Nẻo về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh sống cùng cha trong một tòa chung cư cũ. Cầu thang bộ lên xuống, thoai thoải dốc và hơi tối. Mùi rêu ẩm loang dần trên những bức tường cũ, tróc lở với chi chít tem quảng cáo các loại dán trên đó.  
 

 Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ


Những buổi cuối chiều hè nóng nực, mỏi mệt, trôi đi rất chậm trong tiếng nhạc vàng sầu buồn ở quán nước ngay tầng trệt tòa nhà. Cha không thích những cánh cửa sắt hoen gỉ, mỗi lần khép mở nghe tiếng ken két cứa vào khoảng không. Cả những ô rào sắt ban công, tù túng, chật hẹp.

Bữa cha kêu hay phá bỏ rào sắt đi con, sống vậy cha thấy giống đang ở trong cái lồng chim lơ lửng giữa trời quá. Ở đây nhà nào chẳng cơi nới rào chắn vậy, tận dụng thêm chút không gian sinh hoạt cho đỡ chật chội mà cha. Ừ, giá mình có chút đất thì hay biết mấy con nhỉ? Chuyện gì vậy cha?

Ờ thì sẽ trồng thêm vài cái cây, loại cây cỏ tự nhiên mọc cao phủ quá đầu người và những cây dây leo nữa. Rồi cha chỉ chỗ này chỗ kia y hệt như đang vẽ vườn cây trong tưởng tượng cho anh thấy. Im lặng.

Anh nhìn ra phía trước mặt chỉ bốn bề khung sắt và những hàng dây điện giăng chằng chịt thấy thật thương cha. Lúc tìm mua căn hộ này anh đã cân nhắc nhiều lần. Nhưng điều kiện anh khi ấy khó mua được nơi nào tốt hơn.

Có đôi lần nhìn lại con đường mình đã đi qua anh hơi mỏi mệt. Nỗi mỏi mệt cả thân xác và tâm trí. Đó không phải là anh của những ngày sinh viên nhiều mộng tưởng. Nhưng nếu không có lựa chọn tốt hơn, có lẽ người ta nên học cách chấp nhận và tiếp tục đi về phía trước. Anh nghĩ vậy thôi.

Ban công nhỏ kê vừa bộ bàn ghế nhựa, mấy bữa nay làm về muộn anh thấy cha ngồi lặng lẽ ở đó. Sao ngồi đây cha? Thì cả ngày loanh quanh trong phòng kín muốn ra ngoài tìm chút gió, nay công việc thế nào con? Cũng vậy thôi ạ.

Đêm qua cha không ngủ được à? Con nghe tiếng trở mình liên tục. Ừ. Dạo này hễ chợp mắt là cha nằm mê man thấy nhà. Mưa cỏ dại lên xanh tốt. Một màu xanh trải dài từ cổng vào sân. Nhà không bóng người như chốn bỏ hoang. Rêu sân, rêu mái ngói lên xanh.

Còn chuyện lạc đường vào rừng mấy bữa trước quên không kể, cha loanh quanh tới lui trên con đường quen thuộc. Cha nghĩ nhiều chi cho nhọc, chỉ là cơn mê. Nhưng lúc tỉnh giấc cha thấy mệt quá, từ bữa đó lòng dạ không yên, nghĩ mình đang ở đây mà như ở đâu. Thức hay ngủ tâm trí cũng bồng bềnh trôi như ngồi thuyền đi trên sông cũ.

Mà con còn nhớ cái chòi không? Cái chòi nào cha? Cái chòi trong rừng đó. Hồi còn ở nhà cha vẫn vào sửa sang lại nó. Cha không nói nữa. Anh có cảm giác sự lặng thinh nơi cha như một lời trách cứ. Lòng anh chùng xuống.

Ngày buồn nhất anh đã ngồi lại rất lâu trên giảng đường lặng lẽ nhớ quê nhà. Khi ấy, anh từng nghĩ sẽ không bao giờ quên những mảnh ký ức rất đậm sâu ấy. Mười mấy năm đi qua, ký ức dần phai mờ và sự thật anh đã quên nhiều thứ.

Mọi việc cuốn anh đi vội vã, có nhiều ngày không biết mình buồn hay vui, chỉ lặng lẽ. Mười mấy năm thành phố bồi đắp cho anh những ký ức khác, nhưng có bao ký ức được xanh vui. Những ngày xưa đã xa hay là anh đánh mất. Cha thì sợ anh đi mải miết lỡ lạc đường về…

Câu chuyện cùng cha đưa anh về với những buổi theo cha vào rừng. Bước qua đám cỏ tranh vươn mình mạnh mẽ, cứa vào chân ran rát. Rồi những bụi dây leo quấn quýt, màu xanh bạt ngàn ùa tràn đáy mắt. Anh thích nhất cảm giác nằm võng trong chòi, cái chòi nho nhỏ, đơn sơ, mê mải đọc sách.

Mùa hè mười tám, đang mơ màng, anh giật mình nghe tiếng cha gọi lớn, Khương ơi, giấy gọi học về rồi. Tiếng cha như tiếng âm vang núi rừng reo vui. Đi thôi. Cuộc đời rộng dài phía trước. Cả đời cha chưa bước chân đi xa khỏi nơi này. Nhưng cuộc đời anh sẽ khác.

Trong lồng ngực rực cháy bao hy vọng dù anh không biết đặt tên cho những khát khao ấy. Nhưng đến hôm nay, giấc mơ năm xưa chỉ là ảo mộng. Đi qua bao tháng ngày sống cật lực để biết mình bất lực trước quá nhiều điều. Nhưng anh không muốn nói với cha về điều đó, sợ cha buồn.

Mấy năm nay không về, cha nghe nói những lớp áo xanh của rừng đang bị tước dần đi. Hay con thu xếp về một chuyến dài, cha con mình lại vào rừng, ra sông câu cá. Ngày trước nước sông xanh, soi xuống dòng thấy bóng cây rừng la lả cành lá như bắc nhịp cầu sang. Sông như đời vậy…

Giọng cha như trôi ngang qua vạt ký ức năm nào. Bùi ngùi. Dạ, từ từ con tính, công việc con bận quá, thật mệt. Mệt thì dừng lại nghỉ chân, như xưa vào rừng. Cha thấy lúc nào cũng để đầu óc chật chội suy tính như con còn đâu thời gian thảnh thơi nữa. Phải thương lấy thân mình chứ.

Giờ già rồi nghĩ lại cha thấy sống đâu có cần là bao. Cơm ăn áo mặc cũng bấy nhiêu thôi. Ngày xưa nghèo khó hơn chẳng phải cha con mình sống vẫn rất vui. Mọi thứ thay đổi quá nhanh đâu thể như xưa nữa. Những ký ức nghèo khó nhiều khi người ta không dám ngoảnh nhìn lại, muốn quên đi, còn cha cứ nhắc kể hoài tưởng nhớ. Để làm gì đâu. Mà thôi…

Vào ăn đi cha, con mua cháo rau má xay cha thích. Cha ngồi đó, lặng yên, không đáp lời. Từ góc ngồi ngược sáng, bóng cha đổ dài, đen thẫm, sao mênh mang thế. Có lẽ cha muốn được cùng anh chia sẻ. Còn anh không chắc mình hiểu thấu những nỗi niềm của cha…

Câu chuyện hồi tối cùng cha làm anh không sao ngủ được. Anh trở dậy ra ban công đứng châm thuốc, rít một hơi dài. Trong bóng đêm tĩnh lặng, thoảng nghe đâu đó chút hương nồng, vừa gần vừa xa.

Lặng một lúc anh mới nhận ra hương dâu da. Mùa hạ, những chùm hoa bừng nở trắng xốp tựa mây, có lần Duy đứng đây chỉ cho anh thấy cây dâu da trồng cuối góc sân chung cư.

Anh chợt nhớ ánh mắt Duy lấp lánh. Vừa khát cháy vừa mênh mang. Cũng một chiều mùa hạ, Duy đến thăm anh, hai người ngồi lại thật lâu ở quán cà phê tầng trệt. Duy bảo chẳng thể tìm được đâu một tấm áo cũ hơn khoác lên tòa chung cư này nữa. Sự cũ kỹ nhức nhối lòng.

Ngồi thật gần Duy, anh mới nhận ra Duy có vẻ đẹp kỳ lạ, trầm lặng và nền nã. Duy bảo tuần sau thì Duy đi. Duy là vậy, ít có sự lưng chừng. Mọi thứ ở đây không còn thuộc về Duy nữa, lâu nay chẳng viết thêm được gì. Lòng trống không. Có lẽ Duy đã đánh mất cảm xúc trong nhịp sống trôi nhanh quá.

