Những đứa trẻ làng tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là những em bé Jrai khi còn bé tí đã nằm trên lưng mẹ ra đồng. Mặt trời, sợi nắng, hạt mưa và ngọn gió… tất thảy như là của em từ thuở bé thơ. Lưng mẹ là nôi, gió đồng cùng bước chân mẹ là nhịp ru cho em say giấc. Giấc ngủ em ướp cả tiếng chim và hương lúa, ướp cả giọt mặn mồ hôi thấm trên vai áo mẹ.
Đó là những đứa trẻ mặt mũi lúc nào cũng lem nhem, áo quần dính đầy bụi đất, đôi lúc chân không mang dép cứ thế chạy nghịch trên cát sỏi. Ấy thế nhưng đôi mắt các em lúc nào cũng trong veo, nụ cười cũng trong veo, cuốn hút kỳ lạ. Để những ai khi đến vùng đất này, vô tình chạm phải ánh mắt ấy, nụ cười ấy đều xao xuyến không quên. Và rồi, khi bắt gặp ống kính máy ảnh của người lạ nào đó vừa đến làng hướng vào, cũng đôi mắt ấy, nụ cười ấy bỗng thẹn thùng, bẽn lẽn, bước thụt lùi nấp vào lưng chị, lưng mẹ, thi thoảng lại len lén nhìn ra. Đôi mắt, nụ cười ấy dường như chỉ thuộc về những đứa trẻ được sinh ra nơi vùng đất cao nguyên đầy nắng, đầy gió, sóng sánh dòng chảy mỡ màu của bazan khi mùa mưa trút xuống.
Đó là những đứa trẻ vừa mới lớn đã biết phụ mẹ đeo gùi xuống suối lấy nước, lên rẫy bẻ bắp, nhặt củi, ra chợ bán mớ rau, mớ nấm… Các em không đòi hỏi những búp bê, siêu nhân. Ngày lại ngày, sau giờ đi học, các em vẫn giúp mẹ, giúp bà làm việc nhà. Những đứa trẻ ấy tự lập từ rất sớm.
Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Đó là những đứa trẻ ngoan và rất đỗi lễ phép. Thi thoảng, tôi mang cho các em bì bánh quẩy, gói bim bim hay cuốn tập viết. Tôi nhìn thấy niềm vui đong đầy trong mắt em. Em lễ phép cảm ơn rồi nhận lấy và chia cho các bạn. Vài hôm sau, tôi lại thấy các em bẽn lẽn trước cổng nhà tôi để đưa cho tôi túm rau má hay bì cua đồng mà chúng vừa bắt được.
Những đứa trẻ làng tôi thường tập trung lại cùng chơi trò nhảy dây, ô ăn quan hoặc những trò con trẻ do chúng tự nghĩ ra. Chúng gần như không biết đến game, cũng không đòi xem điện thoại mỗi bữa cơm hay xuống công viên ngày cuối tuần. Mỗi chiều, khi cùng nhau vui chơi, tiếng cười của các em vọng đến sân nhà tôi. Tôi nghe trong tiếng cười ấy niềm vui tuổi thơ cùng những gì đẹp đẽ và tươi sáng nhất, vô tư nhất, trong trẻo nhất, như thể không có khó khăn nào, nắng gió nào, rét mướt nào len lỏi qua cuộc đời của các em vậy.
Hôm rồi, thấy tôi đi làm về, đám trẻ gọi với theo rồi bê chiếc mũ đựng đầy trái chòi mòi đầu mùa chỉ vừa kịp ửng đỏ đến và bảo “Cho em An!”. Tôi cười, đưa tay bốc lấy mấy chùm quả. Dù rằng, nhà tôi không ai ăn được đồ chua, nhưng tôi biết nếu không lấy, các em sẽ chẳng vui.
Tôi thấy mình may mắn vì được sống gần những đứa trẻ ấy. Dành ra ít phút mỗi chiều để ngắm nhìn các em chơi đùa, tôi như nhìn thấy tuổi thơ trong trẻo của mình ngày không internet, không smartphone, không chạy đua canh giờ để học thêm đủ các kiểu. Tôi được thấy lại chính tôi ngày thơ bé bên mẹ, bên cha...
PHÚC AN         

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.