Những tuyến đường “ý Đảng, lòng dân” ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường liên thôn được bê tông hóa giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.

Cuối năm 2021, Chủ tịch UBND thị xã An Khê đã ký quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Thành An đến giáp xã Kông Pla (huyện Kbang) với chiều dài hơn 1.734 m, đường rộng 5,5 m, mặt đường bê tông rộng 3,5 m, lề đường mỗi bên rộng 1 m. Được người dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đầu tháng 7-2022, công trình bắt đầu khởi công. Sau hơn 5 tháng thi công, đường bê tông phẳng lì đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nhằm chung tay xây dựng con đường bê tông này, gia đình ông Phạm Ngọc Vinh (thôn 1, xã Thành An) tự nguyện hiến 3.200 m2 đất và đóng góp hơn 100 m3 đất đổ hai bên lề đường để bảo vệ lớp bê tông, nới rộng mặt đường. Ông Vinh kể: “Trước đây, tuyến đường này chật hẹp, cứ mưa xuống là sình lầy. Khi biết Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường, người dân ai cũng phấn khởi. Thời điểm thi công tuyến đường, mía, mì của bà con đã cao ngang ngực. Nhưng vì cái chung, mọi người đồng lòng phá bỏ, giải phóng mặt bằng và tự nguyện hiến đất làm đường. Bây giờ, việc đi lại thuận lợi, nông sản được vận chuyển, tiêu thụ nhanh hơn trước rất nhiều”.

Với sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã An Khê được đầu tư đổ bê tông. Ảnh: Ngọc Minh

Với sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã An Khê được đầu tư đổ bê tông. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự, sau khi đoạn đường dài 172 m được bê tông hóa và cống thoát nước cầu Hiển được xây dựng đã giúp người dân thôn An Điền Nam (xã Cửu An) đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Chỉ tay về cống thoát nước, ông Đỗ Văn Bảy (thôn An Điền Nam) chia sẻ: “Vào mùa mưa, nước suối dâng cao quá đầu gối, bà con phải đi đường vòng. Cống xây cao nối đường bê tông thành tuyến dài. Ngoài đường trong thôn, Nhà nước cũng quan tâm đầu tư nhiều tuyến đường khác trong xã. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chung tay cùng chính quyền làm đường giao thông nông thôn, mỗi hộ dân đóng góp 200 ngàn đồng/năm và tự nguyện hiến đất làm đường”.

Bà Nguyễn Thị Phúc-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho hay: “Trong năm 2022, được sự quan tâm đầu tư của các cấp và người dân đóng góp hơn 4,7 tỷ đồng, xã đầu tư bê tông hóa 6 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 2.537 m. Đồng thời, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ công trình, trồng hoa, cây cảnh, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, góp phần duy trì, hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND phường An Bình-cho biết: Toàn phường có 57 con hẻm. Đến nay, 80% hẻm được đổ bê tông. Năm 2023, phường tiếp tục triển khai bê tông hóa 3 hẻm với chiều dài 870 m. “Thời gian tới, phường tiếp tục xin kinh phí hỗ trợ của cấp trên và vận động người dân chung tay đóng góp để đổ bê tông những hẻm còn lại; rà soát hẻm nào chưa lắp đặt điện chiếu sáng, vận động xã hội hóa, góp phần từng bước xây dựng phường văn minh đô thị”-ông Dũng nói.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường An Bình, thị xã An Khê được bê tông hóa, tạo cảnh quan môi trường đô thị sạch-đẹp. Ảnh: Ngọc Minh

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường An Bình, thị xã An Khê được bê tông hóa, tạo cảnh quan môi trường đô thị sạch-đẹp. Ảnh: Ngọc Minh

Nghị quyết số 77/NQ-HĐND của HĐND thị xã An Khê quy định mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách thị xã để thực hiện Chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông, kênh mương và duy tu, sửa chữa mặt đường bê tông xi măng trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hỗ trợ 100% dự toán thi công hạng mục nền đường cho tất cả các công trình trên địa bàn các xã, phường; hỗ trợ 30% dự toán thi công hạng mục mặt đường cho các công trình trên địa bàn các phường; hỗ trợ 40% dự toán công trình thi công hạng mục mặt đường cho các công trình trên địa bàn các xã… Trong năm 2022, các xã, phường đã triển khai thực hiện bê tông hóa hơn 22 km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 17,677 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp gần 6 tỷ đồng và tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, còn lại Nhà nước hỗ trợ. Dự kiến năm 2023, thị xã tiếp tục bê tông hóa 3.692 m đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 5,441 tỷ đồng từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực khác để phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Trung-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị-thông tin: “Với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, những tuyến đường từ “ý Đảng, lòng dân” sẽ tiếp tục được nối dài tô điểm cho vùng nông thôn thêm khang trang đổi mới, góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của các xã. Những hẻm bê tông cũng giúp các phường từng bước xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, đặc biệt tiến tới thực hiện kế hoạch phát triển thị xã đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025”.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.