Những đứa trẻ bước qua hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một vài dân tộc thiểu số sống ở dãy Trường Sơn quan niệm người mẹ mới sinh con chẳng may chết đi thì đứa trẻ phải chôn theo, nếu không làng sẽ bị mất mùa, dịch bệnh…

Căn nhà anh Hồ Hoàng nằm ở trung tâm bản K’ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Anh là cha của cháu Hồ Dưỡng, một trong những người thoát chết bởi hủ tục chôn con theo mẹ kể trên. Ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản K’ai, cùng đến nhà anh Hoàng với chúng tôi và là người nắm tường tận sự việc.

Thề độc trước dân làng

 

Một số nhân chứng ở bản K’ai kể lại những câu chuyện hủ tục rợn người.
Một số nhân chứng ở bản K’ai kể lại những câu chuyện hủ tục rợn người.

Hôm đó là ngày 4-12-2010, chị Hồ Thị Lon (vợ anh Hoàng) trở dạ rồi sinh ra Dưỡng nhưng tử vong sau đó do băng huyết. Theo phong tục người Mày, nếu mẹ chết thì dân bản sẽ chôn cả mẹ lẫn con. "Lúc đó tôi chưa là trưởng bản, thấy dân làng ra ngoài mua dây thừng, các đồ khâm liệm cho chị Lon và Dưỡng, tôi thương đứa trẻ vô cùng bèn tức tốc chạy tới trạm biên phòng K’ai và UBND xã Dân Hóa cầu cứu" - ông Xiêm nhớ lại.

Từng tham gia cuộc giải cứu này, ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, cho biết đây là một ca khó. Ông Tiến kể dù được cán bộ xã và bộ đội biên phòng vận động nhưng dân làng và gia đình không chịu giữ lại đứa bé. Sau cùng, bộ đội biên phòng và UBND xã phải làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng Hồ Dưỡng và "thề độc" chịu mọi trách nhiệm nếu "ma mẹ" bắt vạ. "Dưỡng được cứu sống, nay đã 7 tuổi, đang sống và học tập ở làng SOS Đồng Hới" - ông Tiến nói.

Tại bản K’ai, trước Dưỡng còn có bà Hồ Thị Phúc (41 tuổi) thoát chết trong gang tấc vì hủ tục này. Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Phúc đã cùng các con lên rẫy nên chỉ gặp bà Hồ Thị Xa (mẹ nuôi bà Phúc).

Bà Xa kể hơn 40 năm trước, vợ chồng bà lấy nhau hơn 10 năm mà không có con. Khi đó, nghe tin trong bản đang làm lễ cúng để chôn sống một đứa bé có mẹ bị "ma bắt" khi sinh nở, tò mò nên bà đến xem. Tới nơi, thấy đứa trẻ bị buộc chặt cạnh mẹ, khóc ré từng hồi nên bà mủi lòng. "Tôi không có con mà thấy người ta chôn con nên tội. Tôi đứng trước đám đông cầu xin già làng cho đứa bé được sống và nói nếu ma bắt sẽ bắt gia đình tôi chứ không ai can chi nên họ mới đồng ý cho" - bà Xa nhớ lại. Tuy nhiên sau đó, gia đình bà bị buộc phải rời bản K’ai đến sống ở một bản khác cách 13 km để không "vạ lây" cho làng.

Tình phụ tử chiến thắng hủ tục

 

A Long chỉ cho phóng viên Báo Người Lao Động xem vết sẹo sau khi phẫu thuật tim.
A Long chỉ cho phóng viên Báo Người Lao Động xem vết sẹo sau khi phẫu thuật tim.

Ở Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1 (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đang nuôi dưỡng 200 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Trong số này, có một số trẻ cũng suýt chết vì hủ tục chôn con theo mẹ.

Năm 2009, vợ A Diệt ở làng Đắk Rế (xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) sau khi sinh con đã tử vong, đứa bé không còn người cho bú nên cũng phải theo tục "nao tu mí" (chôn con theo mẹ). Tục "nao tu mí" có từ thời xưa, dân làng không ai dám cãi lại, nếu không sẽ bị thần linh (yàng) phạt làm cho mất mùa, dịch bệnh.

Sáng hôm đó, cả làng đang tập trung bên chiếc quan tài chuẩn bị đặt xác vợ A Diệt và đứa trẻ vào để đưa về với làng ma. Nghe tiếng con gào khóc, lòng A Diệt như muối xát, nhân lúc người làng không để ý, anh lén bồng đứa bé chạy nhanh sang làng bên cạnh gửi cho một người bạn. Người này lập tức ôm đứa bé vào Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1. Tại đây, đứa bé được đặt tên là A Long, hiện đã 9 tuổi, đang học lớp 4. "Lúc đưa A Long về tới đây thì đã yếu lắm rồi. Nhưng như một phép màu, A Long lớn dần, đến ngày thứ 10 thì cất được tiếng khóc" - xơ Y Kham nhớ lại.

 

Chỉ là trường hợp cá biệt

Theo ông A Phương, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, trước đây có việc mẹ chết con phải chôn theo nhưng chỉ là một số trường hợp cá biệt. Hiện nay, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương nên không còn trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa.

Trong khi đó, theo trung úy Hoàng Quý Hòa, cán bộ Trạm Biên phòng K’Vàng kiêm phụ trách bản K’ai, hủ tục này tồn tại từ bao đời của người Mày, dù không xảy ra nhiều nhưng vẫn sót lại trong thời đại văn minh. "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tục mẹ chết thì chôn con theo. Đây không phải là việc một sớm, một chiều có thể giải quyết triệt để nhưng dần dần chúng tôi tin là xóa bỏ được" - trung úy Hòa khẳng định.

Nỗi bất hạnh còn đeo đẳng khi A Long bị bệnh tim bẩm sinh, may mắn sau đó em được phẫu thuật và sức khỏe đã ổn định. "Thỉnh thoảng bố cũng xuống thăm con, đón con về nhà chơi" - A Long kể.

Cùng cảnh ngộ với A Long là A Pianh (10 tuổi); vốn là người dân tộc Bahna ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Mẹ A Pianh mang bầu và sinh em trên rẫy vì kiệt sức nên qua đời. Cha A Pianh cuốn em bằng một mảnh vải rồi mang vào rừng treo lên cành cây và bỏ về. May sao, lúc này có một nhóm thợ săn nghe tiếng trẻ con khóc liền tìm tới cứu sống và gửi em vào Mái ấm tình thương Vinh Sơn 1. Năm nay, A Pianh học lớp 5, có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ.

Minh Tuấn - Hoàng Thanh/nld

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.