Những công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ 3: Bất cập trong cấp, sử dụng thiết bị dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, từ năm 2012 đến 2015, tỉnh Gia Lai đã chi hơn 133 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang-thiết bị dạy học cho các trường phổ thông. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế của P.V, việc cấp, quản lý và sử dụng các thiết bị bộc lộ nhiều bất cập, gây lãng phí.

Thiết bị hư hỏng, ít sử dụng

Nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đồng bộ và hệ thống trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2012-2015, Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai 4 dự toán và 1 dự án thuộc Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; đấu thầu 5 gói để mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông. Theo đó, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) trúng các gói thầu này với tổng giá trị hợp đồng trên 133,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu khảo sát nhu cầu thực tế đã dẫn đến đầu tư dàn trải, không đồng bộ trong giai đoạn đầu; cộng với công tác hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo hành từ nhà cung cấp thiết bị chưa thật sự đến nơi đến chốn nên hiệu quả mang lại không cao.

 Bàn học gắn tai nghe, thiết bị kiểm tra đánh giá tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) đã hư hỏng, không sử dụng được. Ảnh: Quang Tấn
Bàn học gắn tai nghe, thiết bị kiểm tra đánh giá tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) đã hư hỏng, không sử dụng được. Ảnh: Quang Tấn


Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) được Sở GD-ĐT đầu tư phòng học ngoại ngữ và tin học từ năm 2012 với hệ thống bàn ghế có gắn thiết bị kiểm tra đánh giá, tai nghe và máy chiếu vật thể, máy chiếu cự ly gần... Song mãi đến năm 2018 và 2019, nhà trường mới được trang bị thêm 2 bảng tương tác thông minh và 2 máy tính xách tay với tổng trị giá 615 triệu đồng. Chính sự đầu tư thiếu đồng bộ đã khiến hệ thống thiết bị được cấp trước đó phần lớn bị hư hỏng, không còn phát huy hiệu quả khi kết nối cùng bảng tương tác. Cô Nguyễn Thị Tứ-Phó Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Vì thời gian sử dụng lâu cộng với ý thức học sinh còn hạn chế nên thiết bị kiểm tra đánh giá lắp đặt trên bàn và tai nghe không còn sử dụng được nữa. Hiện nay, khả năng tương tác của học sinh trên các thiết bị kèm theo này hầu như không có; giáo viên chỉ khai thác và sử dụng được khoảng 40% công năng của thiết bị”.

Cũng theo cô Tứ, việc bố trí bàn ghế, thiết bị ở 2 phòng học này chỉ phù hợp với dạy và học 2 môn Tiếng Anh, Tin học nên giáo viên các môn học khác đều không sử dụng mà chủ yếu giảng dạy trực tiếp tại lớp thông qua kết nối với ti vi thông minh. Mặt khác, nhiều giáo viên dù đã được tập huấn nhưng khả năng sử dụng công nghệ còn hạn chế dẫn đến ngại tiếp cận để dạy học.

Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) cũng được đầu tư phòng học ngoại ngữ, tin học vào năm 2013 và đến năm học 2015-2016 thì được trang bị thêm 2 bảng tương tác thông minh. Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Ngoạn cho hay: “Thời điểm đó, một số thiết bị được cấp từ trước như tai nghe, thiết bị kiểm tra đánh giá đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, không kết nối được với màn hình thông minh. Từ tháng 4-2020 đến nay, nhà trường đã tháo dỡ và đưa toàn bộ bàn ghế có gắn thiết bị cất vào kho”. Cũng theo thầy Ngoạn, khi bàn giao thiết bị, nhà trường chỉ ký xác nhận, không rõ giá trị tài sản nên cũng chẳng biết tài sản đã hết khấu hao hay chưa.

Cô Nguyễn Thị Mai Phương-giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa-chia sẻ: “Từ khi nhà trường được trang bị phòng học tiếng Anh và bảng tương tác thông minh, việc giảng dạy của tôi khá thuận lợi và có sinh động hơn trong từng tiết dạy. Học sinh hào hứng học tập khi được tương tác, tiếp cận với công nghệ. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, bàn ghế và các thiết bị kiểm tra đánh giá, tai nghe... đã bắt đầu hư hỏng, tôi phải thay thế bằng các hình thức tương tác thông thường như mở máy nghe hoặc cho các em viết đáp án trên bảng con. Hiện màn hình tương tác thông minh khởi động có lúc rất chậm, độ cảm ứng không còn được nhanh nhạy dẫn đến giảm khả năng ứng dụng thiết bị vào dạy và học”.

