Những năm tháng ở Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 11-2020, từ Hà Nội, ông Bùi Kế Nghiệp báo tin: Cô chú đã nhận được giấy mời dự Triển lãm ảnh Căn cứ cách mạng Khu 10 và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình. Không thể về cả hai, vì còn nhà cửa, nên chú nhường cho cô… Ít ngày sau, tôi gặp bà Nguyễn Thị Sáu-nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tại Pleiku. Bà lặng đứng trước mỗi tấm hình tư liệu và kể tôi nghe nỗi gian nan những năm tháng chiến tranh trong rừng Kbang.
Học xong lớp Dược năm 1971, bà Sáu cùng nhiều đồng đội tuổi đôi mươi phơi phới lên đường vào Nam. Nơi bà đến là Krong. Người đàn ông đáng kính bà được gặp và không bao giờ quên là ông Trần Văn Bình (Đẳng). Ông đã nói một câu trước nhiều đồng đội khiến bà nhớ mãi: Mấy cháu đi bộ vượt Trường Sơn vào được đến đây là đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng rồi. Sau nhiều thử thách, bà trở thành đảng viên trong căn cứ. Tình yêu cũng nhen nhóm từ vùng đất gian khổ ấy, để rồi năm 1976, bà cùng chồng (ông Bùi Kế Nghiệp) có người con đầu tiên.
Bà Sáu hồi nhớ: Năm ấy, từ Quảng Bình, bà cùng đồng đội hành quân vào Krong hết gần 4 tháng. Được phân về Ban Dân y, bà làm nhiều việc, trong đó vui nhất là thỉnh thoảng được lên Văn phòng Ủy ban để nhận công văn và đến Văn phòng Tỉnh ủy để đưa thuốc. Những ngày được qua lại thường xuyên giữa Ban Dân y và Văn phòng Tỉnh ủy, bà thường dậy sớm, vai mang ba lô thuốc, một mình lặng lẽ đi trên những lối mòn. Đó là những con đường gồ ghề, trèo đèo lội suối, hoàn toàn mới mẻ với một cô gái trẻ vừa từ miền Bắc vào. Dù khá sợ nhưng rồi cũng như các lần trước, tầm 15 giờ, bà đã có mặt tại cơ quan Tỉnh ủy.
Bà Nguyễn Thị Sáu (đứng giữa) cùng các đồng đội ở Ban Dân y Gia Lai, năm 1973 (ảnh tư liệu).
Bà Nguyễn Thị Sáu (đứng giữa) cùng các đồng đội ở Ban Dân y Gia Lai, năm 1973 (ảnh tư liệu).
Bà Sáu kể, dù đã rất lâu rồi, bà vẫn không thể quên được cảm giác đi trên những lối mòn vắng tanh ấy. Trước mắt bà thỉnh thoảng lại vang vọng loại tiếng động khi có thú rừng phóng ngang ngay trước mặt hoặc cảnh những con trăn điềm nhiên bò qua đường, mặc cho người cán bộ trẻ sợ hãi đến run rẩy. Lâu dần, những cảnh vật ghê gớm ấy rồi cũng trở nên quen thuộc. Ngay cả việc phải đi trên những cây cầu treo, luôn lắc lư chao đảo đến chóng mặt cũng không còn làm bà sợ nữa. Có thời gian, bà được phân công giữ kho thuốc giữa rừng. Ban đầu, gần kho thuốc có 1 kho lương thực. Mỗi bên đều có người bảo vệ nên qua lại chuyện trò cũng vui. Về sau, lương thực được cấp hết, người bảo vệ rút đi làm nhiệm vụ mới. Giữ kho thuốc chỉ còn mình bà Sáu và 1 cây súng, giữa mênh mông rừng rậm. Dù vậy, bà đã không còn sợ như những ngày đầu. Quả đúng là cuộc sống thời chiến ở trong rừng với muôn vàn thiếu thốn và hiểm nguy lại cũng chính là môi trường rèn luyện tốt cho mỗi người.
Tôi hỏi: “Cô nhớ nhất điều gì ở Krong?”. Bà Sáu trả lời: Tất cả đều đáng nhớ. Bởi những năm tháng tuổi trẻ ở đó thật sự có ý nghĩa. So với các cô chú đi trước, bọn mình chưa là gì cả. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để lớp trẻ như mình hiểu hơn sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá của cuộc sống. Ngày đó, ai cũng sốt rét, da tái mét. Đã thế, đồ ăn thức uống lại rất thiếu thốn. Vậy mà rồi đồng đội, anh chị em đùm bọc nhau, vượt qua tất cả. Ngày ấy, hoàn thành nhiệm vụ được giao là một vinh dự nên ai cũng cố gắng phấn đấu hết mình.
Mất mát là điều khó tránh khỏi trong mỗi cuộc chiến. Bà Sáu kể, nhiều người bạn, đồng nghiệp mười tám, đôi mươi của mình đã ngã xuống trước ngày chiến thắng không lâu. Đó là các dược sĩ, liệt sĩ: Trịnh Thị Luật (Hải Dương), Trần Thị Ngọc Lan (Nghệ An), Nguyễn Thị Diệu Năng (Bình Định)… Biết dược sĩ Trịnh Thị Luật cùng vào Nam một lần với bà, đồng thời dự liệu không thể cứu chữa được bệnh nhân của mình, bác sĩ Đinh Minh Chánh-Bệnh xá trưởng (sau là Giám đốc Sở Y tế) khi đó đã cho người tìm bà Sáu đến nhìn mặt bạn lần cuối. Với bà Sáu, đó là một cảm giác đau đớn, tức tưởi vô cùng. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, thực sự cũng không biết làm gì hơn. Đó cũng là một trong những lý do để những năm sau chiến tranh, bà Sáu cùng đồng nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng đi tìm và đưa hài cốt một số dược sĩ đã hy sinh ở Krong về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Kbang hoặc quê hương họ, như một sự tri ân.
Tôi hỏi thêm, chuyến về Pleiku lần này có gì làm bà bất ngờ không. Bà nói có và kể lại chuyện vui khi được gặp lại người bạn học thời còn ở miền Bắc, 50 năm trước-dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, quê Quảng Ngãi, theo cha tập kết khi mới 4 tuổi. Điều đáng nói là trước đó một thời gian rất dài, bà Sáu không hề biết bà Vân chính là con dâu thứ 2 của ông Trần Văn Bình-Bí thư Tỉnh ủy trong căn cứ, nơi bà từng phục vụ. Tương tự như vậy, bà Vân cũng không hề biết người bạn học của mình đi Nam, vào Gia Lai đã được gặp bố chồng tương lai của mình khi đó như thế nào...
Câu chuyện giữa tôi và bà Sáu cứ kéo dài ra mãi. Bà chia sẻ: Chiến tranh, dù đã lùi xa mấy chục năm nhưng vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Con gái mình vẫn làm việc ở Gia Lai, vợ chồng mình vẫn đi về nơi này thường xuyên. Gia Lai đã trở thành máu thịt, là nỗi nhớ luôn khắc khoải trong tim... 
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.