Những cuộc đời ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người mẹ ấy hẳn sẽ còn vương nỗi buồn thương dai dẳng, nhưng bù lại, một phần máu thịt của con trai vẫn đang sống, đang hiện hữu trên cuộc đời này. Sự sống được nối tiếp, vinh quang hay cay đắng, ngọt ngào đều có bóng hình người thương đã khuất...
Lời tri ân nghẹn ngào
“Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết sức mình để cứu chữa cho em, nhưng tai nạn giao thông đã làm não của em không thể hồi phục được. Ý nguyện của gia đình muốn giữ lại những phần còn sống trong cơ thể em để giúp đời, giúp những bệnh nhân đang cần ghép tạng. Xin cảm ơn em, cảm ơn gia đình. Xin chào em!”, đó là lời tạ từ nghẹn ngào của tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi phẫu thuật lấy tạng của chàng trai 19 tuổi.
Chàng trai bị tai nạn trong kỳ nghỉ lễ 1-5. Khi ấy, các bác sĩ hai bệnh viện phối hợp cố gắng cứu chữa nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện. Sau đó, một hội đồng độc lập được thành lập, tiến hành các xét nghiệm và đánh giá lâm sàng xác định bệnh nhân đã chết não.
Gia đình quyết định hiến hai quả thận, lá gan và trái tim của con để ghép cho người khác. Do người hiến còn trẻ tuổi, ban đầu các tạng hiến được dự định ưu tiên ghép cho trẻ em. Tuy nhiên, trong danh sách bệnh nhân chờ ghép tim và gan không có trẻ phù hợp. Trong danh sách chờ ghép thận, 4 bệnh nhi có chỉ số phù hợp nhưng đáng tiếc là kết quả kiểm tra cho thấy các bé đều đang có vấn đề sức khỏe, không thể ghép được. Cuối cùng, toàn bộ 4 tạng từ chàng trai được ghép cho người lớn.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy cảm ơn gia đình hiến tạng cùng ê-kíp hỗ trợ cho việc hiến, ghép tạng thành công.
Bệnh viện Chợ Rẫy cảm ơn gia đình hiến tạng cùng ê-kíp hỗ trợ cho việc hiến, ghép tạng thành công.
Hai quả thận được ghép cho hai nam bệnh nhân gồm một người 27 tuổi (quê Long An) và 37 tuổi (quê Nghệ An), họ đều chạy thận nhân tạo 9 năm nay. Lá gan ghép cho người đàn ông 39 tuổi bị xơ gan (quê Gia Lai), điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng trái tim được Trung tâm Điều phối Quốc gia chọn ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cảnh sát giao thông đã hộ tống trái tim từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định ra sân bay Tân Sơn Nhất và hãng hàng không vận chuyển trong thời gian nhanh nhất đến Huế để kịp ghép cho bệnh nhân.
Nỗi đau trước sự mất mát là quá lớn đối với gia đình chàng trai 19 tuổi, nhưng giữa sự đau đớn ấy, họ đã dũng cảm chọn lựa một phương án mà không phải gia đình nào cũng chấp nhận hy sinh. Người mẹ ấy, hẳn sẽ còn vương nỗi buồn thương dai dẳng trong trái tim của mình, nhưng bù lại, một phần máu thịt của con trai vẫn đang sống, đang hiện hữu trên cuộc đời này.
Đây cũng chính là điều còn lại duy nhất của những bà mẹ từng hiến tạng con mình cứu được nhiều người đang bên bờ cái chết. Trong chương trình “Người bí ẩn” của đài HTV, TP. Hồ Chí Minh từng có một câu chuyện về “trái tim người” khiến hàng triệu người xem rơi lệ. Người mẹ tên là Cấn Thị Ngần được mời đến chương trình để tìm người đang mang trái tim của con trai mình. Trong 5 nhân vật được đưa ra, đều giới thiệu là người nhận tim của con trai bà Ngần nhưng sự thật chỉ có một người. Thử thách đưa ra cho người mẹ là phải tìm đúng người đang mang trái tim của con bà.
Bà Ngần chậm rãi tiến lại từng người, áp má vào lồng ngực, im lặng cảm nhận từng nhịp đập của trái tim. Mọi người hồi hộp, lo lắng, không biết bà Ngần có đủ khả năng tìm ra trái tim con trai của mình không. Đến người thứ 4, bà Ngần dừng lại thật lâu, ôm thật chặt phía sau lưng của người đàn ông 40 tuổi mang khuôn mặt phúc hậu, nhân từ. Bà lặng đi khi cảm nhận được hơi nóng của trái tim, mỗi nhịp đập đều như hòa nhịp với trái tim của bà, thổn thức, nghẹn ngào, bà Ngần đã khóc nức nở và ôm thật chặt lồng ngực người đàn ông mang trái tim của con trai.
 
Bác sĩ Ngọc Thu chia sẻ về ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người.
Bác sĩ Ngọc Thu chia sẻ về ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người.
Bà Ngần cho biết, con trai bà chết não đến 99%, bác sĩ gặp bà nói rằng hãy làm nhân đạo. Bà vẫn chưa hiểu làm “nhân đạo” là thế nào, bà suy nghĩ mãi thì đến buổi chiều bác sĩ nói với bà lần nữa. Bác sĩ bảo, những người suy tim, suy thận, mù mắt... nếu được hiến tạng từ người chết não thì họ sẽ có cơ hội kéo dài sự sống. Bà Ngần hiểu ra, quay sang nhìn con, đã không còn cơ hội sống nữa rồi. Bà nghĩ, nếu thiêu đi sẽ thành tro bụi trong khi bao nhiêu con người đang cần được sống. Nhưng, bà lại nghĩ, con đang lành lặn thế mà phanh con ra lấy hết bộ phận của con thì đau xót đến nhường nào.
Nội tâm của bà Ngần vừa giằng xé vừa tranh đấu, phải làm thế nào trước một nỗi đau quá lớn thế này. Cuối cùng, lý trí của bà đã chiến thắng, bà biến đau thương thành tình thương để cứu người. Ngoài trái tim, con trai bà Ngần còn hiến 2 quả thận, 2 ca gắn giác mạc, tổng cộng được 5 sự sống. Trái tim của con trai bà Ngần được ghép cho anh Nguyễn Nam Tiến, một sĩ quan công tác tại Vùng Cảnh sát biển 2, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Mang theo trái tim của người khác, anh Tiến tiếp tục sống và làm nhiều việc ý nghĩa để đáp trả lại cuộc đời và trả ơn người mẹ đã hiến dâng trái tim của đứa con cho mình. 
Không bao giờ hối tiếc
Đã 6 năm trôi qua, dù một phần hình hài máu thịt của con trai đang lớn dần lên trong cơ thể của người khác nhưng bà Võ Thị Ánh Phụng (54 tuổi, quê Bến Tre) vẫn chưa thôi thương nhớ về con. Con trai bà Ánh bị tai nạn giao thông, được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do vết thương sọ não quá nặng, chàng trai đã rơi vào tình trạng chết não. Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trung tâm Điều phối hiến tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, gặp bà Phụng nói với bà hãy làm phước. Cũng như bao người mẹ nông thôn khác, bà Phụng không hiểu được nghĩa của từ “làm phước” mà bác sĩ Thu nói.Các bác sĩ phải giải thích rất cặn kẽ về ý nghĩa của việc hiến tạng, cứu người cho bà Phụng hiểu. Bà Phụng lặng người đi.
Trong góc tường bệnh viện, người phụ nữ nhỏ bé, khắc khổ, hằn rõ nỗi đau cùng sự tuyệt vọng khi con trai không còn cơ hội trở lại sự sống. Mai kia đưa con về, chôn hay thiêu đều chẳng còn gì nữa, chi bằng hiến tạng của con để cứu lấy những mảnh đời đang khao khát sự sống. Khi đưa ý định này ra, gia đình bà Phụng không đồng ý, con gái của bà ôm mặt khóc nức nở, nó thương anh trai rất nhiều. Bà Phụng thuyết phục gia đình, người chết không sống lại được nữa, thà cho đi để còn lại, dù là mang hình hài một sự sống khác.
Những bộ phận của con trai bà Phụng được ghép thành công, bà Phụng cũng vơi bớt nỗi buồn nhưng lại mang một tiếng xấu khó mà rửa sạch. Chòm xóm láng giềng nghe tin bà Phụng hiến tạng con thì hoài nghi, họ đồn bà Phụng bán tạng con để lấy tiền ăn tiêu. Bà đau khổ tột cùng, suốt thời gian sau đó bà sống lầm lũi, lảng tránh tất cả mọi người. Kỷ niệm chương ngành y tế trao tặng, bà Phụng đi nhận về giấu thật kỹ trong góc tủ căn phòng trọ, không dám để ai nhìn thấy. Bà sợ họ nói vào nói ra, ai đó cảm thông, chia sẻ bà cũng thấy đau, huống hồ người ta nghĩ xấu.Ngay cả các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy muốn gặp lại bà Phụng để hỏi thăm cũng không thể gặp được.
2 năm sau, cũng là thời điểm mãn tang con trai, bà Phụng quyết định lấy kỷ niệm chương và bằng khen của Bộ Y tế ra đưa cho ông chủ nhà trọ xem. Bà bảo: “Tôi bán thận con trai để ăn thì làm sao có cái này”. Mọi người dần hiểu ra, từ chỗ hoài nghi, chê trách thì chuyển sang thương cảm, ngưỡng mộ bà Phụng. Biết hoàn cảnh của bà Phụng khó khăn vất vả, một nách nuôi con nhỏ dại, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đỡ đầu cho bé đến trường học. Một công ty tặng bà tấm thẻ bảo hiểm y tế.
Để duy trì cuộc sống, bà Phụng phải lăn lộn làm đủ thứ nghề. Bà được nhận vào làm lao công cho một quán bar trên đường Thảo Điền, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Công việc hằng ngày là lau quét mặt bằng quán bar rộng gần 200m2, dọn từng cái bàn, cái ghế, rồi chùi nhà vệ sinh và rửa cả chồng ly, chén cao ngất ngưởng. Làm việc vất vả, bà Phụng đổ bệnh, phải chạy chữa thuốc thang thường xuyên. “Sự sống dù thế nào thì vẫn phải tiếp diễn, tôi không ân hận hay nuối tiếc việc mình đã làm. Nhiều khi tôi tự cười vui với lòng mình, rằng ở một nơi nào đó, những người mang tạng của con trai tôi đang sống mạnh khỏe, hạnh phúc, giúp ích được nhiều việc cho đời”.
 
Bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí thực hiện ca mổ lấy tạng từ chàng trai 19 tuổi chết não.
Bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí thực hiện ca mổ lấy tạng từ chàng trai 19 tuổi chết não.
Nhận thức đủ đầy về ý nghĩa của việc hiến tạng, bà Phụng cũng đã tự nguyện đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.Bà bảo, sẽ sống một cuộc đời thật cao thượng, dù là nghèo khó hay bệnh tật.
Với bác sĩ Thu, người tự nguyện gắn đời mình tại Trung tâm Điều phối hiến tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, dù đã quen thuộc với công việc nhưng chưa bao giờ lòng bà thôi trắc ẩn.“Tôi đã từng đứng ở nhà xác trong một buổi chiều, người hiến tạng được tẩm liệm, chuẩn bị đưa về nhà cùng gia đình. Khi đó, ê-kíp ghép tim ở bệnh viện gọi sang reo vui: “Chị Thu ơi, tim đập lại rồi, chị ơi!”. Trái tim người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Một bên rộn tiếng cười hạnh phúc vì vừa cứu được một con người. Một bên đau thương vì mất mát.Mình đứng ở giữa, biết nói gì đây”, bác sĩ Thu tâm sự.
Còn bác sĩ Phạm Hữu Thiện Chí, khi thực hiện ca mổ hiến tạng, ông không khỏi xúc động xen lẫn cảm phục tấm lòng cao cả cùng sự hy sinh của các bậc cha mẹ.Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, để thêm trân quý và biết ơn họ thật nhiều.
“Nguồn tạng hiến từ người cho chết não là món quà quý giá, bước ngoặt giúp nhiều người hồi phục trở về cuộc sống bình thường, trong bối cảnh rất nhiều bệnh nhân chờ ghép nhưng khan hiếm nguồn tạng. Ở nước ngoài, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho chết não, trong khi ở Việt Nam, đa số trường hợp do người sống hiến một phần gan và một quả thận”, bác sĩ Chí cho biết.
Ngành ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới khoảng 40 năm nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trên thế giới. Cả nước đã có hơn 20 trung tâm ghép tạng. Các bác sĩ ở Việt Nam đã thực hiện thành công và làm chủ được các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép giác mạc... Thậm chí, rất nhiều nơi đã có thể ghép đa tạng, ghép đồng thời các mô tạng cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, so với các nước trên thế giới, số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam vẫn còn rất ít.
 
Các Y, bác sĩ dành một phút mặc niệm tiễn biệt người bệnh trước khi thực hiện ca mổ lấy tạng.
Các Y, bác sĩ dành một phút mặc niệm tiễn biệt người bệnh trước khi thực hiện ca mổ lấy tạng.
Từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay mới có khoảng 5.000 ca, chủ yếu là ghép thận.Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng hiện nay lại rất nhiều và ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người cần ghép tạng, họ đang giành giật sự sống từng giây, từng phút, với mong mỏi được hồi sinh. Do đó, việc đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng hôm nay là hành động vô cùng ý nghĩa, chính là trao tặng cơ hội, mang lại sự sống diệu kỳ cho hàng ngàn người bệnh.
Theo Ngọc Hoa - Phương Linh (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.