẹn với tháng 5 bằng tất thảy hân hoan, niềm vui đang chảy tràn trên những ngọn cỏ cây, rồi phủ lên tán bàng xanh lá, chùm phượng thắm đỏ hay cánh bằng lăng tím ngắt bay trong chiều trở gió. Và, tôi chợt hiểu được rằng vì sao tháng 5 lại để nhớ để thương trong chúng ta nhiều đến thế!
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.