Những người mẹ nhân hậu ở Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là xã nghèo của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) nhưng Ayun lại có đến 2 người phụ nữ nhân hậu, dám đứng lên chống lại hủ tục và nhận nuôi 2 đứa trẻ bị chính gia đình, người làng chối bỏ. Đó là bà Đinh Nay Huỳnh (làng Tung Ke) và bà Trần Thị Hường (làng Vơng Chép).
1. Chúng tôi tìm về làng Vơng Chép vào buổi chiều muộn. Phải thuyết phục khá lâu bà Trần Thị Hường mới đồng ý nhắc lại câu chuyện về cậu con trai út cũng là con nuôi của gia đình-em Đinh Hoàng Phước. Bà Hường bảo: “Chuyện xảy ra đã lâu rồi, nhắc lại chỉ sợ con nghe rồi tủi thân!”.
Theo lời kể của bà Hường, Phước được sinh vào sáng mùng 5 Tết Nguyên đán năm 2005. Lý do Phước bị dân làng chối bỏ, buộc phải chết ngay khi vừa ra đời là bởi ngay đến mẹ ruột cũng không biết cha em là ai. Đây được xem là điềm xui, sẽ khiến tai họa ập xuống làng.
Chứng kiến đứa trẻ sơ sinh chỉ nặng hơn 2 kg nằm khát sữa trong tấm vải màn rách, bà Hường khi đó là cán bộ dân số xã không thể cầm lòng nên đã ôm đứa trẻ bỏ chạy. Bà bế đứa bé về Trạm Y tế xã gần đó, đóng kín cửa “cố thủ” bên trong và nhờ người quen đi mua áo, tã về thay, mua sữa về cho uống.
“Lúc đó, gia đình rồi dân làng kéo đến Trạm Y tế xã rất đông, một mực đòi đem đứa trẻ về. Còn tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất, là phải cứu bằng được đứa trẻ vô tội! Mất hơn 1 tháng ròng rã vừa chăm đứa trẻ, vừa thuyết phục, dân làng mới đồng ý buông tay”-bà Hường kể lại.
Hành động ban đầu của bà Hường đơn giản là muốn cứu đứa trẻ vô tội khỏi hủ tục. Nhưng sau đó, bà lại chẳng yên tâm khi giao đứa trẻ cho bất kỳ ai chăm sóc. Vì vậy, vợ chồng bà xin nhận đứa trẻ làm con nuôi, mặc dù lúc ấy bà đã bước sang tuổi 46 và có tới 5 đứa con. Vợ chồng bà đặt tên cho cháu bé là Phước với mong muốn cuộc sống sau này của con gặp nhiều may mắn.
“Nhà chật, con đông trong khi tiền lương lúc bấy giờ chỉ có 240 ngàn đồng/tháng, không đủ mua sữa cho Phước nên vợ chồng phải làm thêm đủ việc để trang trải cuộc sống. Đi làm, lúc nào tôi cũng địu Phước trên lưng. Nhiều người không biết chuyện còn trách, sao lớn tuổi rồi còn ham đẻ con cho đông”-bà Hường trần tình.
Vì Phước sinh ra thiếu hơi ấm của mẹ, lại thiếu cân nên thường xuyên đau ốm, thậm chí cứ vài ngày cha mẹ nuôi lại phải đưa em nhập viện. “Mãi đến khi con hơn 4 tuổi, sức khỏe mới đỡ hơn và vợ chồng tôi cũng bớt vất vả một chút. Cũng may, con là đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện, biết nghe lời cha mẹ và các anh chị, chịu khó học tập”-bà Hường phấn khởi.
Nhờ sự quan tâm chăm sóc từ cha mẹ và các anh chị nên Phước lớn lên với đầy đủ tình yêu thương và được đến trường học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. “Tôi luôn nói với con, bố mất rồi còn mình mẹ, khổ bao nhiêu mẹ cũng chịu được chỉ mong con chịu khó học lấy cái nghề để sau này nuôi sống bản thân, gia đình”-bà Hường trải lòng.
Phước hiểu được nỗi vất vả của mẹ, nhất là từ khi bố qua đời cách đây vài năm. Ngoài giờ học, Phước đều dành thời gian giúp mẹ làm việc nhà. “Em được sống và có cuộc sống như hôm nay đều nhờ cha mẹ ban cho. Giờ em còn có các cháu gọi bằng cậu, bằng chú. Em sẽ luôn yêu thương gia đình, cố gắng học sau này có nghề nghiệp, công việc để lo cho mẹ”-Phước nói.
2. Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Tung Ke, bà Đinh Nay Huỳnh ngồi sắp xếp lại sách vở cho cô con gái út Đinh Nay Thương. Nếu không biết trước câu chuyện, có lẽ chúng tôi sẽ nghĩ đây là 2 bà cháu. Bởi bà Huỳnh năm nay đã bước sang tuổi 60, còn cô bé Thương mới hơn 8 tuổi.
Bà Đinh Nay Huỳnh (làng Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê) và con gái nuôi chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Ảnh: Anh Huy
Bà Đinh Nay Huỳnh (làng Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê) và con gái nuôi chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Ảnh: Anh Huy
Chúng tôi biết đến câu chuyện về bà Huỳnh qua các bài viết của đồng nghiệp trước đó nhưng vì tò mò, không biết sức mạnh nào đã khiến người phụ nữ nhỏ bé ấy dám đứng lên chống lại hủ tục để bảo vệ sự sống cho một đứa trẻ nên vẫn muốn một lần trò chuyện. Và rồi như khơi đúng mạch nguồn cảm xúc, bà Huỳnh đã trải lòng.
Nhà Đinh Hem-mẹ ruột của Thương-cách nhà bà chỉ vài căn. Chị Hem có 4 đứa con và đang mang thai đứa thứ 5. Vì chồng lười lao động, suốt ngày chỉ uống rượu nên dù mang thai ở tháng thứ 7, chị vẫn phải đi làm ngoài rẫy từ sáng đến tối mới về.
Một ngày cuối tháng 4-2012, chị Hem đi phun thuốc sâu từ rất sớm nhưng đến 16 giờ vẫn không thấy về. Lúc này, gia đình mới đi tìm thì phát hiện chị nằm bất tỉnh trên rẫy. Thay vì đưa chị đến bệnh viện, gia đình lại đưa về nhà. Sáng hôm sau, bà Huỳnh nghe thấy tiếng khóc than bên nhà chị Hem.
“Tôi cùng người làng vội chạy sang, cơ thể Hem còn ấm nhưng tim đã ngừng đập. Lúc này, không ai quan tâm đến thai nhi trong bụng mà chỉ nghĩ đến việc lo hậu sự cho cả hai. Tôi quỳ xuống sờ bụng, thấy thai nhi đạp dữ dội. Để cứu đứa trẻ, tôi đành nói dối gia đình là Hem còn sống, cần đưa đến Trung tâm Y tế huyện để được bác sĩ cứu chữa kịp thời”-bà Huỳnh kể. Lý do bà phải nói dối là vì bà biết rất rõ hủ tục hà khắc của làng, mẹ chết thì con phải bị chôn theo.
Đứa trẻ sinh thiếu tháng nên phải thở oxy. Nhưng điều mà gia đình cũng như người làng quan tâm khi đó là phải đưa bằng được đứa trẻ về để “chôn sống” cùng mẹ. Vì họ cho rằng, nó có sống trên đời cũng sẽ khổ khi không ai cho bú sữa, không ai chăm sóc và hồn ma người mẹ sẽ mãi đi theo...
Mặc kệ hủ tục, bà Huỳnh vẫn một mực đứng ra bảo vệ. “Hơn nữa, tôi cũng muốn chứng minh để người làng hiểu rằng, mạng sống con người rất đáng quý, dân làng phải thay đổi suy nghĩ, phải xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này”-bà Huỳnh nhớ lại. Và, 8 năm qua, bà đã nuôi lớn bé Thương bằng tình yêu thương vô bờ, dân làng cũng dần hiểu ra và từ bỏ tập tục lạc hậu.
Hiện giờ, nỗi trăn trở và cũng là niềm mong mỏi của 2 người mẹ tuổi 60 là các con khỏe mạnh, chịu khó học tập để sau này trở thành người có ích cho xã hội. “Mình già rồi cũng không làm được gì, con bé còn nhỏ, học lực cũng yếu, tôi chỉ mong sau này con được nhiều người yêu thương và cũng biết thương yêu những người xung quanh như cái tên mình đã đặt cho con”-bà Huỳnh mong mỏi.
ANH HUY-ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.