Niềm tự hào của làng Châm Anẻl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Djel (làng Châm Anẻl, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) vẫn cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Không phụ lòng cha mẹ, 4 người con của ông đều học hành giỏi giang, trở thành niềm tự hào của gia đình và dòng tộc.

 
 Ông Djel ý thức rõ việc phải cho con cái học hành nên người. Ảnh: P.V
Ông Djel ý thức rõ việc phải cho con cái học hành nên người. Ảnh: P.V

Ông Djel tâm sự: “Ngày trước, khi mình còn nhỏ, việc đi học vất vả lắm. Mỗi ngày, mình phải đi bộ từ làng băng qua rừng, lội suối tới xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) để học chữ. Mỗi lần đi như thế mất cả hơn tiếng đồng hồ. Học được đến lớp 8 thì mình phải nghỉ vì điều kiện gia đình quá khó khăn. Sau khi có điều kiện hơn, mình đã đi học bổ túc văn hóa lớp 9. Đi làm rồi mình mới thấy việc học rất quan trọng. Vì thế, mình quyết tâm phải cho các con ăn học đàng hoàng”.

Trong 4 người con của ông Djel, 2 người con đầu vừa tốt nghiệp ngành Vật lý Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và ngành điều dưỡng Trường Đại học Phương Đông Đà Nẵng. Người con thứ 3 đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Dược Đà Nẵng. Con trai út của ông hiện là học sinh lớp 11, trường THPT Chuyên Hùng Vương. Ông Djel tự hào nói: “Các con của mình từ nhỏ đến lớn hầu như năm nào cũng được nhận giấy khen. Chúng chăm chỉ, cần cù, chịu khó học lắm mặc dù cha mẹ không giúp đỡ, chỉ dạy được là bao”. Để có đủ tiền trang trải việc học cho các con, ông Djel cần mẫn chăm bẵm vài trăm gốc cà phê, vài sào lúa. Cùng một lúc nuôi 4 người con ăn học đối với gia đình ông là cả một vấn đề. Tuy vậy, ông vẫn dặn dò các con mình phải gắng đi học đến cùng.

Những người con đầu của ông Djel khi mới ra trường chưa có việc làm, bà con trong làng cứ nhìn ngó rồi nói bóng gió xa gần “học lắm mà vẫn thất nghiệp” hay “bỏ vốn ra mà không lấy lại được”. Mặc dù có chút buồn nhưng ông vẫn không nản lòng. Ông tâm sự: “Mình cho con đi học trước tiên là để con có kiến thức, sau nữa là học làm người. Trong tuổi đi học thì việc cần nhất là đến trường, công việc sau đó sẽ tính”.

Không chỉ động viên các con chăm lo học hành, ông Djel cũng là một tấm gương về tự học. Vì đã lớn tuổi, không theo đuổi việc học văn hóa được nữa nhưng ông vẫn ngày ngày tìm đọc các tài liệu về nông nghiệp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. “Bản thân mình cũng rất thích được học hành. Trong cuộc sống, mình thường học hỏi những điều hay ở những người xung quanh để hoàn thiện mình, làm người có ích cho xã hội”-ông Djel chia sẻ.

Cùng với việc khuyên dạy các con mình, trong vai trò là Trưởng tộc của dòng họ Rơ Châm, ông Djel cũng thường xuyên nhắc nhở các gia đình coi trọng việc học hành của con em mình. Hiện tại, dòng họ Rơ Châm có 13 hộ gia đình, hơn 70 nhân khẩu, trong đó có 13 cháu đang trong độ tuổi đến trường. Làng Châm Anẻl nằm cách xa trung tâm xã hơn 5 km nên ông Djel vẫn thường động viên, khuyên bảo các gia đình khích lệ các con đến trường, theo đuổi con chữ. Nhờ vậy mà trong làng cũng như trong dòng họ hầu như không có tình trạng bỏ học. Bên cạnh đó, các gia đình trong dòng họ cũng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, nhắc nhở con em chăm chỉ học hành. Vì thế, vừa qua, dòng họ Rơ Châm đã được tuyên dương là dòng họ tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng của xã Chư Hdrông.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.