Những dòng tộc người Việt lâu đời trên đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vùng Tây Nguyên nói chung, An Khê xưa kia nói riêng vốn là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số. Từ cuối thế kỷ XVII, bằng nhiều con đường khác nhau, người Việt đã có mặt và dần định cư trên mảnh đất này, khắc họa thêm nhiều nét văn hóa độc đáo nơi miền Thượng.

Họ Nguyễn với 17 sắc phong Vua ban

 

Cụ Diệp Thị Hà bên câu đối bằng gỗ vẫn còn lưu giữ của dòng họ Nguyễn. Ảnh: H.T
Cụ Diệp Thị Hà bên câu đối bằng gỗ vẫn còn lưu giữ của dòng họ Nguyễn. Ảnh: H.T

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Thắng-giáo viên bộ môn Lịch sử Trường THCS Mai Xuân Thưởng (thị xã An Khê), Chủ nhiệm đề tài khoa học “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê, Gia Lai” cho biết, trong quá trình điền dã, anh đã phát hiện ra nhiều điều thú vị về các dòng tộc người Việt lâu đời trên đất An Khê, trong đó có họ Nguyễn. “Đây được xem là dòng họ danh gia vọng tộc với nhiều người làm quan và đến nay vẫn còn giữ được tổng cộng 17 sắc phong từ thời vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Duy Tân ban cho dòng tộc, gia đình, người có công dẹp loạn... Những cứ liệu lịch sử quý này hiếm có dòng họ nào qua hàng trăm năm vẫn còn giữ được nguyên vẹn”-Thạc sĩ Thắng cho hay.

Anh Thắng phân tích: Ông tổ họ Nguyễn ở An Khê di cư từ vùng Tây Sơn Hạ đạo lên đây định cư, có tên là Nguyễn Văn Tứ. Trong “Đại Nam nhất thống chí”, quyển 10, tập 3 có nói, ông này từng được vua Gia Long phong chức “Trung quân doanh quản chấn nghĩa chi khâm sai chưởng cơ” vào năm 1793, theo Đông cung sai phái đánh giặc. Đến năm 1799, thăng chức Trung quân vũ chi tà hiệu, đem quân dẹp yên Man (từ dùng để gọi người dân tộc thiểu số lúc bấy giờ-N.V) phản nghịch. Năm 1799, ông Tứ được trông coi trung đồn hậu chỉ-một trong 5 đồn quân ngự lâm của nhà Nguyễn đóng ở Quy Nhơn. Năm 1804, ông này tiếp tục được thăng chức “Hữu quân thiện vũ vệ chánh vệ” rồi vì già xin về hưu; đến năm 1817, bố An Tây Thượng đạo, giữ nguyên Kiều Bông phòng giữ ác Man. Minh Mạng năm thứ 1 (năm 1820), ông Tứ vào chầu vua, được hậu ban cho áo, gươm đeo và súng điểu sang. Ngoài ra, vua còn hỏi ông Tứ về kế bình Man rồi cho 50 quân theo để phòng giữ. Ông Tứ chết, có 2 người con là Nguyễn Văn Chẩn sau này làm đến cai đội (quan ngũ phẩm) và Nguyễn Văn Lưu làm quan đến Thủ úy thành Bình Định.

Nhà thờ từ đường của tộc Nguyễn hiện nay vẫn được con cháu gìn giữ, trông coi tại tổ dân phố 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Cụ Diệp Thị Hà (vợ của cụ Nguyễn Chính-đời thứ 5) cho biết: “Nghe chồng kể, cha chồng tôi là Chánh tổng Nguyễn Tồ hồi đó cũng được vua Bảo Đại phong chức Cửu phẩm văn giai. Lúc tôi về làm dâu nhà này đã thấy có nhà từ đường. Hồi đó bằng gỗ, nhưng sau này lâu năm bị mối mọt, mục nát nên các con tôi đầu tư xây mới lại khoảng chục năm nay. Tuy xây lại bằng nhà gạch nhưng phần gỗ phía trong vẫn còn giữ, kể cả các sắc phong, hoành phi, bài vị, câu đối cũng vẫn còn. Hồi năm 1974 tản cư đếnđtận Cam Ranh, vợ chồng tôi cũng gom hết những thứ đó theo, ngày giải phóng quay về đây lại gói gém cẩn thận mang về. Mình phải có trách nhiệm giữ gìn bởi vì nó là tài sản quý giá của cả dòng tộc. Giờ tôi già yếu rồi vẫn căn dặn các con như thế”.

Nghề rèn của tộc Trương

Người đang trông giữ từ đường của tộc Trương là ông Trương Nghiệp (sinh năm 1934)-đời thứ 7 của dòng họ, hiện đang cư ngụ tại thôn An Điền Bắc 2 (xã Cửu An, thị xã An Khê). Cũng giống như tộc Nguyễn, nhà từ đường xưa kia của họ Trương đã không còn tồn tại sau chiến tranh mà thay vào đó là ngôi nhà tường gạch mái tôn. Tuy vậy, tại nơi này vẫn đang được con cháu lưu giữ các bài vị, bàn thờ gỗ và đặc biệt là 2 bức hoành phi lớn viết bằng chữ Hán đề “Trương Tự Đường” và “Phúc Minh Quang” của dòng họ từ thuở lên đây lập nghiệp cho đến giờ.

Ông Nghiệp cho biết, theo các cao niên kể lại, họ Trương di cư từ khu vực Bắc Trung bộ vào vùng Kiên Ngãi (Tây Sơn-Bình Định) sinh sống rồi lên Cửu An định cư từ thế kỷ XVIII. Vì bao đời gắn bó với nông nghiệp nên dòng họ Trương từ lâu đã giỏi nghề rèn và mang theo nó đến vùng đất mới. Ban đầu chỉ là rèn nông cụ như cuốc, rựa, lưỡi cày để phục vụ sản xuất trong gia đình, sau này mở rộng ra phục vụ cho cả làng. Đặc biệt, vùng Cửu An xưa kia cọp, báo, voi… rất nhiều, dòng họ Trương nói riêng và dân làng nói chung có nhiều người bị mất mạng vì thú dữ. Trước thực trạng đau lòng ấy, họ Trương đã tập trung rèn vũ khí như: giáo mác, làm mang cung, tên… để đánh lại thú dữ, bảo vệ sự bình yên cho thôn làng.

“Cuốn gia phả dòng họ bị thất lạc trong chiến tranh. Thế hệ sau này của họ Trương đã ý thức được truyền thống của mình nên đã tập trung họp bàn hoàn chỉnh gia phả của dòng họ vào ngày 6-7-2011 gồm 6 đời. Các đời sau này đang được bổ sung. Vì quý nên tôi giữ cất cẩn thận cho con cháu sau này nhìn vào còn biết tổ tông”-ông Nghiệp cho biết.

Họ Đỗ “cách mạng”

 

Các võ sinh An Khê biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: H.T
Các võ sinh An Khê biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: H.T

Sở dĩ gọi như thế là vì dòng họ này gắn liền với tên tuổi của Anh hùng Đỗ Trạc-Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của An Khê. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Thắng, người đầu tiên của dòng họ Đỗ lên An Khê lập nghiệp tên là Đỗ Tấn Lợi. Cụ Đỗ Nhân-anh họ của Đỗ Trạc hiện đang sinh sống tại thôn An Điền Bắc 1, xã Cửu An, thị xã An Khê năm nay đã 83 tuổi, được coi là “trưởng họ” bây giờ. Ông và Đỗ Trạc cùng thuộc đời thứ 3 của dòng họ Đỗ. Tính đến nay, dòng họ Đỗ đã sinh sống trên đất An Khê hơn 100 năm.

Ngoài các dòng họ trên, ở An Khê còn có một số tộc họ lâu đời khác như: Lê, Phan, Võ, Trần… Vai trò của các dòng họ này vô cùng to lớn đối với vùng đất An Khê, sự có mặt của họ đã góp phần mở rộng địa giới lên phía Tây sông Ba gồm 8 làng, đặc biệt là tạo được mối quan hệ đoàn kết khăng khít Kinh-Thượng
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Thắng

Khi nhắc nhớ về người em Đỗ Trạc, cụ Nhân sang sảng kể với giọng tự hào nhưng cũng ẩn chứa sự tiếc thương: “Từ lúc còn rất trẻ Trạc đã làm cách mạng, giỏi lắm. Đến khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn vô cùng dã man, Trạc tỏ rõ lập trường kiên định và cứng rắn, thà chết chứ không khai nửa lời. Sau một thời gian chẳng moi móc được thông tin gì, cuối cùng bọn chúng quyết định đem Trạc ra xử bắn ở sân vận động An Khê vào tháng 2-1947. Mãi tới sau giải phóng, hài cốt của cậu ấy mới được tìm thấy và quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ”.

Cũng theo cụ Nhân, anh ruột của cụ là Đỗ Kim Trọng cũng đi bộ đội và hy sinh trên chiến trường Quảng Trị đỏ lửa vào năm 1972, đến nay vẫn chưa biết hài cốt ở đâu. Một số người trong dòng họ, sau đời Đỗ Trạc cũng tham gia cách mạng.

Năm 1996, với nguyện vọng xác định nguồn gốc và thống kê lại những người trong dòng tộc Đỗ qua các đời, ông Đỗ Anh Tuấn-anh trai cùng cha khác mẹ với Anh hùng Đỗ Trạc-đã lập lại cuốn gia phả cùng cuốn sổ tảo mộ gia tộc họ Đỗ, nhắc nhớ đến ngày 13 tháng Chạp hàng năm, con cháu phải tập trung đông đủ về Cửu An để tảo mộ tổ tiên, ông bà.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm