Những nghịch lý của sự phát triển "nóng" nhà kính ở Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bài toán đang đặt ra cho các nhà quản lý là sự phát triển “nóng” nhà kính của Đà Lạt và các vùng phụ cận, tác động tiêu cực đến khí hậu và cảnh quan của thành phố du lịch này.

Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được thành tựu to lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác.

Tuy nhiên, bài toán đang đặt ra cho các nhà quản lý là sự phát triển “nóng” nhà kính của Đà Lạt và các vùng phụ cận, tác động tiêu cực đến khí hậu và cảnh quan của thành phố du lịch này.

Hiệu quả của nhà kính

Đà Lạt không chỉ là thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng, mà còn là nơi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho thu nhập trên một diện tích cao nhất cả nước.

Khảo sát tại các làng hoa Thái Phiên, phường 12; Vạn Thành, phường 5 và các phường 7, phường 8 ở thành phố Đà Lạt, các nhà kính, nhà lưới dùng để trồng rau, hoa đã phủ kín hầu hết các diện tích nông nghiệp của thành phố có khí hậu ôn đới. Các mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao, với doanh thu đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của thành phố Đà Lạt khoảng 10.500ha, trong đó diện tích nhà kính chiếm trên 2.554ha. Từ năm 2017-2019, do giá trị trồng hoa, dâu tây trong nhà kính cao hơn nên nhiều nhà kính trước đây người dân trồng rau được chuyển sang trồng các loại này.

Qua khảo sát thực tế cho thấy người dân làm nhà kính ngay trong nội thành. Các phường có mật độ nhà kính dày đặc, điển hình tại phường 12 (tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%), tại phường 5, phường 7 và phường 8 là trên 60%.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho rằng nhờ nhà kính, nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính để có sự hỗ trợ của các công nghệ, tạo ra doanh thu cao.

Những bất cập của phong trào nhà kính

Bên cạnh những khu nhà kính của các doanh nghiệp được đầu tư bài bản thì vẫn còn rất nhiều nhà kính chất lượng thấp làm bằng tre theo kiểu “mạnh ai nấy làm.”

Điều đáng nói là, một số loại rau, hoa không nhất thiết trồng trong nhà kính nhưng người dân vẫn áp dụng, nên gặp phải các hạn chế như tích lũy mầm mống sâu bệnh nếu công tác vệ sinh đồng ruộng không tốt; tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng các ao, hồ và lòng suối.

Ông Võ Văn Tuấn, một nông dân ở Làng hoa Thái Phiến, phường 12, Đà Lạt, cũng cho rằng vài năm gần đây cứ mưa là ngập do nhà kính che hết diện tích bề mặt của đất để nước mưa có thể thấm xuống, nên dễ gây ra ngập úng cục bộ.

Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể nào quy hoạch nhà kính. Trong khi đó, việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, một số loại rau, hoa không nhất thiết phải trồng trong nhà kính nhưng người nông dân vẫn đưa vào trồng, tính đa dạng sinh học bị hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng tại các ao, hồ và lòng suối.


 

Trang trại trồng rau công nghệ cao thuộc Công ty TNHH Trồng trọt - Thương mại Kim Bằng của bà Nguyễn Thị Huệ ở phường 7, thành phố Đà Lạt là một trong những mô hình trồng rau công nghệ cao thành công ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Trang trại trồng rau công nghệ cao thuộc Công ty TNHH Trồng trọt - Thương mại Kim Bằng của bà Nguyễn Thị Huệ ở phường 7, thành phố Đà Lạt là một trong những mô hình trồng rau công nghệ cao thành công ở tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)


Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, để đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, nhà kính cũng cần có quy chuẩn. Những tiêu chuẩn trên đều được chính Công ty sản xuất hoa lan hồ điệp của ông Sang thực hiện, đó là có hệ thống làm mát, cửa sổ thông gió, lưới đen có chức năng lúc nóng thì che lại, lúc mát thì mở ra.

Cũng theo ông Sang, cơ quan chức năng cần có quy hoạch, sử dụng nhà kính một cách phù hợp đối với từng khu vực, không được làm nhà kính trên diện tích đất rừng.

Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa Học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phân tích: Trước hết, cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, không nên tiếp tục coi nhà màng, nhà kính là hợp phần thiết yếu, là biểu tượng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt và Lâm Đồng.

Việc xây dựng nhà kính mang tính chất phong trào, đại trà với mật độ cao đã phá vỡ cảnh quan của Đà Lạt, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của sự xói mòn sản xuất nông nghiệp và lũ ống, ngập lụt như đã xảy ra vào những ngày mưa lớn.

Đáng mừng là hiện nay đã xuất hiện một số hộ sản xuất rau, hoa của Đà Lạt đã thực hiện việc dỡ bỏ nhà màng trên phần đất canh tác của mình. Họ làm việc này với kinh nghiệm xương máu tích lũy được từ thực tế sản xuất và cũng phù hợp yêu cầu của thời đại, của cuộc cách mạng xanh, đảm bảo sức khỏe và hoạt động kinh tế bền vững của gia đình.

Đã đến lúc cần có sự đánh giá của các nhà quản lý cũng như quy hoạch vùng phát triển và tiêu chuẩn nhà kính tại nơi sản xuất rau, hoa lớn nhất cả nước này. Đà Lạt là thành phố xanh và nhà kính đã làm mất dần các giá trị vốn có của Đà Lạt, không nên vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường.

Theo Đặng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm