Những ngôi nhà ấm tình đồng đội trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Quân đoàn 3 đã được đơn vị hỗ trợ xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà ấm áp tình đồng đội này đã giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Đi sâu vào con hẻm nhỏ số 383 đường Phạm Văn Đồng (tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) hơn 500 m, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà đang được thi công của gia đình Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Cảnh-thợ điện đang công tác tại Tiểu đoàn 30 (Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 3). Lấy nhau đã 13 năm nhưng suốt từ đó đến nay, vợ chồng anh vẫn phải ở nhà thuê. “Mỗi lần chuyển nhà ở là một lần cơ cực”-anh Cảnh nói. 
 Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) hỗ trợ ngày công xây dựng nhà cho đồng đội. Ảnh: V.D.H
Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) hỗ trợ ngày công xây dựng nhà cho đồng đội. Ảnh: V.D.H
Cũng bởi chán cảnh đi ở nhà thuê, vợ chồng anh chắt bóp chi tiêu, dành dụm tiền để mua đất xây nhà. Năm 2015, gia đình anh mua được mảnh đất với diện tích hơn 100 m2 nhưng vẫn để đó vì chưa có tiền làm nhà. Vừa qua, sau khi xét duyệt theo phân cấp, anh Cảnh đã được Quân đoàn 3 hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà ở. Vậy là cùng với số tiền tích lũy của vợ chồng, vay mượn thêm từ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình anh đã sắp có ngôi nhà mơ ước của riêng mình. Anh Cảnh chia sẻ: “Có nhà mới, con tôi mỗi cháu sẽ được ở riêng một phòng. Có không gian riêng tư nên 2 đứa vui lắm”. Được biết, ngoài số tiền hỗ trợ của Quân đoàn, Tiểu đoàn 30 cũng bố trí nhân công giúp gia đình anh Cảnh đổ đất, san nền và làm nhiều phần việc khác.
Cùng chung niềm vui được Quân đoàn hỗ trợ làm nhà mới là gia đình Đại úy Nguyễn Văn Hưởng-Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 40. Gặp chúng tôi vào trung tuần tháng 6, anh Hưởng cho biết: Ngôi nhà được xây dựng tại tổ 3 (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) với diện tích hơn 100 m2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp và khu vực vệ sinh. Hiện nay, ngôi nhà đã thi công xong phần nền móng. Để hỗ trợ gia đình anh Hưởng, Lữ đoàn Pháo binh 40 cử 3 chiến sĩ giúp công xây dựng từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thiện phần thô. Chi phí xây dựng nhà dự kiến hết khoảng 400 triệu đồng. Ngoài số tiền 80 triệu đồng được Quân đoàn hỗ trợ, phần còn lại anh Hưởng phải vay ngân hàng và mượn của người thân, bạn bè. Anh tâm sự: “Vợ tôi không có việc làm, chỉ ở nhà nuôi con nhỏ. Vì vậy, có được ngôi nhà riêng từ sự hỗ trợ kinh phí, nhân công của đơn vị, tôi rất trân trọng, tự thấy mình phải hết sức cố gắng trong công tác để không phụ lòng tin yêu của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đồng đội”.
Đại tá Nguyễn Văn Thế-Phó Chính ủy Quân đoàn 3-cho biết: “Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo quan tâm, chăm lo đến đời sống gia đình quân nhân như: đầu tư xây dựng nhà công vụ, tham gia các dự án nhà chung cư... Tuy nhiên, số người hưởng lương có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn nhiều nên phải giải quyết từng bước và lâu dài”. Cũng theo Đại tá Thế, từ chủ trương đó, Quân đoàn đã hỗ trợ một phần kinh phí xây nhà ở cho các gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có hoàn cảnh khó khăn giúp họ từng bước ổn định đời sống, yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Quân đoàn đã hỗ trợ được 20 nhà ở (mỗi nhà 80 triệu đồng), trong đó, 12 nhà được trích từ nguồn quỹ vốn của Quân đoàn, 8 nhà từ Quỹ “Vì người nghèo” của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn hỗ trợ ngày công xây dựng trong khả năng cho phép mà không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn được giao.
 VŨ DUY HIỂN

Có thể bạn quan tâm

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

(GLO)- Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi qua mỗi ngày. Khi ta biết cách nhân lên niềm hạnh phúc, cuộc sống trở nên ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn. Đó là cách mà nhiều gia đình đang tạo lập cũng như chung tay gìn giữ.

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta chứng kiến những cô gái tưởng chừng yếu đuối, nhưng lại trở thành trụ cột vững chãi cho gia đình khi biến cố ập đến. Đối mặt với khó khăn, bằng nghị lực phi thường, họ xây dựng tương lai cho những người thân yêu.

Ảnh minh họa: GOLDYNGOC

“Không đâu bằng về nhà”

(GLO)- Chiếc xe vừa chớm tới đèo An Khê, một hành khách bật thốt lên: “Tới đèo An Khê cũng coi như về tới nhà, thật nhẹ hết người!”. Câu nói đã nhận được sự đồng tình của nhiều người khác: “Ừ, đúng vậy”, “Mình cũng thấy thế”, “Không đâu bằng về nhà”...