Đất cằn nở hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1986, Nông trường Cà phê Ia Sao 2 (tiền thân của Công ty Cà phê Ia Sao 2) được thành lập. Với những gia đình công nhân gắn bó từ những ngày đầu ấy, ký ức những ngày mở đất là điều chẳng thể nào quên…

Ký ức một thời

Ở cái tuổi 57, rất nhiều điều đã nhạt dần trong ký ức của vợ chồng ông Mai Quý Sênh và bà Bùi Thị Mau-nguyên công nhân Đội 9. Song những ngày đầu gian khó để gầy dựng những vườn cà phê bạt ngàn như hôm nay ở Nông trường Cà phê Ia Sao 2 thì ông bà chẳng thể nào quên… Ông Mai Quý Sênh nhớ lại: Năm 1988, sau 2 năm Nông trường đi vào hoạt động, cán bộ Nông trường đã về huyện Đông Hưng (Thái Bình) vận động 50 hộ gia đình vào đây làm kinh tế mới. Lúc ấy vùng đất này vô cùng khó khăn, cỏ mọc cao hơn đầu người, bệnh sốt rét hoành hành. 50 hộ cùng đi với vợ chồng ông bà được 2 năm thì bỏ về quê gần hết, chỉ còn trụ lại 6 hộ.

 

Gia đình ông Sênh và bà Mau bên nhau hạnh phúc, ấm no. Ảnh: Đ.Y
Gia đình ông Sênh và bà Mau bên nhau hạnh phúc, ấm no. Ảnh: Đ.Y

Để vượt qua những năm tháng đói khát, bà Bùi Thị Mau kể: “Lúc ấy, hàng tháng, Nông trường chỉ cấp cho mỗi hộ 8-10 kg gạo. Hàng ngày, sau khi chăm sóc 2 ha cà phê nhận khoán của Nông trường đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, tôi học theo người địa phương vào rừng chặt cây le mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Những ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa không vào rừng lấy le được thì cả nhà nhịn đói, ăn rau cháo qua ngày”.

Cuộc sống thiếu đói cùng cực, nhưng ông Sênh, bà Mau luôn động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn để nuôi con. Ông Sênh làm lụng vất vả, cuộc sống quá thiếu thốn nên dẫn đến suy nhược cơ thể, rồi bị bệnh sốt rét hành hạ. Có lúc ông Sênh đã ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. “Phải nằm bệnh viện chữa trị suốt 3 tháng trời ông mới dần khỏe lại”-bà Mau rưng rưng kể.

Còn ông Nguyễn Văn Thuận và bà Trần Thị Lợi (công nhân Đội 8); ông Phạm Văn Chinh và bà Phạm Thị Hoa Huệ (công nhân Đội 1) thì  hồi tưởng: Ký ức những ngày đầu mở đất là bom cày đạn xới, rừng hoang bao quanh. Cuộc sống rất vất vả, nhiều ngày phải ăn củ mì, rau thay cơm. Không có điện đóm, đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa cũng rất nghèo nàn, song những người bám trụ họ vẫn luôn động viên nhau: “Phải bám lô, bám vườn và giữ đất!”.

Đất nở hoa…

 

Ông Nguyễn Văn Thuận tự hào giới thiệu vườn cây nhận khoán. Ảnh: Đ.Y
Ông Nguyễn Văn Thuận tự hào giới thiệu vườn cây nhận khoán. Ảnh: Đ.Y

Nhưng dù cho có gian khó đến mấy, những ngôi nhà mới vẫn mọc lên ở vùng này, trong đó có rất nhiều gia đình là cán bộ, công nhân viên của Nông trường. Màu xanh ngút mắt của cà phê đã thay đổi cả một vùng đất, thay đổi cả cuộc sống của những con người nơi đây. Trong số 500 gia đình công nhân hiện nay đang gắn bó với Công ty Cà phê Ia Sao 2, nhiều gia đình đã gắn bó với Công ty từ những ngày đầu và hiện có cuộc sống rất đầy đủ và no ấm.

Tiêu biểu là gia đình ông Mai Quý Sênh và bà Bùi Thị Mau. “Nhớ lại những ngày đầu mở đất, nhiều lúc tôi nghĩ sẽ không trụ vững, thế mà giờ đã 30 năm”-ông Sênh bất chợt “tổng kết” cuộc đời. Rồi ông nói thêm: “Bây giờ thì tôi không đi đâu nữa, sẽ bám trụ ở đây mãi”. Cũng như bố, 2 người con ông là Mai Quý Quang và Mai Thị Tuyết Nhung, lớn lên đi học xa rồi cũng quay về nhận lại vườn cây khoán của bố mẹ để tiếp tục gắn với vườn cây của Công ty.

Và còn nhiều hộ gia đình công nhân giờ trở thành tỷ phú, mua xe ô tô đi làm, xây nhà kiên cố, cao tầng. Điển hình là gia đình ông Phạm Văn Chinh và bà Phạm Thị Hoa Huệ (công nhân Đội 1). Ông Phạm Văn Chinh cho biết: “Bây giờ, ngoài diện tích nhận khoán 1 ha vườn cây của Công ty, gia đình tôi còn có thêm 6,5 ha cà phê kinh doanh. Vợ chồng tôi còn kinh doanh thêm mặt hàng phân bón để cung cấp cho bà con nông dân trong vùng. Nhờ thế kinh tế khá ổn định. Gia đình tôi còn mua được xe ô tô và xe tải để vận chuyển hàng hóa”.

Ông Nguyễn Văn Thuận (công nhân Đội 8), so sánh: “Ngày xưa toàn rừng rậm, nay đã là phố phường như thế này, biết bao là gian khổ…”.  Đã 30 năm rồi còn gì. Đó là thành quả của rất nhiều người, nhiều thế hệ, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến và biết ơn những người tiên phong. Họ không gian khổ, hy sinh thì đất này chẳng thể nở hoa...

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm