Nỗi lo sạt lở mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, tình trạng sạt lở đất trên dọc sông Đăk Bla xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, công trình cơ sở hạ tầng giao thông và đời sống của người dân. Và vào mùa mưa lũ, người dân lại càng thêm nỗi lo về sạt lở.
Đi dọc hai bên bờ sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông. Nhiều điểm sạt lở loang lổ vào gần khu nhà ở, diện tích đất sản xuất, đất nông nghiệp của người dân. Tại thôn Kon Jreh (xã Đăk Blà), anh A Tâm (40 tuổi) cho biết, gia đình anh đã mất cả chục mét đất vì tình trạng sạt lở bờ sông. Sau nhiều năm và sau mỗi mùa mưa bão, phần đất phía sau nhà anh ở sát dòng sông Đăk Bla ngày càng bị thu hẹp. Lòng sông thì ngày càng rộng thêm. Tình trạng sạt lở khiến phần đất nhà anh Tâm cao hơn lòng sông đến hơn 5m.
Anh A Tâm cho biết: Ngày xưa, bên ngoài khu đất nhà tôi còn có một con đường sát bờ sông, đó là lối đi vào khu sản xuất của bà con trong làng. Thế nhưng, sau mùa mưa lũ, mỗi năm bờ sông lại sạt lở một ít và đến nay, con đường sát bờ sông đã không còn. Trước đây, đất nhà tôi cách con đường ấy cũng phải hơn 10 mét, vậy mà, giờ đây mảnh đất nhà tôi cũng bị dòng sông lấn vào gần cả chục mét.

Cống tràn vào làng Kon Drei, xã Đăk Blà bị hư hỏng nặng. Ảnh: P.N
Cống tràn vào làng Kon Drei, xã Đăk Blà bị hư hỏng nặng. Ảnh: P.N
“Trước đây, phía sau nhà tôi và nhiều hộ dân khác đều đã trồng tre sát bờ sông để chống sạt lở nhưng chỉ sau vài trận mưa lũ mấy bụi tre cũng bị cuốn trôi. Mùa mưa lũ ngày càng phức tạp, nên mình lo vài năm nữa, tình trạng sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Về lâu dài sẽ sạt lở vào đến khu vực nhà tôi đang ở” - anh Tâm lo lắng.
Cũng tại xã Đăk Blà, con đường vào thôn Kon Drei (nơi có hơn 200 hộ dân đang sinh sống) phải đi qua 2 con suối lớn chảy ra sông Đăk Bla thường xuyên bị ngập vào mùa mưa lũ, vì vậy, để phục vụ việc đi lại của người dân, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng 2 cống tràn qua suối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, cùng với tình trạng sạt lở của bờ sông Đăk Bla khiến 2 cống tràn này bị hư hỏng nghiêm trọng. Chân khay, tường cánh, sân cống của 2 cống tràn thôn Kon Drei đã bị sập hoàn toàn, làm xói lở sâu vào thân cống khoảng 1,5 mét.
Ông A Nik (49 tuổi, thôn Kon Drei, xã Đăk Bla) cho biết, hàng ngày, ông và hàng trăm người dân phải đi qua hai cống tràn này nhiều lần để đến trung tâm xã. Nhưng việc cống tràn bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông khiến ông và người dân trong làng vô cùng lo lắng, nhất là khi mùa mưa lũ năm 2021 đang ở thời kỳ cao điểm.

Nhiều điểm sạt lở dọc sông Đăk Bla qua thành phố Kon Tum. Ảnh: PN
Nhiều điểm sạt lở dọc sông Đăk Bla qua thành phố Kon Tum. Ảnh: PN
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Lê Văn- Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla trên địa bàn xã chủ yếu ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, cây trồng của một số hộ dân ở thôn Kon Drei và Kon Jreh. Do mỗi năm sạt lở một ít nên không thống kê được diện tích bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mưa lũ đã khiến 2 cống tràn vào làng Kon Drei bị sạt lở hư hỏng nghiêm trọng. Xã đã kiểm tra, đề nghị thành phố sửa chữa, khắc phục để đảm bảo đi lại của người dân được an toàn.
Tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla không chỉ xảy ra tại địa bàn xã Đăk Blà mà còn xảy ra tại nhiều địa bàn khác. Qua kiểm tra, thống kê của UBND thành phố Kon Tum, trên địa bàn có hàng trăm người dân bị ảnh hưởng sạt lở và nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất dọc sông Đăk Bla, nhiều nhất là ở các xã Vinh Quang, Đăk Rơ Wa, Đăk Năng và phường Nguyễn Trãi…Đơn cử, như các hộ dân gần cầu Đăk Tơ Reh (gần Nhà máy đường, xã Vinh Quang); các hộ dân dọc sông Đăk Bla ở thôn Kon Klor 2 và tuyến đường vào thôn Kon Jơ Ri, Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa) và những hộ dân ở khu vực nhà thờ Phương Nghĩa dọc bờ sông Đăk Bla…nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ.
Trước tình trạng sạt lở và nỗi lo của người dân, hiện nay, thành phố Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị chức năng cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời thông báo cho nhân dân trong khu vực biết để phòng, tránh. Thành phố Kon Tum cũng đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục.
Phúc Nguyên (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.