(GLO)- Cây nối cây rợp một màu xanh dọc con đường vào Bảo tàng tỉnh. Không gian thoảng hương thơm thanh khiết tỏa ra từ những búp sen hồng. Nơi trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh thức tình cảm thiêng liêng trong trái tim mỗi người dành cho Bác ngay từ lối vào như vậy.
Đầu năm 2019, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất vào Bảo tàng tỉnh với tên gọi chung là Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Hàng ngàn tư liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được trưng bày trang trọng tại tòa nhà cũ. Đó là công trình được xây dựng cách đây gần 40 năm, khánh thành vào đúng ngày sinh của Bác (19-5-1984). Đến nay, nơi trưng bày vẫn giữ nguyên giá trị, kiến trúc hài hòa, nhiều cây xanh. Đây không chỉ là nơi lan tỏa các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác.
Lan tỏa giá trị thiêng liêng
Sau nhiều lần cải tạo lại các tổ hợp không gian hình tượng, các mảng trưng bày và tiến hành điều chỉnh bổ sung tài liệu, hiện vật, đến nay, không gian Bảo tàng mang đến cảm giác trang trọng nhưng cũng rất gần gũi với mọi người. Nơi đây đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, gồm đủ các lứa tuổi, thành phần, dân tộc, tôn giáo đến dâng hương, báo công, tham quan, học tập. Cuốn sổ lưu niệm ngày càng dày những dòng cảm xúc bày tỏ sự xúc động, lòng yêu kính Bác cũng như cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác bảo tàng.
Các em thiếu nhi đến Bảo tàng dâng hương, báo công với Bác. Ảnh: Nguyễn Anh Minh |
Anh Nguyễn Anh Minh-tuyên truyền viên, phụ trách công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật-cho biết: “Hiện nay, khi cả nước đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lượng khách đến với Bảo tàng để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người cũng nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới trưng bày, triển lãm, hướng dẫn, thuyết minh, nói chuyện chuyên đề… để Bảo tàng thực sự trở thành nơi lan tỏa các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, nhân viên Bảo tàng còn chăm chút cho nơi này bằng tình cảm đặc biệt. Trở thành tuyên truyền viên chính tại Bảo tàng từ năm 2006, chị Ngô Thị Thu Quyên không nhớ hết đã đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh cho bao nhiêu đoàn khách về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, song điều đọng lại luôn là niềm xúc động dâng trào mỗi khi nói về Người. Chị chia sẻ: “Để phục vụ công việc, tôi đọc thêm rất nhiều sách báo, xem những thước phim tư liệu để được “gặp” Bác bằng xương bằng thịt, để có thêm những chi tiết hấp dẫn, đồng thời nuôi dưỡng cảm xúc nhằm “thổi hồn” cho những bài hướng dẫn, thuyết minh. Sau từng ấy năm gắn bó, vậy mà nhiều khi thuyết minh cho khách về hiện vật nào đó gắn với những câu chuyện về Bác, tôi vẫn không kìm nén được cảm xúc, không ít lần đang nói phải dừng lại vì xúc động. Tôi cũng chứng kiến không ít đoàn khách xúc động mạnh trước những hiện vật, những câu chuyện về Người”.
Bác trong lòng dân
Hiện Bảo tàng có trên 10 ngàn tư liệu, hiện vật được trưng bày theo 8 mảng chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có 4 hiện vật tiêu biểu được trưng bày ở vị trí trung tâm gồm: tượng Bác Hồ toàn thân bằng gỗ hương của nhà điêu khắc Đinh Thanh Hoàn; thư Bác Hồ gửi các dân tộc Tây Nguyên điêu khắc trên gỗ hương nguyên tấm; bản Di chúc của Bác do nhà điêu khắc Trịnh Tấn Thời thực hiện trên gỗ lồng mức; tượng Bác Hồ bằng đồng-hiện vật “độc nhất vô nhị” được chi bộ E3 (nay là xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) tặng lại cho Bảo tàng. Đây đều là những hiện vật quý giá, gắn với những câu chuyện xúc động, khẳng định Người luôn sống trong lòng dân Tây Nguyên.
Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng đã bổ sung 3 hiện vật giá trị khác, đó là tượng Bác đang ngồi đọc báo Nhân Dân bằng gỗ hương, một tượng Bác Hồ và một tượng Lênin bằng đồng. Anh Minh kể rằng, mỗi hiện vật sưu tầm được đều gắn liền với một câu chuyện xúc động. “Bức tượng Bác ngồi đọc báo do anh Biên, một người dân tộc Bahnar ở làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) tạc bằng gỗ hương. Anh Biên đã quyết định tặng cho Bảo tàng để có thêm nhiều người được chiêm ngắm tác phẩm này, từ đó lan tỏa hơn nữa những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống”-anh Minh cho hay.
Cũng theo anh Minh, gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác bằng trách nhiệm và lòng kính yêu vô hạn dành cho vị cha già của dân tộc. Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng thêm nhiều nội dung, trong đó đang triển khai xây dựng tổ hợp hiện vật, tranh ảnh, tư liệu có chủ đề “Tình dân với Bác”. Cũng bởi, Bác luôn sống trong lòng dân và mỗi người dân đều có tình cảm riêng, cách thức riêng thể hiện tình cảm thiêng liêng của mình dành cho Người. Và Bảo tàng sẽ luôn là nơi trân trọng lưu giữ những tình cảm thiêng liêng ấy.
MINH CHÂU