Nỗ lực làm giàu của người phụ nữ Mông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa: không đất đai, không tiền bạc, thậm chí chẳng có lấy một con chữ lận lưng… nhưng sau 14 năm không quản ngại khó khăn, gian khó, chị đã tự hào đứng trong đội ngũ những phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi toàn tỉnh.

Người mà chúng tôi đang nói đến là chị Phùng Thị Dí-người dân tộc Mông, ở làng Ghép (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ).
 

Chị Phùng Thị Dí. Ảnh: Phương Dung
Chị Phùng Thị Dí. Ảnh: Phương Dung

Rời quê hương Cao Bằng, gia đình chị vào Gia Lai lập nghiệp những mong cuộc sống sẽ cải thiện hơn, con cái sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng, không đất canh tác, không vốn liếng trong tay, nhà cửa thì tạm bợ, 5 miệng ăn cứ thế sống trầy trật, bữa đói, bữa no qua ngày. Mặc dù được một người bà con giúp đỡ, nhưng phương thức canh tác lạc hậu, đã thế chị lại chẳng biết chữ nên loay hoay mãi gia đình chị vẫn chẳng thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong xã. Và rồi, không cam chịu cái nghèo, chị quyết tâm phải phát triển kinh tế gia đình, nhưng trước hết phải xóa mù chữ, bởi chỉ khi biết chữ thì chị mới có thể tiếp cận được vốn vay cũng như khoa học kỹ thuật… Đầu tiên, chị đăng ký lớp học xóa mù cấp tốc, rồi chị lại mạnh dạn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn tại xã… nhờ đó chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân.

Không dừng lại ở đó, chị bàn với chồng làm đơn xin vay vốn ngân hàng với số tiền 5 triệu đồng cộng với số vốn ít ỏi gia đình dành dụm được trong quá trình làm thuê, làm mướn để canh tác lúa, mì trên diện tích 2 sào đất được anh em, họ hàng cho mượn. Thời gian rảnh, hai vợ chồng chị lại tranh thủ làm thuê, làm mướn để “lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời chị cũng “phát động” thực hiện tiết kiệm tối đa trong chi tiêu tới từng thành viên trong gia đình để tạo nguồn vốn sản xuất. Chị bảo: Càng nghèo thì càng phải tiết kiệm để tích lũy dần nguồn vốn trong quá trình lao động sản xuất. Hơn thế, muốn sản xuất hiệu quả thì phải có phương án sản xuất thích hợp, lựa chọn mô hình phù hợp… Nhờ đó, chỉ sau ba năm vào đất Gia Lai lập nghiệp, gia đình chị đã thoát khỏi cảnh bữa đói, bữa no và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Mặt khác, khi đã tích lũy được một số vốn kha khá, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi thêm trâu, bò sinh sản rồi dùng sức kéo của trâu để đi cày thuê kiếm thêm thu nhập; còn khi bò sinh sản gia đình chị bán bớt đi để đầu tư mua thêm đất sản xuất…

Có đất, chị lại mày mò tìm mô hình trồng trọt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và rồi chị chọn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất vào trồng 1 ha mì, 1 ha mía, 5 sào bắp lai, 5 sào lúa nước hai vụ… Vốn là con nhà nông nên chị hiểu đất sản xuất là nguồn tài sản vô giá, vì vậy khi có đất, ngày ngày chị không quản ngại nắng mưa, luôn có mặt trên nương rẫy từ sáng đến tối với mong muốn có “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đất đã không phụ người, chị vừa áp dụng giống mới, vừa đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cộng với chăm sóc cây trồng đúng chu kỳ nên các loại cây trồng trên diện tích của gia đình đã cho năng suất cao. Kinh tế nhờ đó cũng ổn định, gia đình chị đã sắm được những vật dụng có giá trị trong gia đình và nuôi dạy các con ăn học, lập gia đình và cho chúng ra ở riêng… Hiện nay, gia đình chị có gần 3 ha đất ruộng, rẫy, 3 con bò… mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Đặc biệt, chị Dí còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để chị em phụ nữ trong chi hội vượt khó, hăng say lao động. Có lẽ, chị đã từng trải qua những tháng ngày cơ cực nên chị rất thông cảm với những chị em có cùng hoàn cảnh và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ về giống, vốn, phân bón, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi… Những năm qua, gia đình chị đã giúp cho 4 chị hội viên nghèo với số tiền 15 triệu đồng, 1 con trâu giống, 1 con bò giống và nhiều ngày công lao động… Trong số các chị được chị Dí giúp đỡ đã có hai chị có hoàn cảnh khó khăn là: Hoàng Thị Sào, Hoàng Thị Sô đã thoát nghèo bền vững, kinh tế ổn định.

So với nhiều người phụ nữ khác, chị Dí chưa phải là người làm kinh tế giỏi nhất, song chị lại là tấm gương điển hình cho những phụ nữ người dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, vượt khó, làm giàu.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm