(GLO)- Nhiều loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đang ngày càng suy giảm mạnh, trong khi công tác cứu hộ, bảo tồn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm.
Một cá thể khỉ lông vàng được người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Ảnh: N.D |
Vài năm trở lại đây, khi Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) được thành lập đã tiếp nhận cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể có nguồn gốc động vật hoang dã như: mèo rừng, rùa đất, rắn ráo, khỉ lông vàng, khỉ đuôi lợn… Các cá thể động vật này phần lớn bị cơ quan chức năng tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật hoặc người dân tự nguyện giao nộp để thả chúng về sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Ông Trần Văn Thụ-Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh), cho hay: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hệ động-thực vật khá phong phú và đa dạng. Đặc hữu của Vườn là loài voọc chà vá chân xám, còn khỉ thì rất nhiều và đa dạng như khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn… Những năm qua, cùng với việc bảo tồn, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp để cứu hộ, tái thả chúng về với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều cá thể động vật có nguồn gốc hoang dã do các Hạt Kiểm lâm và các Đội Kiểm lâm Cơ động bắt giữ trong các vụ vi phạm bàn giao lại. Để đảm bảo môi trường sống mới cho các loài này, trước hết chúng tôi phải tổ chức cứu hộ, nuôi dưỡng một thời gian, sau đó mới tái thả về môi trường tự nhiên vì phần lớn đều nuôi nhốt lâu năm bằng nguồn thức ăn sẵn. Vì vậy, nếu thả sớm, chúng sẽ khó tìm được nguồn thức ăn như khi nuôi nhốt.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Tuyến (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) đã tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê một cá thể khỉ lông vàng có nguồn gốc từ động vật hoang dã do ông mua của một người dân tộc thiểu số tại xã Chư Pơng. Sau 7 năm nuôi dưỡng, đến nay, con khỉ này nặng 6 kg. Dù được một số người hỏi mua nhưng ông không bán mà giao nộp lại cho cơ quan chức năng để cứu hộ rồi thả về với môi trường tự nhiên. Sau khi tiếp nhận, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã tổ chức bàn giao cho Trung tâm để cứu hộ và bảo tồn, tái thả vào môi trường tự nhiên.
Cũng theo ông Thụ, khó khăn hiện nay là khi tiếp nhận các loài động vật có nguồn gốc hoang dã, Trung tâm phải huấn luyện trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là công việc đòi hỏi phải có thời gian và phải nắm được đặc điểm sinh học của từng loài, nhất là loài voọc chà vá và khỉ. Sau đó, Trung tâm mới phối hợp cùng chính quyền địa phương tái thả vào rừng tự nhiên để chúng sinh sống. Đặc biệt, cứu hộ các loài linh trưởng nhỏ phải mất cả năm, nhất là loài voọc chà vá và khỉ phải nuôi đến lớn mới cho tiếp cận môi trường tự nhiên rồi mới thả vào rừng. Công tác bảo tồn hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, dụng cụ cứu hộ…
Vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 2496/ UBND-NL về việc xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, đặc biệt là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng chủ động xây dựng thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng hiện có phân bổ trong vùng quản lý của Vườn và Khu Bảo tồn. Ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, cho biết: Sau khi có công văn của UBND tỉnh, Vườn đang tập trung nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để bảo tồn các loài linh trưởng hiện có một cách tốt nhất. Trong thời gian tới, Vườn sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân biết cần phải bảo tồn đa dạng các loài động-thực vật, tạo môi trường sống cho chúng ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Diệp