Những lớp học góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở thị trấn Măng Đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đây, đánh cồng chiêng, múa xoang luôn được các thế hệ người Mơ Nâm gìn giữ, phát huy, sử dụng trong lễ hội của làng nhưng đến năm 2011 thì hầu như không còn nhiều người biết biểu diễn.

Lớp học cồng chiêng, múa xoan của Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đã dạy cho hơn 20 thanh, thiếu niên trong làng biết đánh cồng chiêng, múa xoan. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Lớp học cồng chiêng, múa xoan của Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đã dạy cho hơn 20 thanh, thiếu niên trong làng biết đánh cồng chiêng, múa xoan. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, thế hệ trẻ không còn nhiều mặn mà với nghệ thuật truyền thống này.

Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng đóng vai trò quan trọng, các nghệ nhân cồng chiêng tại Kon Tum đã nỗ lực mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho các bạn trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Lớp học cồng chiêng tại làng du lịch cộng đồng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được tổ chức từ ngày 2/11, do Nghệ nhân Ưu tú Y Lim, Trưởng đoàn cồng chiêng của làng trực tiếp giảng dạy.

Lớp học có hơn 30 học viên là người trong làng, em nhỏ nhất sinh năm 2010.

Tham gia lớp học, các học viên được tập ba tiết mục, trong có hai bài múa xoang và đánh cồng chiêng với tên gọi chào đón khách và mừng lúa mới, tiết mục còn lại là một bài hát giao duyên.

Em Y Đinh Đinh (sinh năm 2010, trú làng Kon Bring) cho biết em được dạy và thực hiện thuần thục các bài múa xoang, múa Trung Thu cùng anh, chị lớn tuổi hơn. Em rất vui vì được cùng các nghệ nhân trong làng thực hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Mơ Nâm (một nhánh của người Xê Đăng).

Em A Phim (sinh năm 2007, trú làng Kon Bring) vui vẻ nói em được Nghệ nhân Ưu tú Y Lim vận động tham gia lớp học từ lâu nhưng đến nay mới có điều kiện học.

Tham gia lớp học, em được dạy đánh cồng chiêng. Ban đầu, em cảm thấy rất khó, song sau khi được chỉ dạy em dần tự tin hơn. Đến nay, em đã thuần thục sử dụng chiêng để đánh hai bài cồng chiêng của lớp học.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Y Lim, trước đây, đánh cồng chiêng, múa xoang luôn được các thế hệ người Mơ Nâm trong làng gìn giữ, phát huy, sử dụng trong lễ hội của làng như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, đến năm 2011, các bài múa xoang, đánh cồng chiêng dần bị mai một, không còn nhiều người biết biểu diễn.

Trước thực tế đó, từ năm 2014, bà đã thành lập đoàn cồng chiêng của làng để phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng như giảng dạy cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh việc trực tiếp giảng dạy, Nghệ nhân Ưu tú Y Lim mời nghệ nhân từ làng khác sang giảng dạy cồng chiêng và múa xoang cho học viên để các bài múa phong phú, đa dạng hơn.

Qua lớp học, các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh đến du khách, nhất là trong bối cảnh làng Kon Bring đã được công nhận là làng du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay.

Già A Thui, làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà), cũng thành lập Câu lạc bộ dân gian từ năm 2017 để truyền thụ nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của người Bahnar) cho thế hệ trẻ, trong đó đánh cồng chiêng và múa xoang là bộ môn nghệ thuật chính được già A Thui giảng dạy.

Dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm của mình, đến nay, Câu lạc bộ dân gian đã hướng dẫn cho gần 100 người, trong đó có hơn 65 trẻ tại làng Kon Trang Long Loi biết và có thể biểu diễn các giai điệu cồng chiêng, múa xoang và một số nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc.

Theo bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, thực hiện dự án "Phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Văn hóa cồng chiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" trong cam kết của Việt Nam với UNESCO, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020."

Đề án có hoạt động mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm truyền lại kỹ năng, kỹ thuật về diễn tấu cồng chiêng, kỹ năng múa xoang truyền thống trong đồng bào các dân tộc, nhất là các làng không có cồng chiêng để góp phần khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống tại các làng không có cồng chiêng này.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức 99 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, múa xoang cho hàng ngàn người.

Thời gian mở lớp truyền dạy khoảng từ một đến ba tháng; sau khi hoàn thành, mỗi lớp có thể diễn tấu từ 4 đến 5 bài cồng chiêng, múa xoang.

Ngoài ra, nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang do chính đồng bào các dân tộc tự chủ động tổ chức thực hiện…

 

Người dân Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng bên ché rượu cần và những lễ hội của người Mơ Nâm bản địa. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Người dân Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng bên ché rượu cần và những lễ hội của người Mơ Nâm bản địa. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang không nhiều, chỉ diễn ra ở một số làng "an toàn" với dịch.

Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đánh giá, việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang đã mang lại hiệu quả rất khả quan trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

Các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang đã tạo sự lan tỏa, tính kế thừa trong lớp trẻ công tác bảo tồn, phát di sản văn hóa cồng chiêng thể hiện ở việc ngày càng nhiều đội cồng chiêng, múa xoang nhí trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thậm chí, nhiều trường học trên địa bàn đã duy trì đội cồng chiêng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còng chiêng trong giai đoạn hiện nay, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

"Trong năm 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025," trong đó có nội dung tổ chức mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ không còn duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, ưu tiên cho các thế hệ trẻ tham gia nhằm tạo sự kế thừa về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng qua các thế hệ," bà Đậu Ngọc Hoài Thu khẳng định.

Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm