Những người đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghề giáo là một nghề đặc biệt và đối với những giáo viên mầm non ở huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) lại càng đặc biệt hơn nữa. Bởi cái giờ đi làm của các giáo viên mầm non ở đây là khi mặt trời đang ngủ.

Vì đặc thù của cây cao su nên công việc của công nhân cạo mủ cũng bắt đầu từ nửa đêm về sáng. Trong khi đó đa phần công nhân cạo mủ là người từ nơi khác chuyển đến làm việc rồi định cư. Nội, ngoại ở xa nên mỗi khi bố mẹ bận việc thì các con không có người trông coi. Để giải quyết vấn đề này, Công ty 716 (Binh đoàn 15) đã tổ chức những lớp học trông trẻ vào ban đêm. Cũng từ đây, hàng chục giáo viên mầm non phải ngủ từ 8 giờ tối và dậy lúc 2 giờ sáng để trông trẻ. Công việc của họ là chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các cháu từ nửa đêm đến chiều tối. Mỗi ngày họ chỉ có 3 - 4 giờ đồng hồ ở bên chồng con, phần lớn thời gian còn lại là dành cho “con người khác”.

 

 Cô Trần Thị Lâm cùng lúc phải chăm sóc nhiều cháu. Ảnh: Đức Nhật
Cô Trần Thị Lâm cùng lúc phải chăm sóc nhiều cháu. Ảnh: Đức Nhật


Thay đổi đồng hồ sinh học là tác động lớn nhất đến sức khỏe mà họ phải đánh đổi. Thế nhưng, chưa một lần các cô trút giận lên học trò. Những đứa trẻ vẫn ăn no, ngủ kỹ trong vòng tay yêu thương của cô giáo. Có những cô giáo đang nuôi con nhỏ, để tiện việc chăm sóc, đành mang cả con đến lớp. Những lúc con quấy khóc vì ốm, sốt. Các cô vẫn phải một tay chăm con, một tay dỗ trò.

Khi được hỏi đến những vụ bạo hành ở nhà trẻ vì áp lực, làm cách nào để các cô có thể vượt qua để chăm sóc cho học trò thật tốt, cô giáo Trần Thị Lâm (35 tuổi) bảo rằng phải làm việc bằng cái tâm và xem học trò như con thì mới có thể gắn bó với chúng cả ngày lẫn đêm. “Vì cuộc sống mưu sinh, mới chỉ vài tháng tuổi các con đã phải dứt hơi mẹ để đến với mình. Ngoài mẹ ra, các con chỉ có mình là chỗ dựa. Vì vậy, mình luôn phải chăm các con bằng cả tấm lòng”, cô Lâm chia sẻ.

Đáp lại tình cảm của cô giáo những đứa trẻ nơi đây xem cô như người mẹ thứ 2. Thậm chí có những buổi tan trường, vài đứa trẻ chỉ thích ở với cô mà chẳng muốn về với mẹ.

Theo ĐỨC NHẬT (TNO)

Có thể bạn quan tâm