Nếu phải vẽ một bức tranh về thành phố, Duy sẽ nghĩ về một bố cục xô lệch và rất nhiều gam màu đối nghịch nhau… Rồi Duy im lặng. Cả hai lặng lẽ khuấy mãi ly cà phê không đường. Nguội ngắt.

Anh ngập ngừng chạm khẽ vào bàn tay Duy như một cách muốn chia sẻ. Hoặc tỏ bày cảm xúc đang dâng tràn trong lòng không thể gọi tên. Thật khẽ, Duy dịch chuyển tay mình, Khương chẳng hiểu được đâu. Còn Khương thì sao, có thuộc về nơi này? Cuối cùng, thì Duy cũng đi. Hụt hẫng. Anh ở lại không thôi băn khoăn tìm một câu trả lời…

Cha nói muốn đến thăm một người bạn. Bác ấy là người bạn đầu tiên của cha khi ra thành phố này. Anh bảo hay để con đưa cha đến chỗ bác ấy. Bao giờ cha muốn về thì gọi điện con đến đón. Cha xua tay để cha đi một mình.

Chiều ấy, anh đợi mãi không thấy cha về. Giờ thì anh đang ngồi đây cùng cha, trong căn phòng nhiều mùi thuốc. Cha tỉnh dậy ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ bệnh viện bảo, hình như cha vừa đi qua một cơn mê nữa.

Cha lại thấy cả cánh rừng xanh thẳm… Anh lặng lẽ nắm chặt bàn tay cha gầy guộc, không sao đâu cha, mọi chuyện ổn rồi. Giờ cha thấy trong người thế nào? Con mua cháo rau má xay kìa, cha ăn ít nhé. Bác sĩ dặn phải nằm lại đây ít hôm cho khỏe hẳn. Cha chỉ gật đầu…

Đêm ở viện, thi thoảng cha lại trở mình, lặng nhìn bình dịch truyền rớt từng giọt, từng giọt, rất chậm. Rồi cha lại rón rén nằm xuống. Gần hai giờ sáng, anh cũng không ngủ được, chỉ nhắm mắt, mùi bệnh viện, mùi thuốc và những thứ mùi không thể gọi tên xộc vào mũi, vào các giác quan nôn nao.

Tiếng thở dài cha nén lại. Anh cảm tưởng như chạm được vào từng hơi thở, từng nhịp tim âu lo của cha. Và cứ thế nỗi buồn lan ra trong từng suy nghĩ của anh cho đến khi mí mắt nằng nặng bắt đầu sụp xuống.

Anh chạy mãi, chạy mãi trên một con đường dốc. Bất chợt mưa lay phay thả xuống những màn trắng mờ ảo như sương. Qua lớp sương mưa, qua một khúc quanh, đột ngột hiện ra rừng cây xanh và những bụi dây leo đan quấn chặt vào nhau thành lớp lớp. Những dòng người hối hả, những tòa cao ốc, khói, bụi, ồn ã, tan biến mất chỉ còn tiếng gió, tiếng nước chảy, tiếng gọi bầy của loài chim lành ăn hạt cỏ cây…

Cha ngồi bên bờ sông, thong thả buông cần, khuôn mặt vô ưu. Anh giật mình tỉnh giấc, nhìn sang bên cha đang ngủ, hẳn cha mệt quá. Bước đầu bác sĩ chẩn đoán cha anh đang mắc chứng bệnh rối loạn lo âu. Bữa qua, đang đi trên đường bất ngờ cha thấy mọi thứ tối sầm lại, ngã xuống.

Anh ngồi thừ, suy nghĩ. Rồi anh hình dung đến cảnh hai cha con về đến cổng nhà, bóng những bông hoa trứng cá thật bình dị và nhẹ nhõm thả lên vòm lá xanh ngắt như một trời ấu thơ.

Anh nhẹ tay tháo vòng thép buộc sơ sài cổng nhà đã mở. Cỏ trong vườn tốt um, cây mít lớn cao chạm vào nóc bếp và rêu dày thẫm trên sân lâu ngày không ai cạo trảy… Tất cả thật thân thuộc. Một hình dung rõ nét. Anh cùng cha sẽ chất đầy củi vào khoang bếp trống. Những đốm lửa sẽ sáng bừng trong căn bếp nhỏ mỗi sớm hôm. Đúng rồi, mảnh đất này mới là cuộc đời của cha.

Theo THÁI HIỀN (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...