Tương tự, Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) cũng được trang bị hệ thống thiết bị học ngoại ngữ từ năm 2014. Bên cạnh sử dụng tốt bảng tương tác, máy tính xách tay, máy chiếu cự ly gần thì một số thiết bị kèm theo khác như máy chiếu vật thể, tai nghe... đã bị hư hỏng hoặc nhà trường không có nhu cầu sử dụng vì chưa phù hợp với tình hình dạy và học. Còn Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) thì rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi bảng tương tác thông minh được trang bị từ năm 2015 không hư hỏng nhưng vẫn phải “đắp chiếu” vì thất lạc thiết bị điều khiển trong quá trình sử dụng, lưu trữ. Nhà trường đã tìm mua khắp nơi nhưng không có, thậm chí liên hệ với đơn vị cung ứng thiết bị cũng không được nên đành phải để máy nằm im đó suốt thời gian dài.

Nhiều bất cập, hạn chế

Nhiều trường phổ thông trong tỉnh được đầu tư thiết bị dạy và học ngoại ngữ cũng rơi vào thực trạng tương tự. Theo kết quả giám sát tại một số địa phương, đơn vị và 26 trường học của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, việc đầu tư một số trang-thiết bị chưa phát huy hết hiệu quả, thiếu đồng bộ. Đa số hệ thống bảng tương tác đầu tư giai đoạn 2014-2015 thuộc Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đến nay đã hư hỏng nhiều, màn hình mờ, hỏng một vài chi tiết hoặc hỏng hoàn toàn; nhiều trường không còn sử dụng. Trong quá trình dạy, phần lớn giáo viên không sử dụng hết công năng của thiết bị, một số thiết bị kèm theo đến thời điểm giám sát vẫn chưa hoặc rất ít sử dụng như: thiết bị kiểm tra đánh giá, máy chiếu cự ly gần dùng cho giáo viên, tai nghe... Hầu hết các trường chỉ sử dụng thiết bị để dạy và học đối với môn Ngoại ngữ, Tin học; các môn học khác ít hoặc không sử dụng.

Theo cô Nguyễn Thị Mai Phương, hiện màn hình tương tác thông minh khởi động có lúc rất chậm, độ cảm ứng không còn được nhanh nhạy.
Theo cô Nguyễn Thị Mai Phương, hiện màn hình tương tác thông minh khởi động có lúc rất chậm, độ cảm ứng không còn được nhanh nhạy. Ảnh: Quang Tấn

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ năm 2013 đến 2019, toàn tỉnh có 45 trường phổ thông trực thuộc Sở được cấp 47 bảng tương tác thông minh với nhiều phiên bản (hiện có 12 bảng bị hỏng một hoặc một vài bộ phận); 392 trường tiểu học và THCS thuộc quản lý của phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố được cấp 470 bảng tương tác (có 110 bảng đã hỏng một hoặc một vài bộ phận).

Thầy Nguyễn Đức Thương-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thông tin: Cuối năm 2013, nhà trường được Sở GD-ĐT trang bị bộ thiết bị giảng dạy thông minh thuộc Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trị giá hơn 169 triệu đồng. Bộ thiết bị gồm: 1 bảng tương tác thông minh (không có thông tin về tuổi thọ và thời gian bảo hành), 1 máy chiếu vật thể (tuổi thọ 20.000 giờ), 1 máy chiếu cự ly gần (tuổi thọ 4.000 giờ), 1 máy tính xách tay và 35 thiết bị kiểm tra đánh giá. Từ năm học 2014-2015, nhà trường bắt đầu đưa bộ thiết bị này vào sử dụng thường xuyên. Đến nay, bảng tương tác và máy chiếu cự ly gần đã mờ, dẫn đến học sinh khó quan sát; thiết bị kiểm tra đánh giá cũng bị hỏng hơn 20 cái. “Trường đã nhiều lần liên hệ với nhà thầu cung cấp thiết bị là Công ty AIC để sửa chữa nhưng không liên lạc được. Hiện chúng tôi hạn chế sử dụng bảng tương tác thông minh để đảm bảo an toàn về mắt cho học sinh. Nhà trường mong muốn Công ty AIC hỗ trợ sửa chữa thiết bị để đảm bảo thông số kỹ thuật đưa vào giảng dạy trong thời gian sớm nhất”-thầy Thương đề xuất.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Hiệp-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai-cho hay: Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện có 31 trường tiểu học và THCS được trang bị 35 bảng tương tác thông minh thuộc Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Ngoài môn Tiếng Anh, các trường còn vận dụng thiết bị vào giảng dạy nhiều môn học khác. Từ năm 2015 đến nay, nhiều bảng tương tác và một số thiết bị kèm theo của các trường đã hỏng không sử dụng được. Phòng cũng đã đề nghị Sở GD-ĐT liên hệ yêu cầu đơn vị cung cấp hỗ trợ kiểm tra, sửa chữa, thay thế mới thiết bị hư hỏng để kịp thời đảm bảo công tác dạy học. Tuy nhiên, các trường nhiều lần liên hệ số điện thoại của nhà cung ứng nhưng không thể liên lạc được.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.