(GLO)- Những năm gần đây, tình trạng trẻ em đi lang thang ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn đề bức xúc. Tại Gia Lai, số lượng trẻ em đi lang thang khá nhiều, trong đó có em đi lang thang để mưu sinh nhưng cũng có những em lang thang chỉ vì chán cảnh gia đình.
Lang thang để mưu sinh
Dạo khắp các tuyến đường tại TP. Pleiku, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những em nhỏ còm cõi mưu sinh giữa đông đúc người qua lại. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy đều nhằm mục đích kiếm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.
Đánh giày trở thành nghề được nhiều em nhỏ lựa chọn để mưu sinh. Ảnh: H.T |
Em Lê Văn Hùng, 16 tuổi, quê ở Đak Lak đến Gia Lai mưu sinh đã hai năm nay. Mẹ bị bệnh thần kinh đã mấy năm nay. Cả nhà có 5 miệng ăn nhưng trông cả vào đồng tiền phụ hồ của bố nên em và anh trai đều bỏ học để phụ bố kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Năm 2011, em cùng người anh họ là Lê Văn Bình qua Gia Lai để mưu sinh. Công việc hàng ngày của em là đánh giày và bán kẹo cao su.
Em đi khắp ngõ ngách thành phố, vào tất cả các quán nhậu, miễn là nơi đó, có nhu cầu đánh giày và bán được hàng. Ngày ít em kiếm được 200 ngàn đồng, ngày nhiều cũng kiếm được trên 300 ngàn đồng. Chắt bóp chi tiêu, mỗi tháng em gửi về nhà 4 triệu đồng.
Nghỉ hè cũng là dịp để nhiều em nhỏ mưu sinh, kiếm tiền trang trải cho năm học tiếp theo. Mới 11 tuổi nhưng em Nguyễn Thị Mỹ Duyên đã biết kiếm tiền từ việc bán vé số vào mỗi buổi tối. Đi cùng em là người em cùng mẹ khác cha Hồ Trầm Bích Ngọc (6 tuổi). Trung bình mỗi tối cả hai chị em cũng kiếm được 50 ngàn đồng.
Em tâm sự: “Em mới tốt nghiệp Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku. Em thích được đi học nhưng nhà em còn ở trọ, mẹ phải đi nhặt ve chai để đóng tiền trọ và mua thức ăn cho cả nhà. Muốn tiếp tục đi học em phải đi bán vé số để phụ mẹ kiếm tiền mua sách và đóng tiền học cho năm học tới”.
Mới 7 tuổi nhưng hầu như tối nào Nguyễn Thị Chanh ở đường Phan Đình Phùng cũng len lỏi vào khắp các cửa hàng, quán nhậu, cà phê để xin tiền của khách hàng. Tôi gặp em trong bộ quần áo thun mỏng manh đang xin tiền khách hàng tại một quán bún ở chợ đêm lúc 23 giờ 30 phút. Em cho biết, từ khi nghỉ hè, tối nào em cũng đến các quán ăn để xin tiền. Bắt đầu từ 8 giờ tối, em rong ruổi cho đến tận 12 giờ đêm, thậm chí có hôm đến tận 1 hoặc 2 giờ sáng mới về. Mỗi đêm em xin được 20-30 ngàn đồng.
Em ngập ngừng: “Chị cho em xin một ít nhé, mẹ em bảo em phải xin được tiền mới có tiền để đi học”. Cùng lúc thì một em bé trạc 8 tuổi cũng chạy đến bên để xin tiền mấy khách hàng bên cạnh rồi kéo em đi. Tôi chưa kịp tìm hiểu hoàn cảnh của các em nhưng thật sự chạnh lòng vì giữa đêm khuya lạnh, trong khi bao đứa trẻ khác đã chìm sâu vào giấc ngủ thì các em vẫn còn phải len lỏi khắp nơi vì gánh nặng mưu sinh.
Trách nhiệm của gia đình
Ngoài lý do mưu sinh thì nhiều em vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ nhà đi lang thang. Em Trần Minh Dần (13 tuổi) có gia đình ở thị xã An Khê nhưng vì hay xích mích với người anh cùng mẹ khác cha nên đã nhiều lần bỏ nhà đi lang thang. Một lần, do ham chơi mà quên làm việc nhà nên bị anh đánh.
Ảnh: Hồng Thương |
Chán nản, em bỏ nhà cùng 4 người bạn khác lang thang khắp nơi rồi dạt lên TP. Pleiku. Ngày lang thang kiếm tiền, tối lại tụ tập ăn chơi rồi ngủ lăn lóc ở vỉa hè các quán gần chợ nên được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Tại đây, em và các bạn được cán bộ trong Trung tâm động viên ở lại và hướng dẫn các em theo học một số nghề. Nhưng không chịu được gò bó, các em đã bỏ trốn ra đường.
Em Nguyễn Thị Út Trinh, 20 tuổi có gia đình ở huyện Đak Đoa cũng là một trường hợp tương tự. Chán cảnh mẹ lấy chồng khác, em bỏ nhà đi và xin vào nấu cơm tại các công trình xây dựng. Tết Nguyên đán vừa rồi, công trình hoàn thành, em không có chỗ ở nên thường nằm ngủ trong một cống nước tại chợ Hoa Lư. Ngày 18-2, em được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Biết em đã có bầu 6 tháng nên cán bộ Trung tâm chỉ giao một vài việc nhẹ. Đến cuối tháng 4, sau khi sinh em bé, mặc dù đã được Trung tâm hứa sẽ nuôi con và kiếm việc làm nhưng em đã bỏ trốn khi đang còn ở bệnh viện.
Chị Võ Thị Hồng Thu- cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh cho biết: “Hàng năm, Trung tâm nhận chăm sóc hàng chục trẻ em lang thang. Sau khi tìm hiểu, số em không có gia đình chỉ chiếm 7,14%, còn lại các em đều có gia đình và rơi vào những trường hợp mất cha, mất mẹ hoặc gia đình lộn xộn con chung, con riêng. Cũng có trường hợp gia đình yên ổn nhưng không thích ở nhà và chỉ thích đi đánh giày, bán kẹo kéo, xin ăn...”.
Với những em có gia đình, Trung tâm liên hệ và gọi người thân đến đón về, những em có hoàn cảnh quá khó khăn hoặc không có gia đình, Trung tâm giữ lại nuôi dưỡng, động viên và hướng nghề cho các em theo học. Tuy nhiên, do thói quen ở ngoài được tự do kiếm tiền, ăn chơi, đua đòi nên khi đưa vào Trung tâm, các em không chịu được khuôn phép và hầu hết đều bỏ trốn.
Chị Thu chia sẻ thêm: “Các em thường bỏ trốn vào đêm khuya nên muốn quản lý tốt cần có sự phối hợp giữa Công an và cán bộ Trung tâm. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách nào đó dành cho trẻ lang thang. Ngoài tiền ăn của các em được tỉnh hỗ trợ, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với những em học lên cao đẳng, đại học và những em muốn được đi học nghề.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức xã hội thì gia đình vẫn là quan trọng nhất. Để các em không còn gặp hiểm nguy khi lang thang ngoài đường thì những người làm cha, làm mẹ cần quan tâm hơn nữa đến các em về đời sống tinh thần lẫn vật chất”.
Hồng Thương