Sông Krông Nô có một hành trình dài trên mảnh đất Tây Nguyên, uốn lượn trên các buôn làng của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Qua địa phận Đắk Nông dòng sông đã nuôi dưỡng và tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu. Khi ở đây có một kỳ quan phát lộ làm mê hoặc cả nhân loại.
Trái tim công viên địa chất
Trong ánh nắng chiều vàng rực, già Ama Sơn và anh Trần Viết Dụ, cán bộ văn hóa thông tin thị trấn buôn Trấp dẫn chúng tôi đến bến cát Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Anh Dụ chỉ dòng sông trước mặt nói, đây là sông Krông Nô, bên kia sông là buôn Choáh (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Những hộ dân sinh sống trên dãy đất bồi nơi ngã ba sông giờ đã khấm khá hơn rất nhiều. Trước đây, vào được buôn Choáh, phải đi đò từ thị trấn buôn Trấp ngang qua sông. Còn bây giờ, đường sá đổ cấp phối, đi lại tuy có vất vả, nhưng phương tiện giao thông vào được tận nơi. Tiếp lời anh Dụ, già Ama Sơn cho biết: “Ngày ấy, tôi thường chèo con thuyền độc mộc từ thị trấn buôn Trấp sang buôn Choáh thăm bà con và trồng lúa tại vùng đất này”.
Hoàng hôn đổ dài trên dòng sông Krông Nô, những chiếc thuyền bập bềnh của người dân chài thả lưới, giăng câu. Lâu lâu, một vài chiếc thuyền máy chở cát xé nước chạy qua làm mặt sông xao động mạnh. Giọng già Ama Sơn càng thêm huyễn hoặc khi kể huyền thoại dòng sông. Chuyện xưa kể rằng, xưa kia Krông Nô và Krông Ana chỉ là một dòng sông Sêrêpôk. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Vì hai dòng họ có hiềm khích với nhau hàng trăm năm trước nên gia đình cấm cản. Trong một đêm trăng tròn thơ mộng, đôi trai gái cùng gieo mình xuống sông quyên sinh. Sau khi họ chết, mây kéo đến, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước chảy ầm ầm. Sáng mai, khi mọi người thức dậy thì dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào. Dòng sông Sêrêpốk là sự hòa quyện vĩnh hằng của mối tình thủy chung.
|
Đường dẫn vào núi lửa Chư Bluk cánh đồng đầy đá bọt lởm chởm |
Chỉ mất mấy phút đi phà, chúng tôi đến vùng đất buôn Choáh. Theo lời già Ama Sơn, buôn Choáh còn gọi là buôn Cát, trước đây chủ yếu là người Êđê sinh sống, họ lấy bãi cát bồi từ sông Krông Nô đặt tên buôn. Bên dòng sông Krông Nô, cánh đồng rộng hàng nghìn ha ở xã Buôn Choáh, là một “cánh đồng lửa” đã tắt dưới chân núi Chư Bluk. Đường dẫn vào núi lửa Chư Bluk người ta vẫn gọi là trái tim của công viên địa chất, là lối mòn đầy đá bọt lởm chởm, do dung nham nóng chảy từ miệng núi lửa phun ra đã đông cứng lại thành đá. Một miệt vườn cây trái thơm ngọt hai bên đường áp vào vùng đá bọt xám đen.
Chị Phan Thị Thanh đang lúi húi dưới gốc bơ sai trĩu quả, chia sẻ, gia đình chị Thanh vào đây lập nghiệp hơn chục năm nay. Mảnh đất này nhiều năm phù sa bồi lắng, nay trở thành nơi màu mỡ nhất của xã buôn Choáh. Đá ở đây người dân gọi là “đá sống”, do có nhiều lỗ bọt, thấm và giữ nước, nên vừa chịu được hạn, vừa chống được úng. Có thời điểm, Tây Nguyên khô khát, mọi ruộng đồng nứt nẻ nhưng vùng đá cháy Chư Bluk vẫn dung dưỡng cây trồng đến ngày thu hoạch.
Già Ama Sơn cho biết, ngày ấy già cùng người dân bản địa nơi đây đi tìm măng, lấy củi khắp huyện Krông Nô này. Hang động quanh vùng này nhiều lắm, trong đó toàn dơi ở nên mọi người gọi là hang Dơi. Khi các nhà khoa học đến thì bà con mới biết đến hang Chư Blúk.
|
Phà chở khách qua sông Krông Nô |
Cùng với cánh đồng đá bọt buôn Choáh và núi lửa Chư Blúk, Đắk Nông có nhiều vùng địa chất độc đáo liền kề, với những quần thể thác, rừng tự nhiên, hang động thu hút nhiều nhà địa chất của thế giới và bước đầu đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, với những dấu tích của người tiền sử đã được tìm thấy. Những tiềm năng, thế mạnh đó chưa được khai thác, phát huy hiệu quả.
Khởi sắc nơi vùng đá cháy
Nằm nép mình bên dòng sông Krông Nô, buôn Choáh từng là vùng đất khắc nghiệt, mùa mưa ngập lụt, mùa khô bỏng rát, thiếu nước. Có thời gian, buôn Choáh bị cô lập so với các địa phương khác. Cuộc sống của người dân xã buôn Choáh chỉ thay đổi khi đưa vào gieo trồng các giống lúa mới, trong đó có ST24 và ST25, giống lúa ngon nhất thế giới.
Bây giờ, nhắc đến buôn Choáh người ta nhớ ngay đến vựa lúa được bồi đắp phù sa từ dòng sông cha Krông Nô và hang động núi lửa Chư Bluk. Cánh đồng rộng hàng trăm ha ở xã buôn Choáh, minh chứng cho cuộc sống của người dân được thay đổi, họ từng bước vươn lên làm giàu. Gia đình chị Nguyễn Thị Yên (xã buôn Choáh) vào đây lập nghiệp từ năm 1996. Chị cho biết, mới đầu, tất cả đều khó khăn, từ đường sá đến cuộc sống của người dân, đói nghèo đeo bám bà con. Nhưng sau 10 năm thì diện mạo thay đổi từng ngày. Năm 2016, chính quyền thử nghiệm trồng giống ST24, bây giờ nhân ra cả cánh đồng hơn 200 ha. Nhà chị có 2 ha trồng giống lúa này, một năm 2 vụ cho thu hoạch14 tấn/ha.
Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận, vùng sản xuất lúa buôn Choáh, là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Xã Buôn Choáh đã xây dựng được thương hiệu “Lúa gạo Buôn Choáh” riêng gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. |
Trước đây, người trồng lúa ở xã buôn Choáh, hay ở các buôn dọc sông Krông Ana, Krông Nô chủ yếu dựa vào sức người, sức trâu, bò để cày cuốc, sản xuất, thu hoạch. Mấy năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh việc cơ giới hóa, nghề trồng lúa đã trở nên nhàn hạ và hiệu quả. Nhiều gia đình chỉ trồng lúa, nhưng kinh tế ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Chúng tôi gặp chị Dương Thị Tư, (xã Buôn Choáh) nơi cánh đồng lúa xanh mơn mởn, chị chia sẻ, làm lúa nước bây giờ nông dân không còn chân lấm, tay bùn. Mấy năm trở lại đây, có máy gặt đập liên hoàn tiết kiệm được chi phí. Sau khi thu hoạch, người dân chỉ việc lái máy cày ra đồng chở lúa về và đưa lên bàn cân bán cho thương lái. Hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất lúa hiện nay đều được cơ giới hóa, từ làm đất, thu hoạch đến vận chuyển. Cánh đồng buôn Choáh không những là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông, mà còn là một trong những vùng chuyên canh lúa lớn nhất Tây Nguyên. “Nhờ dòng nước của 2 con sông hòa quyện mà trái cây hay các loại lương thực nơi đây có mùi vị đậm đà, thơm hơn những vùng đất khác”, chị Tư cho biết.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Thảo (TPO)