Những "Youtuber làng" ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều bạn trẻ người Jrai, Bahnar ở Gia Lai đã tận dụng kênh Youtube để giới thiệu cảnh đẹp quê hương cũng như bản sắc văn hóa của người địa phương đến với mọi người.
Rup TV là kênh Youtube khá nổi tiếng của chàng trai người Jrai tên là Y Pyiu (SN 1994, làng Xóa, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Sau 4 năm ra mắt, kênh đã đăng tải 305 video và thu hút 214.000 lượt người đăng ký theo dõi. Năm 2020, Rup TV được Youtube trao tặng nút bạc danh dự.
Anh Y Pyiu (bìa trái) đang quay video chăm sóc vườn cà phê của người dân. Ảnh: Thủy Bình
Anh Y Pyiu (bìa trái) đang quay video chăm sóc vườn cà phê của người dân. Ảnh: Thủy Bình
Anh Y Pyiu chia sẻ: “Năm 2017, mình lập kênh để lưu lại hình ảnh đã quay được vì bộ nhớ điện thoại hạn chế. Khi đăng tải, các video nhận được hàng trăm lượt người xem cùng với những bình luận tích cực. Được mọi người ủng hộ, mình rủ thêm 2 người bạn thành lập nhóm để quay video. Do quay và dựng bằng điện thoại nên chất lượng âm thanh, hình ảnh không cao. Để có tiền mua sắm thiết bị quay video, mình đi làm cho một công ty nội thất ở TP. Pleiku. Tích lũy dần dần, mình đầu tư mua dàn dụng cụ hơn 100 triệu đồng như: máy quay, flycam, dàn máy tính, miccro…”.
Video đầu tiên được anh Y Pyiu đầu tư thực hiện bài bản từ khâu lên kịch bản, chọn diễn viên, bối cảnh là phim hài “Vợ bỏ” đăng tải năm 2017. Các diễn viên làng Xóa tuy không chuyên nghiệp nhưng lại thể hiện được vẻ chân chất, mộc mạc của người dân địa phương. Là phim hài nhưng Rup TV đã lồng ghép tuyên truyền để thanh niên địa phương bỏ thói hư tật xấu như: uống rượu, trộm cắp, lười lao động. Video này đã nhận được hơn 4,3 triệu lượt xem trên Youtube.
Để đa dạng kênh Youtube, Rup TV đã đầu tư thực hiện nhiều video khám phá, chinh phục đỉnh Chư Nâm, núi lửa Chư Đang Ya, Biển Hồ. Bên cạnh đó là những cảnh quay cuộc sống thường nhật của dân làng như: gặt lúa, bẫy chuột, chăn bò và cách nấu các món ăn truyền thống. Mỗi video đều có phụ đề giới thiệu thông tin để người xem hiểu rõ nội dung hơn. Thỉnh thoảng, Rup TV cũng đăng tải những clip hậu trường tập luyện, chuẩn bị công phu của mọi người để có một sản phẩm chất lượng.
Ngoài làm phim, Rup TV còn thực hiện một số MV ca nhạc về tình yêu, tình bạn do các bạn trẻ tự viết lời, nhạc và thể hiện. Các MV mang phong cách trẻ trung, hiện đại được quay tại những cảnh đẹp của xã Chư Đang Ya. Rup TV đã khéo léo lồng ghép nét văn hóa đặc sắc qua những bộ trang phục thổ cẩm Jrai. Những video ca nhạc đã thu hút hơn 1 triệu lượt người xem như: “Ngày gặp em”, “Em phải làm sao”, “Pô Hiam”…
Anh Y Tai-diễn viên chính trong nhiều video của Rup TV-cho biết: “Là diễn viên không chuyên nên mỗi lần Y Pyiu đưa kịch bản, mình đều nghiên cứu và tập luyện rất kỹ. Tham gia cùng Rup TV, mình được thể hiện khả năng và giới thiệu được phong cảnh của quê hương đến với bạn bè khắp muôn nơi”.
Nhận được nút bạc của Youtube, anh Y Pyiu có thêm nguồn thu nhập. Tùy theo số lượt người xem mỗi video sẽ được nhận số tiền tương ứng. Trung bình mỗi tháng, anh có nguồn thu 15-20 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh Y Pyiu trả tiền “cát xê” cho diễn viên, tạo thêm nguồn thu nhập cho nhiều thanh niên; dành ra một khoản mua quà tặng cho các gia đình khó khăn.
Anh chia sẻ: “Mình có theo dõi nhiều kênh Youtube để học hỏi thêm kỹ thuật quay dựng. Tuy nhiên, chủ đề, ý tưởng của mỗi video đều không hề “đụng hàng” mà mang đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt. Quá trình thực hiện các video đều không ngừng sáng tạo, hấp dẫn mới lôi cuốn khán giả theo dõi”.
Anh Đinh Phiơt (bìa trái) quay video văn hóa của người dân tộc Bahnar. Ảnh: Thủy Bình
Anh Đinh Phiơt (bìa trái) quay video văn hóa của người dân tộc Bahnar. Ảnh: Thủy Bình
Tuy số lượt người theo dõi ít hơn nhưng kênh Youtube Anh Phi Kcr 81 cũng gây ấn tượng cho người xem bởi những video chân thật, mộc mạc về cuộc sống sinh hoạt và lễ hội đặc trưng của người dân Bahnar. Chủ của kênh Youtube này là anh Đinh Phiơt-cán bộ Huyện Đoàn Kông Chro.
“Làm công tác Đoàn, mình thấy nhiều thanh niên người địa phương không mấy mặn mà với bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, mình nảy ra ý định mở kênh Youtube, quay các lễ hội cồng chiêng, hát dân ca để làm tư liệu, sau đó gửi cho các tổ chức Đoàn cơ sở để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho đoàn viên, thanh niên”-anh Phiơt chia sẻ.
Kênh Youtube Anh Phi Kcr 81 được lập từ đầu năm 2019. Hiện Anh Phi Kcr 81 đã đăng tải 124 video với hơn 624 người đăng ký theo dõi. Con số trên có thể khiêm tốn so với nhiều Youtuber khác nhưng với anh Phiơt lại không hề đơn giản.
Nhờ kênh riêng của mình, anh Phiơt đã giới thiệu cho bạn bè khắp nơi hiểu biết thêm về văn hóa của dân tộc Bahnar. Những người sau khi xem video của anh Phiơt đăng tải đều thấy vui và đóng góp ý kiến. Họ còn tình nguyện làm diễn viên trong mỗi video.
Anh Đinh Phang (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Tôi rất thích xem các clip của kênh Anh Phi Kcr 81. Đó là những clip gần gũi với cuộc sống thường ngày; khi lên hình thì rất đẹp và ý nghĩa”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.