Nỗi lo bệnh dại mùa nắng nóng ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar tình trạng người dân bị chó, mèo mắc bệnh dại tấn công, cắn người diễn ra phổ biến, có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang trong cộng đồng.
 
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cư M'gar đã có 10 trường hợp bị bệnh dại vì bị chó, mèo, vật nuôi cắn vào người. Ảnh: T.D
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cư M'gar đã có 10 trường hợp bị bệnh dại vì bị chó, mèo, vật nuôi cắn vào người. Ảnh: T.D
Nhiều người bị chó dại cắn
Chị H’Oai Niê, ở xã Ea Drơng vừa bị chó nhà nuôi cắn vào tay. Sau khi bị chó cắn, chị H'Oai để ý thấy 4 ngày sau thì chó có biểu hiện bỏ ăn, nôn, mửa, rất hung dữ.
Ngoài ra, chú chó của chị H'Oai còn có biểu hiện lạ thường như rượt đuổi gà, cắn người. "Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy chó của gia đình bị mắc bệnh dại”, chị H'Oai cho biết.
Tương tự, gia đình chị Dương Thị Tuyết Trâm, ở xã Quảng tiến vừa xin được một con chó về nuôi. Trong lúc chơi đùa, con gái chị Trâm đã bị chó cắn vào chân gây xây xước da, chảy máu.
Ngay khi bị chó cắn, gia đình đã rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch cho cháu. Ngoài ra, chị Trâm còn đưa con đi chích ngừa kháng dại và báo cho chính quyền địa phương biết về sự việc. "Kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy con chó của gia đình chị Trâm dương tính với vi rút bệnh dại" - chị Trâm khẳng định.
Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có khoảng 20.000 – 22.000 con chó, mèo được nuôi trong các gia đình.
Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiêm vaccine phòng bệnh dại nhưng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại vẫn đạt tỷ lệ khá thấp, đạt khoảng 20-22%. Nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, với tỷ lệ tiêm phòng này thì chưa đạt ngưỡng khống chế. Khi tỷ lệ tiêm phòng thấp, tình trạng thả rông còn phổ biến nên dẫn đến nguy cơ súc vật tấn công và gây hại cho con người.
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện Cư M'gar phát hiện 5 ổ bệnh dại trên đàn chó ở 4 xã. Hiện có 10 trường hợp bị chó dại cắn, cao gấp đôi so với cả năm 2021. Trong đó, có 9 trường hợp phải đến các sơ sở y tế để khám, điều trị bệnh dại.
Trong đó, có một số trường hợp bị chó dại chạy rông cắn phải, không xác định được nguồn gốc. Điều này cho thấy, virus dại đã và đang tồn tại và lưu hành trên động vật, nguy cơ rất lớn đối với cộng đồng.
Nạn nhân bị chó dại cắn đa phần là trẻ em và người già ở khu vực nông thôn. Rất may, tất cả các trường hợp bị chó dại cắn chưa có ai tử vong.
Không chủ quan với bệnh dại 
Chó, mèo được xem là thú cưng được nhiều gia đình. Tuy nhiên, một khi đã mắc bệnh dại thì kể cả chủ nhà cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng. 
Ông Nguyễn Quang Đức – Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar cho biết, nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại còn hạn chế là do người nuôi chó, mèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức được đầy đủ và sự cần thiết.
"Nhiều gia đình chưa tự giác đăng ký, khai báo với chính quyền địa phương hoặc do nuôi quá nhiều nên không có kinh phí để tiêm cho cả đàn. Ngoài ra, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông còn khá phổ biến, khi gia đình muốn tiêm thì không bắt được”, ông Đức phân tích.
Theo ông Đức, những năm gần đây, hầu như năm nào cũng có trường hợp bị chó dại cắn. Hàng năm, đơn vị kết hợp giám sát liên ngành. Qua giám sát bệnh dại, lấy mẫu 1 số đầu chó ở các cơ sở qua bán thịt gửi đi xét nghiêm thì có một số mẫu dương tính. Như vậy, virus bệnh dại có lưu hành ở trong cộng đồng.
Theo cơ quan chuyên môn, hiện nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người nhiễm virus bệnh dại khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong.
Do đó, cách đề phòng bệnh dại tốt nhất vẫn là tuân thủ việc tiêm phòng vaccine dại cho súc vật, nuôi nhốt cẩn thận, không nên thả rông. Mọi sự chủ quan có thể trả giá bằng tính mạng con người.
Theo Trung Dũng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm