Nỗi buồn sau tục "bắt chồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu như nhiều năm trước, các sơn nữ người Jrai “bắt chồng” chỉ bị thách cưới con bò, con heo, hoặc cái vòng, đôi áo quần thổ cẩm… thì nay bị thách cưới hàng chục triệu đồng.

Để “bắt chồng” cho con, nhiều gia đình chấp nhận đi vay nóng, nhiều năm liền không trả thì bị chủ nợ đến đòi, dọa xiết nợ. Có trường hợp do quá nghèo, nhiều thôn nữ không đáp ứng đủ lễ vật thách cưới của nhà trai nên để tuột mất chồng, hoặc chấp nhận cuộc sống độc thân suốt đời.

Vay nóng để “bắt chồng” cho con

Căn nhà của bà Kpă H’krunh (buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai) nằm một góc sâu trong con hẻm ở buôn. Giữa trưa nắng như đổ lửa, khi nhiều người trong buôn ăn cơm, nghỉ ngơi thì bà H’krunh lủi thủi cắt cỏ ngoài đồng. Nghe tiếng bò kêu trong chuồng, bà H’krunh chạy thục mạng về kiểm tra. Thấy chúng tôi, bà hất hàm hỏi: “Đến đây làm gì?”. Nghe tiếng người lạ, con gái của H’krunh từ trong nhà bước ra và tươi cười nhận người quen. Bà H’krunh thấy thế vội thở phào nhẹ nhõm: “Thế mà cứ tưởng bắt bò chứ”.  “Cứ tưởng” mà bà H’krunh nói là tưởng người ta đến xiết bò nhằm trừ bớt khoản nợ bà đã vay của một đại lý thu mua mì chỉ để “bắt chồng” cho con. Việc này diễn ra vào tháng 4-2015, con gái bà là Kpă Hpoal (20 tuổi) có quen với chàng trai Rchăm Ypu (26 tuổi, huyện Sơn Hòa, Phú Yên). Rồi một ngày, Hpoal đưa bạn trai về nhà ra mắt. “Nhìn bên ngoài thì thấy cậu ta cũng cao ráo, ăn nói lễ phép. Mình cũng thấy ưng”, bà H’krunh kể. Cũng trong buổi gặp mặt, Ypu nói với vợ chồng bà H’krunh rằng: “Con yêu Hpoal mất rồi. Con muốn lập gia đình với Hpoal”. Nghe xong, bà H’krunh đưa mắt nhìn sang con gái như để hỏi ý. Đáp lại, Hpoal nhìn mẹ, rồi gật đầu đồng ý.

Mấy ngày sau, gia đình bà H’krunh nhờ ông mai lặn lội sang tận nhà trai để đặt vấn đề cưới xin. “Nhà trai họ thách cưới gần 35 triệu đồng. Nghe xong mà bàng hoàng vì gia đình 5-6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào 8 sào đất mì, 8 con dê và 2 con bò (nhận nuôi bò của người ta, khi bò đẻ thì chia người nuôi 1 con, chủ bò 1 con), nhiều lúc còn không đủ ăn. Thương con, mình quyết định đến đại lý thu mua mì vay nóng 30 triệu đồng để lấy tiền đóng lễ. Đến giờ, số tiền gốc chưa trả được, gia đình còn gánh thêm khoản tiền lãi hơn cả tiền gốc. Chủ nợ đã hai lần gọi đòi, thậm chí còn dọa xiết bò cấn nợ. Thú thật bây giờ trong nhà không có gì để trả, cũng không biết lúc nào mới trả được”-bà H’krunh buồn rầu nói tiếp.

Cách nhà bà H’krunh 500 mét, vợ chồng bà Nay H’y (buôn Thim, xã Phú Cần) cũng đang “nai lưng” ra trả lãi hàng tháng cho khoản vay 60 triệu đồng mà gia đình đã vay để “bắt chồng” cho cô con gái Nay Du (22 tuổi). “Gia đình mình “bắt chồng” cho nó vào năm ngoái. Hồi ấy nhà trai thách cưới 60 triệu đồng cùng 1 con bò và 1 con heo. Họ thách cao vì nghĩ con họ là giáo viên. Mà thách càng cao thì gia đình mình càng khổ. Do nhà không có tiền nên ngậm ngùi đi vay, hàng năm trả bằng củ mì. Bây giờ riêng việc trả tiền lãi cũng đủ mệt rồi, còn tiền gốc cứ để đấy. Hiện mình còn 3 cô con gái chưa có chồng. Nếu sau này bắt chồng mà bị thách cưới cao nữa thì không biết phải lấy tiền đâu đây”-bà Nay H’y nói.

Không dám bắt chồng vì quá nghèo

Nhiều hộ có tài sản để gán vay tiền “bắt chồng” đã đành, có trường hợp gia đình quá nghèo, các cô gái không dám nghĩ đến chuyện hạnh phúc cá nhân. Bốn chị em nhà Rơ Ô H’plút (49 tuổi, buôn Blắk, xã Ia Rmốk, huyện Krông Pa) mồ côi bố mẹ từ nhiều năm trước. Từ lúc bố mẹ mất, họ sống tự lập trong căn nhà ngay đầu buôn, hàng ngày dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn.

Theo thời gian, lần lượt cậu em trai và cô em gái út lập gia đình. Riêng hai chị đầu là Rơ Ô H’plút và Rơ Ô H’choét (30 tuổi) vẫn chưa “bắt” được chồng.  Hiện Rơ Ô H’plút và Rơ Ô H’choét sống với vợ chồng em gái út Rơ Ô H’chruêng. Có mặt tại nhà vào lúc trời tối mịt, Rơ Ô H’plút và Rơ Ô H’choét mới trên rẫy về sau một ngày nhổ mì thuê đầy cực nhọc. Vừa đến nhà, Rơ Ô H’plút nhảy vào ôm con gái của cô em út rồi liên tục hôn vào má. “Cả ngày đi làm mà cứ nhớ cháu. Mình thương nó quá đi mất”, Rơ Ô H’plút giải thích. Hỏi sao không lấy chồng để sinh em bé, Rơ Ô H’plút ấp úng một hồi rồi quay sang nói: “Mình nghèo thế cơ mà…”.

 

 Do quá nghèo nên hai chị em Rơ Ô H’plút không dám “bắt chồng”.
Do quá nghèo nên hai chị em Rơ Ô H’plút không dám “bắt chồng”.


Theo Rơ Ô H’plút, nhiều năm trước, chị cũng có thích một người đàn ông.  “Thích nhưng không dám nói với người ta và càng không dám bắt về làm chồng. Mình quá nghèo. Bò, heo không có, đất sản xuất cũng ít thì làm sao mà bắt chồng. Nếu hồi đó mình có trâu, bò, của cải thì cũng sẽ bắt người đó về làm chồng đấy. Đằng này không có gì thì thôi vậy. Mình sống đơn thân đã đành. Bây giờ thấy con Rơ Ô H’choét đã lớn tuổi nhưng chưa có gì thì càng buồn nữa. Mình sợ nó cũng giống mình sẽ không bắt được chồng. Nó cũng ngại chuyện nghèo”-Rơ Ô H’plút nói.

Trong khi đó, chuyện chị Ksor H’sướt (27 tuổi, thôn Blắk, xã Ia Rmốk) bắt hụt chồng vì bị thách cưới quá cao, được người dân nhắc đến như một sự nuối tiếc cho một mối tình tan vỡ vì sự biến tướng của tập tục. Bốn năm trước, H’Sướt có quen Nay Trung (buôn Djông, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa). Sau nhiều lần hẹn hò, H’Sướt đưa Trung về nhà ra mắt gia đình: “Trung nói yêu em và muốn nên duyên với em. Em cũng mến và ưng cái bụng Trung. Mẹ em thương nên cũng đồng ý. Trung về nhà em ở lại.  Rồi em có thai. Gia đình em nhờ ông mai qua nhà Trung đặt vấn đề bắt Trung về làm chồng. Oái ăm là nhà trai thách cưới 60 triệu đồng, 6 con bò cùng quần áo thổ cẩm chất cao từ sàn đến nóc nhà… Nghe thách cưới, gia đình em phát hoảng. Nhà em làm quần quật may ra chỉ đủ ăn thì lấy đâu tiền, bò mà nộp. Mẹ em khóc, nói dù thương nhưng nhà nghèo không biết lấy tiền đâu. Em cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên không trách, chỉ biết tựa vào mẹ khóc”, H’sướt kể lại. Cũng ý thức việc không đủ tiền bắt chồng, H’sướt quyết định từ bỏ mối tình của mình. “Giờ mình sống với mẹ. Hàng ngày đi làm thuê lấy tiền nuôi con. Chồng hụt mình bây giờ đã bị cô gái khác bắt làm chồng rồi. Anh ta giờ đã có cuộc sống riêng, cũng chẳng hỏi han đến hai mẹ con mình nữa”-H’sướt kể.

Dắt dân bước qua luật tục

Theo ông Alê Drơng-Trưởng thôn Blăk, xã Ia Rmốk, tục “bắt chồng” của người Jrai của ông đang có sự lạc hậu, biến tướng. Nhiều năm trước, nhà trai chỉ thách cưới con bò hoặc vòng tay, áo thổ cẩm thì nay họ thách cưới cao bằng tiền mặt với hàng chục triệu đồng. Người dân trong buôn vốn nghèo khó, bị thách cưới cao thì buộc phải đi vay mượn, cuộc sống nghèo càng thêm nghèo. “Trong các cuộc họp của thôn, tôi hay nói với già làng rằng làm sao tuyên truyền cho người dân hiểu tục bắt chồng là nét văn hóa, đừng để biến tướng. Người dân thách cưới trong chừng mực, phù hợp với khả năng của nhà gái. Đừng để thách cưới cao mà làm khó dễ nhà gái, trở thành rào cản ngăn cách tình cảm lứa đôi”-ông Alê Drơng nói.

 

Do không có tiền, chị Ksor H’sướt chấp nhận không bắt chồng, một mình nuôi con
Do không có tiền, chị Ksor H’sướt chấp nhận không bắt chồng, một mình nuôi con


Già Nay Ge (70 tuổi, già làng ở thôn Blắk, xã Ia Rmốk) cho biết, già đã làm “ông mai” cho hơn 500 cặp, trong đó có khoảng 10% không nên duyên đôi lứa chỉ vì nhà trai thách cưới quá cao. “Chứng kiến những đôi trai gái mến nhau mà chia lìa đôi ngả thì già cũng buồn và đau cái đầu. Già đêm hôm trăn trở làm sao để dân làng hiểu việc thách cưới quá cao là sự biến tướng tục bắt chồng, gây nhiều hệ lụy buồn. Cũng vì nghĩ thế nên lúc rảnh rỗi, già một mình xuống làng trực tiếp gặp dân để khuyên nhủ, tuyên truyền cho họ hiểu. Đáng mừng là sau những buổi tuyên truyền, ý thức của dân làng đã có sự thay đổi”-già Nay Ge kể.

Sự thay đổi mà già Nay Ge nói là có nhiều gia đình đồng ý hạ lễ vật thách cưới của mình. “Già nhớ nhất là năm 2015, một cô gái ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa) qua thôn Blắk bắt chồng tên Ksor Âm. Hồi ấy nhà trai thách cưới 10 triệu đồng. Nhà gái không có tiền, nên nhờ già qua giải thích, xin hạ tiền thách cưới. Suốt một đêm, già đến nhà trai rồi cùng thức, tâm sự với họ. Già nói cha mẹ thương con thì tạo điều kiện cho con nên duyên vợ chồng. Thách cưới cao chỉ gây cản trở cho con cái kiếm tìm hạnh phúc… Già còn dẫn những câu chuyện thời xưa, người trong buôn nghèo khó, nhưng khi đi bắt chồng chỉ tốn cái vòng, bộ áo quần. Nếu thời đó người ta thách cao như bây giờ thì con gái cả buôn ế chồng mất. Nghe già phân tích, nhà trai họ hiểu và giảm thách cưới từ 10 triệu đồng xuống còn 3 triệu đồng. Nhà gái hay tin rất mừng, đến cảm ơn già rối rít. Họ nói nhờ già mà con họ “bắt” được chồng. Ngoài trường hợp này, trong cuộc đời của già, khoảng 50 cặp đôi mà già làm ông mai đã thuyết phục giảm tiền cưới xuống, giúp các đôi trai gái đến được với nhau. Chứng kiến sự thay đổi trong nét suy nghĩ của người dân, già rất mừng. Thời gian tới, già sẽ tiếp tục đi vận động để làm cho tục “bắt chồng”  không bị biến tướng nữa.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.